Sâu Biển Tấn Công Bãi Nuôi Sò, Hến Ở Kiên Giang

Người dân nuôi sò huyết, hến vùng ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) đang phải đối đầu với nạn sâu biển.
Khoảng 5 - 7 năm về trước, người dân vùng ven biển thuộc các xã Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A (huyện An Biên) và xã Thuận Hòa (huyện An Minh), phất lên nhờ nghề nuôi sò huyết, hến vùng biển bãi bồi.
Nhưng từ năm 2007, nghề nuôi sò, hến ở vùng bãi biển này bắt đầu bị thất bát.
Trong những lần thu hoạch sò, hến người dân thấy xuất hiện những con sâu to bằng ngón tay, thân mình căng tròn, khi mổ ra thì thấy trong bụng nó chứa đầy những con sò, con hến non.
Do vậy, năm nào lũ sâu vào ít, người dân thu hoạch nhanh, kịp thời thì hoàn vốn, còn như không biết cách ngăn chặn thì xem như mất trắng vài trăm triệu đồng.
Thiệt hại nặng nhất trong vùng này là ông Huỳnh Văn Quýt, ở xã Nam Thái. Đầu năm 2010, ông Quýt cùng một số người hùn vào thuê 100 ha mặt nước biển bên xã Nam Yên (huyện An Biên), sau đó thả nuôi hến, chỉ tính riêng tiền vốn là 700 triệu đồng, nhưng chưa đầy một tháng bị sâu biển ăn sạch không còn một con.
Ông Quýt cho biết, đến giờ vẫn chưa có phương cách nào tiêu diệt sâu biển, ngoài phương pháp dùng lưới ngăn chặn. Hiệu quả nhất là cần phải cách tránh né mùa sâu về. Bởi vì, theo kinh nghiệm hàng năm, sâu biển về nhiều là lúc nước biển đủ mặn, khi mưa nhiều, nước lợ thì tự dưng loại sâu này nổi đầu lên mặt nước mà chết.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Biên, năm 2008, sâu biển tấn công 1.930 ha trên tổng diện tích thả nuôi 4.525 ha; năm 2009 thả nuôi 4.450 ha thì thiệt hại do sâu biển là 4.373 ha... Năm 2010, diện tích thả nuôi giảm còn 3.040 ha, nhưng chưa có báo cáo về số thiệt hại.
Năm nay, để giảm thiệt hại do sâu biển gây ra, phần lớn các hộ nuôi đã không nuôi hến nữa mà chuyển hầu hết diện tích các bãi biển qua nuôi sò huyết. Theo cách này, khi loài sâu biển tràn về thì cũng là lúc sò nuôi đã lớn nên lũ sâu không thể tấn công được nữa. Còn đối với con hến do kích cỡ nhỏ hơn sò, nên từ lúc mới nuôi thả cho tới khi trưởng thành lúc nào cũng có thể là mồi của loài sâu biển.
Vì vậy, theo kinh nghiệm của bà con ngư dân, giải pháp để giảm thiệt hại do sâu biển gây ra hiện nay, là nên tập trung nuôi sò huyết, giảm diện tích nuôi hến, đồng thời chọn thời điểm thả giống thích hợp và tuân thủ phương pháp né thời điểm sâu biển tràn về.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện và chuyển giao “quy trình sản xuất cà rốt đẹp” cho nông dân các khu vực chuyên canh cà rốt như Trại Mát, Xuân Thọ (Đà Lạt) với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha/năm.

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh “Ùn ùn bán đáy ao tôm… trả nợ”, ngày 21-5, UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh) có công văn chỉ đạo ngành chức năng tạm ngưng cấp phép cải tạo ao hồ tận thu cát trên địa bàn 2 xã Dân Thành và Trường Long Hòa, kiểm tra thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cách đây hơn 10 năm, huyện Châu Thành (Tiền Giang) phát động phong trào nuôi bò sữa, xem đây là mô hình mới giúp nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.