Sau Tết, Nhà Vườn Khẩn Trương Vào Việc

Sau tết, nông dân các tỉnh phía Nam khẩn trương bắt tay vào công việc đồng áng, chăm sóc vườn cây trái với hy vọng một năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công...
Chọn ngày "khai xuân"
Tại tỉnh Đồng Nai, từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tết, bà con nông dân đã lũ lượt ra đồng.
Gặp chúng tôi, anh Võ Văn Thành, chủ vười tiêu ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Từ mùng 4 tết gia đình tôi đã kéo nhau ra vườn chăm sóc và thu hoạch tiêu. Sau tết, tiêu đến đợt chín rộ nên mình phải tranh thủ thu hoạch sớm".
Gia đình anh Thành hiện có gần 2.000 gốc tiêu/4 ha, trong đó đang cho thu hoạch khoảng 700 gốc. Dự kiến đợt đầu gia đình anh thu được khoảng 3 tấn tiêu, với giá bán lên tới 170 triệu đồng/tấn.
Cũng chọn ngày mùng 4 tết để “khai xuân” tưới nước cho vườn rẫy, nông dân Nguyễn Thiện Liêm, ấp Hưng Hiệp, phấn khởi tâm sự: “Không như năm trước, năm nay gia đình tôi quyết định dừng công việc sớm để chuẩn bị đón tết cổ truyền cho sung túc, nên sau tết tranh thủ ngày tốt ra tưới nước chăm sóc vườn cây. Mong muốn năm mới sẽ gặp nhiều thuận lợi, mưa thuận gió hòa, cây trồng đạt năng suất, chất lượng, giá cả cao hơn…”.
Theo anh Liêm, gia đình anh có 1,2 ha trồng ổi, bưởi và tiêu. Hiện ổi chín rộ và đang bắt đầu thu hoạch. Ngoài ra anh phải tập trung chăm sóc 300 gốc bưởi và 800 trụ tiêu để kịp thời vụ xử lý trái cho vụ tới.
Tương tự, gần đó hộ ông Đặng Tuấn Thành tập trung thu hoạch nốt đợt bưởi mà cận tết không kịp hái bán. Với tổng diện tích 1,5 ha, trồng được khoảng 250 gốc bưởi da xanh (4 năm tuổi), trong dịp tết vừa qua gia đình ông Thành thu được 3 tấn trái, bán giá 52.000 đ/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
“Hầu như năm nào gia đình tôi cũng chọn mùng 6 tết để chăm sóc vườn cây cho may mắn. Đầu năm không chỉ chọn ngày tốt để cầu mong cho năm mới mọi công việc, mùa màng được suôn sẻ, mà còn giúp mọi người trong gia đình xốc lại tinh thần làm việc sau những ngày nghỉ ngơi chơi tết…”, ông Thành chia sẻ.
Đón Tết không quên nhiệm vụ
Cũng như nhiều nhà vườn chuyên canh sầu riêng ở các xã phía nam quốc lộ 1A, dịp tết vừa qua, ông Lê Văn Đường, ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn tập trung chăm sóc vườn sầu riêng đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc duy trì các hoạt động sản xuất ngay trong ngày mùng 4 tết là để giúp người dân chăm sóc lại cây trồng kịp thời. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hướng đến một vụ sản xuất thành công, tạo ra bước đột phá về năng suất và sản lượng trong năm 2015.
Năm 2014, vườn sầu riêng gần 1 ha của gia đình ông Đường cho sản lượng trên 11 tấn trái, với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg (vụ nghịch), sau khi trừ hết chi phí, cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng.
Chính vì cây sầu riêng cho giá trị kinh tế cao nên trong những ngày vui xuân, đón tết, gia đình ông vẫn không quên những công việc thường nhật ngoài vườn như tỉa cành tạo tán, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh...
Theo ông Đường, để sầu riêng cho thu hoạch đúng thời điểm trước Tết Nguyên đán hằng năm, ông đã phải tính toán chủ động cho xiết nước và phun thuốc kích thích cây ra hoa theo ý muốn. Với biện pháp xử lý rất bài bản này đã giúp gia đình ông Đường nhiều năm liền có thu nhập cao vì né được thời vụ chín rộ của nhiều loại cây trái khác.
Ông Nguyễn Quang Tâm, nông dân trồng bưởi da xanh ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy cũng phấn khởi cho biết: “Tôi có 70 gốc bưởi da xanh hơn 8 năm tuổi. Mặc dù bưởi có trái quanh năm nhưng hầu hết nhà vườn trồng bưởi đều xử lý một phần hay toàn bộ vườn bưởi để bán tết. Năm nay do chủ động kỹ thuật xử lý cho bưởi đẹp, chất lượng khiến vườn bưởi của tôi bán được giá cao hơn mọi năm”.
Theo ông Tâm, để có bưởi da xanh cho thu hoạch năng suất cao và đúng thời điểm thì ngay từ sau tết nhà vườn cần phải tranh thủ lên lịch mùa vụ chăm sóc, xới đất quanh gốc, bón phân, tưới nước để giúp cây nhanh hồi phục.
Xử lý bưởi ra hoa vào đúng thời điểm tháng 6-7 sẽ kịp cho thu hoạch rộ vào Tết Nguyên đán. Thị trường tết đòi hỏi trái to và đẹp nên ngoài việc xử lý bưởi ra hoa đúng còn phải chăm sóc thật kỹ, đúng quy trình kỹ thuật mới có thể bán được giá cao.
Những ngày này về tới các nhà vườn chúng tôi đều thấy không khí lao động hăng say, thời tiết thuận hòa báo hiệu sự khởi đầu năm mới khá suôn sẻ...
Có thể bạn quan tâm

Hiện toàn huyện Định Quán đang có 148 trang trại, hộ gia đình tham gia nuôi cá sấu với tổng cộng trên 94 ngàn cá thể. Đây là loài động vật hung dữ, vì vậy ngoài việc yêu cầu các hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt về quy cách chuồng trại, đòi hỏi các ngành chức năng phải có biện pháp để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang yếu thế khi phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì sắp tới, ngành này lại phải đối mặt với con sóng lớn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Đặc biệt, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

Thực hiện dự án bảo tồn và phát triển gà đen, Trạm Khuyến nông huyện Mường Khương đã phối hợp với 40 hộ dân tại thị trấn Mường Khương triển khai mô hình.

Được hỏi về bí quyết làm giàu của mình, ông Bùi Xuân Khôi cười đôn hậu và xòe đôi bàn tay chai sạn, rám nắng nói: “Tất cả là ở đây với cái đầu sáng tạo mà ra thôi”. Ông Khôi là chủ một trong những trang trại bò sữa lớn nhất thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, nơi tập trung bò sữa nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng. Trang trại trên 20 đầu bò của ông được đánh giá là trang trại hàng đầu trong “làng” bò sữa.

Theo dự báo, thời tiết vụ đông xuân năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khả năng rét đậm, rét hại dễ xảy ra. Để không xảy ra thiệt hại nặng nề sau các đợt rét đậm, rét hại như năm 2008 và năm 2011, các địa phương cần chủ động những biện pháp chăm sóc trâu, bò hiệu quả.