Sẽ Thành Lập Sàn Giao Dịch Cá Tra Tại Châu Âu

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ này đang phối hợp với các bộ ngành và tổ chức liên quan để đẩy nhanh đề án thành lập Trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại châu Âu.
Trao đổi với phóng viên ngày 18-8, ông Mạnh cho hay, Tổng cục Thuỷ sản đang phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương và thương vụ Việt Nam tại Bỉ để làm việc với cơ quan thương mại vùng Flanders, cảng vụ Zeebrugge cùng một số công ty đối tác của Bỉ để đẩy nhanh đề án thành lập trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại châu Âu.
Về vấn đề này, ông Trương Đình Hoè – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), một trong những đơn vị được giao để thực hiện đề án cho hay, giữa Vasep và cảng vụ Zeebrugge đã ký một dự án về việc thành lập Trung tâm phân phối cá tra Việt Nam tại Bỉ nhưng hiện vẫn đang vướng một số thủ tục.
Trong đó, theo ông Hòe, vướng mắc nhất là quy định 80% tổng sản lượng cá tra xuất khẩu vào châu Âu phải đi qua trung tâm này. Trong khi việc có chuyển hàng bán và gửi ở trung tâm hay không lại phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
“Đây thực sự là một vướng mắc lớn” – ông Hòe nói, cái quan trọng nhất là ai sẽ điều phối để tất cả cá tra Việt Nam đều đi qua cảng vụ Zeebrugge. Do vậy, muốn thực hiện được đề án cần phải có hàng loạt chính sách, quy định cụ thể để cá tra được đưa vào trung tâm và cá tra đó phải đồng nhất về chất lượng, giá cả.
Sau đó, từ trung tâm này, cá tra sẽ được phân phối đến tất cả các đầu mối tiêu thụ ở châu Âu.
Cũng theo ông Hoè, đề án trên nếu được thực hiện sẽ đem lại lợi ích lớn cho ngành cá tra do Trung tâm này sẽ có chức năng thay thế các nhà nhập khẩu để đưa trực tiếp sản phẩm cá tra Việt Nam đến nhà bán lẻ của Bỉ và châu Âu thông qua một cảng duy nhất là Zeebrugge ở Bỉ. Trên cơ sở đó sẽ giải quyết vấn đề trung gian, giảm chi phí, các đơn vị bán lẻ muốn có hàng sẽ liên hệ trực tiếp với Trung tâm cá tra này.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Tổng cục Thuỷ sản, đề án muốn thành công cần có sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Hiện Tổng cục Thuỷ sản đang chờ Đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu trình Thủ tướng Chính phủ về tính khả thi của đề án.
Zeebrugge hiện là cảng cá quan trọng nhất của Bỉ và các sản phẩm cá tại đây sẽ được vận chuyển đến các nước trong khu vực châu Âu.
Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành tỉnh đề nghị xem xét, cho phép thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết: Hai năm gần đây, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể. Đặc biệt, vừa qua huyện đã hoàn thành việc quy hoạch 2 vùng nuôi tôm tập trung gồm: Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Bình, diện tích 20ha và vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Lập, diện tích 20ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), mỗi năm huyện Tuy An thả nuôi từ 600 đến 620ha tôm các loại. Trong số này có khoảng 3/4 diện tích nuôi tôm bằng hình thức hồ hở. Do khâu xử lý nguồn nước trong hồ nuôi khi tôm nuôi bị mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn và không thể kiểm soát được nguồn nước bẩn, ô nhiễm, nên mầm bệnh lây lan từ hồ này sang hồ khác diễn ra khá nhanh và lây lan trên diện rộng.

Nghề nuôi cá lồng là nghề chính của nhiều hộ dân và đem lại thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Bạc Liêu là một trong những vùng tôm nguyên liệu lớn của cả nước, tuy nhiên, lâu nay người nuôi tôm vẫn thờ ơ với việc xét nghiệm tôm giống. Phần lớn người nuôi giao phó hoàn toàn khâu xét nghiệm cho các doanh nghiệp ương tôm để rồi phải đối mặt với những vụ nuôi đầy rủi ro vì chất lượng con giống kém.