Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sinh Sản Thành Công Bào Ngư Giống Tại Bạch Long Vỹ

Sinh Sản Thành Công Bào Ngư Giống Tại Bạch Long Vỹ
Ngày đăng: 11/01/2014

Năm 2013 đánh dấu bước phát triển nổi bật của thủy sản Hải Phòng. Lần đầu tại Hải Phòng, Viện nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống bào ngư tại trại sản xuất giống ở huyện đảo Bạch Long Vỹ. Thành công này không chỉ mang ý nghĩa về phát triển kinh tế mà còn mang ý nghĩa lớn về bảo tồn thiên nhiên cũng như những vấn đề xã hội khi người dân đảo có cơ hội “đổi đời”.

Hồi sinh nguồn lợi biển quý hiếm

Nhắc đến huyện đảo Bạch Long Vỹ là người ta nghĩ ngay đến vùng đảo quê hương của bào ngư. Giá trị của bào ngư lớn đến nỗi ai đến Bạch Long Vỹ cũng muốn thưởng thức đặc sản biển này. Vì thế mà người dân đảo hay thuyền chài thường xuyên neo đậu tại Bạch Long Vỹ đều tìm cách bắt cho bằng được. Vì vậy nguồn lợi bào ngư cạn kiệt dần…

Nhận thấy giá trị và sự cạn kiệt về giống hải sản quý hiếm này, Viện nghiên cứu hải sản tại Hải Phòng lập dự án đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành lập trại sản xuất giống bào ngư tại Bạch Long Vỹ với mục tiêu tăng cường kinh tế dân sinh cho người dân đảo và bảo tồn loài hải sản bào ngư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt và cấp 5,8 tỷ đồng cho Viện nghiên cứu hải sản, và gần như ngay lập tức, trại sản xuất giống được triển khai xây dựng. Người được Viện nghiên cứu hải sản tin tưởng giao nhiệm vụ triển khai công tác chuyên môn là thạc sĩ Lại Duy Phương- người có nhiều năm nghiên cứu về bào ngư.

Bắt tay vào việc, anh Phương cùng cán bộ của Viện nghiên cứu phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vỹ xây dựng trại và tìm bào ngư bố mẹ. Chỉ sau một thời gian ngắn, công việc chuẩn bị đã sẵn sàng với hệ thống bể chứa, bể nuôi, bể sinh sản và hơn 20 cặp bào ngư bố mẹ đã được nuôi thuần hóa đầu tiên.

Nuôi vỗ bào ngư bố mẹ một thời gian, đủ tiêu chuẩn cho sinh sản, tháng 8-2013, anh Phương cùng với anh em đưa bào ngư bố mẹ vào bể sinh sản. Và rồi giây phút họ mong chờ cũng đến, chỉ sau vài ngày, những túi trứng bào ngư đã xuất hiện trong bể. Mọi người vui mừng vỗ tay reo hò, lần đầu tiên, trứng bào ngư có ở trên bờ tại Bạch Long Vỹ.

Bào ngư sinh sản được trên bờ đã là thành công, nhưng để cho nở trứng thành ấu trùng và từ ấu trùng phát triển thành con giống mới là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, những khó khăn này đã được lường trước và công tác chuẩn bị cũng đã sẵn sàng. Sau một thời gian ngắn, trứng nở thành ấu trùng rồi đưa vào nuôi thành con giống.

Những loại vi tảo làm thức ăn cho ấu trùng cũng đã có. Bào ngư ấu trùng lớn không gặp trở ngại gì nhiều và để thành con giống, tỷ lệ sống đạt 10%, lớn nhất từ trước đến nay. Vừa qua, số bào ngư sinh sản đợt đầu được đưa vào lồng nuôi trong bể, và chỉ thời gian ngắn nữa, khi tình hình thời tiết khả quan, sẽ đưa ra nuôi ngoài biển.

Mở hướng phát triển kinh tế từ bào ngư

Từ trước đến nay, tại Việt Nam, chỉ có Viện nuôi trồng thủy sản 3 (tại Nha Trang- Khánh Hòa) có thể sinh sản thành công giống bào ngư. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phương, đó là những con bào ngư chất lượng không cao như ở Bạch Long Vỹ và từ trại giống Bạch Long Vỹ, những con bào ngư được sinh sản thành công tại đây đã được chuyển ngược vào Nha Trang để nuôi thử nghiệm. Bào ngư sau 16-18 tháng nuôi, có thể thu hoạch và không cần bất cứ loại thức ăn nào. Đến đầu năm 2015, những con bào ngư giống từ trại giống Bạch Long Vỹ sẽ có mặt trên thị trường.

