Sầu Riêng, Chôm Chôm Long Khánh Vào Siêu Thị Nhật

Khi sầu riêng, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) vào vụ thu hoạch, cũng là lúc nông dân phải đối đầu thực trạng được mùa mất giá, đồng thời phải đôn đáo tìm đầu ra cho sản phẩm. Mới đây, những lo lắng đó của nhà nông được giải quyết phần nào khi hệ thống Siêu thị Aeon (Nhật Bản) đứng ra ký hợp đồng thu mua với số lượng không hạn chế.
Năm 2014, nông dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở Long Khánh sẽ bán trực tiếp sản phẩm của mình vào Siêu thị Aeon Nhật Bản với mức giá cao và ổn định.
Theo đó, mùa vụ năm 2014, hơn 150 nông dân đang sử dụng thương hiệu sầu riêng, chôm chôm Long Khánh sẽ bán trực tiếp khoảng 200 tấn sản phẩm cho hệ thống Siêu thị Aeon - hệ thống siêu thị do Nhật Bản đầu tư, dự kiến bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2014.
* Nhờ vào chất lượng
Từ lâu, sầu riêng và chôm chôm ở Long Khánh đã được đánh giá là những sản phẩm có chất lượng cao và là đặc sản nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Năm 2011, chôm chôm và sầu riêng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) Xuân Thanh, TX.Long Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Mặc dù vậy, đưa những đặc sản này ra với thị trường không phải là điều đơn giản.
Ông Phạm Phú Quốc, Chủ nhiệm HTX Xuân Thanh, cho biết mỗi khi đến vụ thu hoạch, sản lượng chôm chôm, sầu riêng lên đến hàng ngàn tấn, trong khi đầu ra cho sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nhỏ lẻ. Chính vì vậy sản phẩm của nông dân làm ra luôn bị ép giá, thậm chí bị ứ đọng dẫn tới hư hỏng. Tính riêng mùa vụ năm 2013, lượng sầu riêng, chôm chôm mang thương hiệu Long Khánh bán vào các siêu thị, hội chợ trong và ngoài tỉnh chưa đến 3 tấn.
Mới đây những vướng mắc đó của nông dân mới thực sự được “mở nút” một phần khi hệ thống Siêu thị Aeon Nhật Bản tiến hành ký hợp đồng thu mua sầu riêng, chôm chôm. Trước khi đi đến ký kết hợp đồng, Aeon đã tiến hành khảo sát vườn cây, tìm hiểu quy trình chăm sóc và đánh giá chất lượng quả.
Khi biết sầu riêng, chôm chôm Long Khánh có chất lượng vượt trội, đạt tiêu chuẩn, Aeon đã bắt tay mua sầu riêng với mức giá 35 - 40 ngàn đồng/kg (cao hơn khoảng 7 ngàn đồng/kg so với giá thương lái mua); chôm chôm với giá từ 12-13 ngàn đồng/kg (cao hơn khoảng 2 - 3 ngàn đồng/kg). Đây là hợp đồng dài hạn, không hạn chế số lượng và bắt đầu thực hiện vào mùa vụ năm 2014.
* Mở ra cơ hội
Hợp đồng của Aeon giúp nhiều nông dân ổn định thị trường tiêu thụ và không lo ngại nhiều đến giá cả, đầu ra, nhất là thời điểm rộ mùa. Theo ông Phạm Phú Quốc: “Việc Aeon đứng ra mua sản phẩm sầu riêng, chôm chôm đã tạo cơ hội phát triển bền vững cho các nhà vườn.
Những năm trước, tại Long Khánh đã từng xảy ra tình trạng người nông dân chặt bỏ chôm chôm, sầu riêng vì làm ra không biết bán cho ai, mà có bán thì giá cũng ở mức thấp. Chính vì vậy nên việc chúng tôi đạt được hợp đồng với Aeon sẽ giúp nông dân thâm canh vườn cây tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản địa phương”.
Ông Mai Văn Liêm, một nông dân ngụ xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh, hồ hởi chia sẻ: “Từ nay tôi không phải lo lắng về giá cả cũng như đầu ra cho sầu riêng, chôm chôm nữa. Điều quan trọng bây giờ là cố gắng chăm sóc cây thật tốt để đạt năng suất và chất lượng cao. Hiện tại, tôi đang trồng 2hécta sầu riêng và thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 20 triệu đồng. Sắp tới, Siêu thị Aeon mua với mức giá cao hơn thị trường nên sẽ hứa hẹn một vụ mùa lợi nhuận cao hơn”.
TX. Long Khánh là vùng trồng trái cây lớn nhất tỉnh với diện tích khoảng 3.000 hécta chôm chôm và gần 1.300 hécta sầu riêng. Vụ 2013, năng suất sầu riêng đạt từ 12 - 15 tấn/hécta, chôm chôm đạt gần 27 tấn/hécta. Những năm tới, ngoài việc cung cấp cho Siêu thị Aeon, trái cây Long Khánh sẽ tiếp tục được mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ với số lượng lớn. Đây sẽ là tín hiệu vui và hứa hẹn sự phát triển bền vững cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 7.000 tàu cá, trong đó, có hơn 2.500 tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Từ ngày 1.1.2015, mùa đánh bắt thủy hải sản năm nay chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương sau mỗi chuyến cập bờ đạt sản lượng trung bình từ 3,5 - 4 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi tàu lãi từ 60 - 70 triệu đồng.

Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 373/TCTS-NTTS, ngày 11/02/2015, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển tăng cường các biện pháp chỉ đạo quản lý thời vụ nuôi tôm nước lợ.

Để giúp bà con nuôi tôm quản lý thức ăn tiết kiệm và hiệu quả, ngày 06/02/2015 tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu (TTKNKN) tổ chức lớp tập huấn “Thúc đẩy cải thiện thực hành quản lý cho ăn trong nuôi tôm” cho 35 nông dân nuôi tôm.

Giống cá tầm nhập ngoại tỷ lệ sống thấp (chỉ đạt 40%) do cá bột chưa quen với môi trường, khí hậu, nguồn nước, sức đề kháng kém. Nhiều lứa cá tầm, Công ty nuôi hơn 3 tháng vẫn chết do không thích nghi được với môi trường mới. Để chủ động giống, lãnh đạo Công ty đã đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I (Hà Nội) tìm hiểu kỹ thuật ươm cá bột.

Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy đã có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.