Sầu Riêng, Chôm Chôm Long Khánh Vào Siêu Thị Nhật

Khi sầu riêng, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) vào vụ thu hoạch, cũng là lúc nông dân phải đối đầu thực trạng được mùa mất giá, đồng thời phải đôn đáo tìm đầu ra cho sản phẩm. Mới đây, những lo lắng đó của nhà nông được giải quyết phần nào khi hệ thống Siêu thị Aeon (Nhật Bản) đứng ra ký hợp đồng thu mua với số lượng không hạn chế.
Năm 2014, nông dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở Long Khánh sẽ bán trực tiếp sản phẩm của mình vào Siêu thị Aeon Nhật Bản với mức giá cao và ổn định.
Theo đó, mùa vụ năm 2014, hơn 150 nông dân đang sử dụng thương hiệu sầu riêng, chôm chôm Long Khánh sẽ bán trực tiếp khoảng 200 tấn sản phẩm cho hệ thống Siêu thị Aeon - hệ thống siêu thị do Nhật Bản đầu tư, dự kiến bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2014.
* Nhờ vào chất lượng
Từ lâu, sầu riêng và chôm chôm ở Long Khánh đã được đánh giá là những sản phẩm có chất lượng cao và là đặc sản nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Năm 2011, chôm chôm và sầu riêng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) Xuân Thanh, TX.Long Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Mặc dù vậy, đưa những đặc sản này ra với thị trường không phải là điều đơn giản.
Ông Phạm Phú Quốc, Chủ nhiệm HTX Xuân Thanh, cho biết mỗi khi đến vụ thu hoạch, sản lượng chôm chôm, sầu riêng lên đến hàng ngàn tấn, trong khi đầu ra cho sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nhỏ lẻ. Chính vì vậy sản phẩm của nông dân làm ra luôn bị ép giá, thậm chí bị ứ đọng dẫn tới hư hỏng. Tính riêng mùa vụ năm 2013, lượng sầu riêng, chôm chôm mang thương hiệu Long Khánh bán vào các siêu thị, hội chợ trong và ngoài tỉnh chưa đến 3 tấn.
Mới đây những vướng mắc đó của nông dân mới thực sự được “mở nút” một phần khi hệ thống Siêu thị Aeon Nhật Bản tiến hành ký hợp đồng thu mua sầu riêng, chôm chôm. Trước khi đi đến ký kết hợp đồng, Aeon đã tiến hành khảo sát vườn cây, tìm hiểu quy trình chăm sóc và đánh giá chất lượng quả.
Khi biết sầu riêng, chôm chôm Long Khánh có chất lượng vượt trội, đạt tiêu chuẩn, Aeon đã bắt tay mua sầu riêng với mức giá 35 - 40 ngàn đồng/kg (cao hơn khoảng 7 ngàn đồng/kg so với giá thương lái mua); chôm chôm với giá từ 12-13 ngàn đồng/kg (cao hơn khoảng 2 - 3 ngàn đồng/kg). Đây là hợp đồng dài hạn, không hạn chế số lượng và bắt đầu thực hiện vào mùa vụ năm 2014.
* Mở ra cơ hội
Hợp đồng của Aeon giúp nhiều nông dân ổn định thị trường tiêu thụ và không lo ngại nhiều đến giá cả, đầu ra, nhất là thời điểm rộ mùa. Theo ông Phạm Phú Quốc: “Việc Aeon đứng ra mua sản phẩm sầu riêng, chôm chôm đã tạo cơ hội phát triển bền vững cho các nhà vườn.
Những năm trước, tại Long Khánh đã từng xảy ra tình trạng người nông dân chặt bỏ chôm chôm, sầu riêng vì làm ra không biết bán cho ai, mà có bán thì giá cũng ở mức thấp. Chính vì vậy nên việc chúng tôi đạt được hợp đồng với Aeon sẽ giúp nông dân thâm canh vườn cây tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản địa phương”.
Ông Mai Văn Liêm, một nông dân ngụ xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh, hồ hởi chia sẻ: “Từ nay tôi không phải lo lắng về giá cả cũng như đầu ra cho sầu riêng, chôm chôm nữa. Điều quan trọng bây giờ là cố gắng chăm sóc cây thật tốt để đạt năng suất và chất lượng cao. Hiện tại, tôi đang trồng 2hécta sầu riêng và thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 20 triệu đồng. Sắp tới, Siêu thị Aeon mua với mức giá cao hơn thị trường nên sẽ hứa hẹn một vụ mùa lợi nhuận cao hơn”.
TX. Long Khánh là vùng trồng trái cây lớn nhất tỉnh với diện tích khoảng 3.000 hécta chôm chôm và gần 1.300 hécta sầu riêng. Vụ 2013, năng suất sầu riêng đạt từ 12 - 15 tấn/hécta, chôm chôm đạt gần 27 tấn/hécta. Những năm tới, ngoài việc cung cấp cho Siêu thị Aeon, trái cây Long Khánh sẽ tiếp tục được mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ với số lượng lớn. Đây sẽ là tín hiệu vui và hứa hẹn sự phát triển bền vững cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Ocean Mark, Lotte Mark, thậm chí là sạp hàng, chợ truyền thống tại Hà Nội xuất hiện khá nhiều mặt hàng trái cây cao cấp từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand với giá bán rẻ hơn cả hoa quả Trung Quốc khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ.

Từ tháng thứ tư trở đi, người nuôi mới thả một lượng rất nhỏ thức ăn tươi để tôm nhanh cứng cáp, sau đó bổ sung thêm thức ăn công nghiệp; đặc biệt trong quá trình cho tôm ăn thức ăn tươi, người nuôi không bỏ thức ăn xuống lồng như cách nuôi truyền thống, mà cho vào túi lưới, bố trí đều trong các ô.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc sau hơn một năm rơi vào tình cảnh lao đao khiến nhiều nhà thùng “treo thùng” thì nay đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại và tiếp tục phát triển.

Những năm gần đây, một số nông dân ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp. Trong đó có nông dân Lê Minh Vân ngụ ấp Hòa Thới – Định Thành.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, trà lúa này trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 45.382ha, chiếm 77% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 6,16 tấn/ha (tăng 5,4% so với cùng kỳ), còn lại 13.555ha lúa ở giai đoạn chắc xanh- chín.