Sau Tết, Nhà Vườn Khẩn Trương Vào Việc

Sau tết, nông dân các tỉnh phía Nam khẩn trương bắt tay vào công việc đồng áng, chăm sóc vườn cây trái với hy vọng một năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công...
Chọn ngày "khai xuân"
Tại tỉnh Đồng Nai, từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tết, bà con nông dân đã lũ lượt ra đồng.
Gặp chúng tôi, anh Võ Văn Thành, chủ vười tiêu ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Từ mùng 4 tết gia đình tôi đã kéo nhau ra vườn chăm sóc và thu hoạch tiêu. Sau tết, tiêu đến đợt chín rộ nên mình phải tranh thủ thu hoạch sớm".
Gia đình anh Thành hiện có gần 2.000 gốc tiêu/4 ha, trong đó đang cho thu hoạch khoảng 700 gốc. Dự kiến đợt đầu gia đình anh thu được khoảng 3 tấn tiêu, với giá bán lên tới 170 triệu đồng/tấn.
Cũng chọn ngày mùng 4 tết để “khai xuân” tưới nước cho vườn rẫy, nông dân Nguyễn Thiện Liêm, ấp Hưng Hiệp, phấn khởi tâm sự: “Không như năm trước, năm nay gia đình tôi quyết định dừng công việc sớm để chuẩn bị đón tết cổ truyền cho sung túc, nên sau tết tranh thủ ngày tốt ra tưới nước chăm sóc vườn cây. Mong muốn năm mới sẽ gặp nhiều thuận lợi, mưa thuận gió hòa, cây trồng đạt năng suất, chất lượng, giá cả cao hơn…”.
Theo anh Liêm, gia đình anh có 1,2 ha trồng ổi, bưởi và tiêu. Hiện ổi chín rộ và đang bắt đầu thu hoạch. Ngoài ra anh phải tập trung chăm sóc 300 gốc bưởi và 800 trụ tiêu để kịp thời vụ xử lý trái cho vụ tới.
Tương tự, gần đó hộ ông Đặng Tuấn Thành tập trung thu hoạch nốt đợt bưởi mà cận tết không kịp hái bán. Với tổng diện tích 1,5 ha, trồng được khoảng 250 gốc bưởi da xanh (4 năm tuổi), trong dịp tết vừa qua gia đình ông Thành thu được 3 tấn trái, bán giá 52.000 đ/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
“Hầu như năm nào gia đình tôi cũng chọn mùng 6 tết để chăm sóc vườn cây cho may mắn. Đầu năm không chỉ chọn ngày tốt để cầu mong cho năm mới mọi công việc, mùa màng được suôn sẻ, mà còn giúp mọi người trong gia đình xốc lại tinh thần làm việc sau những ngày nghỉ ngơi chơi tết…”, ông Thành chia sẻ.
Đón Tết không quên nhiệm vụ
Cũng như nhiều nhà vườn chuyên canh sầu riêng ở các xã phía nam quốc lộ 1A, dịp tết vừa qua, ông Lê Văn Đường, ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn tập trung chăm sóc vườn sầu riêng đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc duy trì các hoạt động sản xuất ngay trong ngày mùng 4 tết là để giúp người dân chăm sóc lại cây trồng kịp thời. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hướng đến một vụ sản xuất thành công, tạo ra bước đột phá về năng suất và sản lượng trong năm 2015.
Năm 2014, vườn sầu riêng gần 1 ha của gia đình ông Đường cho sản lượng trên 11 tấn trái, với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg (vụ nghịch), sau khi trừ hết chi phí, cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng.
Chính vì cây sầu riêng cho giá trị kinh tế cao nên trong những ngày vui xuân, đón tết, gia đình ông vẫn không quên những công việc thường nhật ngoài vườn như tỉa cành tạo tán, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh...
Theo ông Đường, để sầu riêng cho thu hoạch đúng thời điểm trước Tết Nguyên đán hằng năm, ông đã phải tính toán chủ động cho xiết nước và phun thuốc kích thích cây ra hoa theo ý muốn. Với biện pháp xử lý rất bài bản này đã giúp gia đình ông Đường nhiều năm liền có thu nhập cao vì né được thời vụ chín rộ của nhiều loại cây trái khác.
Ông Nguyễn Quang Tâm, nông dân trồng bưởi da xanh ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy cũng phấn khởi cho biết: “Tôi có 70 gốc bưởi da xanh hơn 8 năm tuổi. Mặc dù bưởi có trái quanh năm nhưng hầu hết nhà vườn trồng bưởi đều xử lý một phần hay toàn bộ vườn bưởi để bán tết. Năm nay do chủ động kỹ thuật xử lý cho bưởi đẹp, chất lượng khiến vườn bưởi của tôi bán được giá cao hơn mọi năm”.
Theo ông Tâm, để có bưởi da xanh cho thu hoạch năng suất cao và đúng thời điểm thì ngay từ sau tết nhà vườn cần phải tranh thủ lên lịch mùa vụ chăm sóc, xới đất quanh gốc, bón phân, tưới nước để giúp cây nhanh hồi phục.
Xử lý bưởi ra hoa vào đúng thời điểm tháng 6-7 sẽ kịp cho thu hoạch rộ vào Tết Nguyên đán. Thị trường tết đòi hỏi trái to và đẹp nên ngoài việc xử lý bưởi ra hoa đúng còn phải chăm sóc thật kỹ, đúng quy trình kỹ thuật mới có thể bán được giá cao.
Những ngày này về tới các nhà vườn chúng tôi đều thấy không khí lao động hăng say, thời tiết thuận hòa báo hiệu sự khởi đầu năm mới khá suôn sẻ...
Có thể bạn quan tâm

Hội thảo do Sở KH&CN tổ chức ngày 1/8 nhằm đẩy mạnh lĩnh vực thủy sản trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) nói chung và ngư dân 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn nói riêng.

Duy trì mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hồng Trị (Bảo Lạc) với kinh phí trên 500 triệu đồng, 65 hộ tham gia; hỗ trợ 44 hộ dân xã Cần Yên (Thông Nông) mỗi hộ 2 triệu đồng di dời chuồng trại và nhà tiêu ra khỏi gầm sàn nhà ở; lắp đặt 6 hầm bể khí biogas bằng nhựa coimposite, kinh phí trên 60 triệu đồng tại huyện Hạ Lang...

Những năm gần đây, nghề trồng hoa kiểng tại xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) phát triển mạnh và thu hút nhiều hộ tham gia. Để liên kết các hộ trồng hoa kiểng và từng bước đưa nghề trồng kiểng của địa phương phát triển bền vững, tháng 2/2014, Hội Nông dân xã cho ra đời Chi hội trồng hoa kiểng.

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đồng chí Hà Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn cho biết: “Nếu tính về hiệu quả chăn nuôi, bây giờ nuôi bò là phổ biến hơn và dễ làm, được nhiều hộ tham gia. Khác với trước đây nuôi thả, tận dụng thức ăn tự nhiên, giờ chăn nuôi theo hình thức bán thâm canh, vừa kết hợp chăn thả vừa cho ăn thức ăn tinh, cỏ trồng, giống chủ yếu bò lai, bán bò giống, bò thịt”.

Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000ha và giữ diện tích ổn định ở mức này.