Thành công trong sản xuất bào ngư giống tại Bạch Long Vỹ đã mở ra cơ hội lớn trong việc bảo tồn giống loài tại biển khơi ở Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Nguồn lợi bào ngư tại Bạch Long Vỹ đang bị cạn kiệt nay có cơ hội khôi phục dần, bởi mỗi năm, hơn 150.000 con giống sẽ được đưa ra ngoài biển, đó là chưa kể khoảng 200 triệu ấu trùng có cơ hội được vùng vẫy ngoài biển khơi. Nguồn lợi được khôi phục có nghĩa là cuộc sống của một bộ phận người dân đảo sẽ thay đổi đáng kể.

Chỉ hơn 1 năm nữa, giống bào ngư nuôi vừa qua sẽ trở thành bào ngư thương phẩm và rồi không chỉ ở Bạch Long Vỹ mà nhiều nơi khác cũng có nguồn hải sản mang thương hiệu này. Ước mong bao nhiêu năm nay của huyện đảo dần trở thành hiện thực, không chỉ giải quyết các vấn đề về kinh tế, dân sinh mà cò góp phần xây dựng huyện đảo tiền tiêu ngày càng giàu đẹp.

Theo thạc sĩ Lại Duy Phương, khi nghe thông tin tại Bạch Long Vỹ sinh sản thành công giống bào ngư, các chuyên gia thủy sản của Hàn Quốc đã đặt vấn đề sang học tập kinh nghiệm và xin chuyển giao công nghệ. Vì tại xứ Kim Chi, tuy cũng sản xuất được giống bào ngư nhưng tỷ lệ sống đạt không cao như ở Bạch Long Vỹ.


Có thể bạn quan tâm

Con Tôm “Mắc Cạn” Cuối Vụ Con Tôm “Mắc Cạn” Cuối Vụ

Do tác động từ thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh…

13/10/2014
Mô Hình Chăn Nuôi Trang Trại Nhỏ Ở Nhân Thắng (Bắc Ninh) Mô Hình Chăn Nuôi Trang Trại Nhỏ Ở Nhân Thắng (Bắc Ninh)

Tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), mô hình chăn nuôi gà ta thịt của CCB Cát Văn Kim thôn Ngô Cương với số lượng nuôi 3 nghìn con mỗi lứa cho thu lãi 500 triệu đồng/năm. Diện tích chăn nuôi không lớn nhưng đây được xem là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ áp dụng cho các hộ chăn nuôi.

13/10/2014
Mô Hình Nuôi Ngựa Sinh Sản Ở Bằng Phúc Mô Hình Nuôi Ngựa Sinh Sản Ở Bằng Phúc

Với nghề nuôi ngựa truyền thống của gia đình, anh Lực dành thêm 4 năm theo học nghề chăn nuôi thú y. Sau khi tham khảo thị trường, năm 2012 anh Lực đã vay vốn để cải tạo, mở rộng chuồng trại, mua 7 con ngựa cái về nuôi. Một năm sau, đàn ngựa cái bắt đầu sinh sản. Trung bình ngựa cái sau 11 tháng sẽ đẻ con, ngựa con nuôi trong vòng 1 năm rưỡi là có thể bán.

13/10/2014
Hiệu Quả Nuôi Rắn Ri Tượng Trong Thau Nhựa Hiệu Quả Nuôi Rắn Ri Tượng Trong Thau Nhựa

Nhằm đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên khá giả, cùng với các loại hình nuôi đa cây, con khác, việc nuôi rắn ri tượng tại hộ gia đình hiện tại được một số nông dân trong xã Việt Thắng, huyện Phú Tân (Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả khá.

13/10/2014
Hiệu Ứng Từ Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Hiệu Ứng Từ Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm

Ông Trần Văn Bé Năm, ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nông dân trong ấp nhiều năm qua vẫn bỏ phí rơm sau thu hoạch. Nhiều hộ có trồng nấm rơm nhưng chỉ thu hoạch đủ phục vụ bữa ăn gia đình hoặc bán chút ít".

13/10/2014