Sạt Lở Đê Bao Vùng Mía

Nhằm giúp người trồng mía an tâm sản xuất mỗi khi mùa lũ về, tỉnh đang tiến hành xây dựng đê bao vùng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, gây lo lắng cho chính quyền địa phương và người dân.
Người dân lo lắng
Thực hiện dự án đê bao vùng mía nguyên liệu, tỉnh sẽ khép kín hơn 5.000ha mía của người dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.
Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, đến nay đã cơ bản hoàn thành, với diện tích khép kín khoảng 2.000ha; riêng giai đoạn 2 (khép kín khoảng 4.000ha) do UBND huyện Phụng Hiệp làm chủ đầu tư và đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở.
Ở giai đoạn 2 này, UBND huyện Phụng Hiệp chia làm 8 gói thầu và tiến hành triển khai ở các địa phương như: thị trấn Cây Dương, xã Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu và xã Tân Phước Hưng. Hiện tại, tổng khối lượng thực hiện đạt trên 80%, dự kiến đến ngày 30-8 tới sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án, hiện có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây lo lắng cho người dân. Chị Lê Thị Kiều Tiên, sống ở kênh 40, thuộc ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, cho biết: “Máy kobe múc đất từ dưới kênh lên làm đê chưa được bao lâu thì có nhiều đoạn bị sụp xuống trở lại.
Riêng đoạn trước nhà tôi bị sạt lở với chiều dài hơn 10m, còn chiều sâu từ mé kênh lên khoảng 1,5m. Mặc dù tình trạng này đã xảy ra gần một tháng nay nhưng vẫn chưa thấy khắc phục. Hiện bà con lo lắng, nếu không sớm gia cố lại thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa phần bà con ở tuyến kênh 40 đều sống bằng nghề trồng mía, do vùng đất thấp nên mỗi khi mùa lũ về thường bị ngập sâu, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Khi nghe Nhà nước có chủ trương làm đê bao chống lũ, bà con nơi đây rất đồng tình.
Thế nhưng, niềm vui khi đê bao được đắp lên trước nhà chưa được bao lâu thì tình trạng sạt lở lại diễn ra. Người dân đang mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục để yên tâm sản xuất trong vụ mía tới đây.
Hiện tại, không riêng gì tuyến kênh 40 ở thị trấn Cây Dương bị sạt lở, mà còn nhiều tuyến kênh ở các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Phan Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, cho hay: Trên địa bàn xã có khoảng 10 điểm bị sạt lở, thuộc dự án đê bao vùng mía nguyên liệu. Sau khi phát hiện sạt lở, chính quyền địa phương đã đến khảo sát, đo đạc từng vị trí và xác định nguyên nhân sạt lở để báo cáo và có hướng giải quyết.
Khẩn trương khắc phục
Theo Ban Quản lý dự án huyện Phụng Hiệp và người dân địa phương, nguyên nhân sạt lở là do cao trình đê rất cao so với mặt đất. Trung bình chiều cao từ 1-1,2m, cộng với tình hình mưa bão kéo dài nên gây tình trạng sạt lở ở một số kênh thuộc dự án. Bên cạnh đó, có một số điểm do trước đây bà con nạo vét bùn sâu, hẳm nên gây ra tình trạng sạt lở trong quá trình triển khai dự án.
Trước thực trạng trên, hiện Ban Quản lý dự án huyện Phụng Hiệp đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cùng chính quyền địa phương khảo sát thực tế và đưa ra phương án khắc phục. Hiện đơn vị thi công thống nhất phương án gia cố bằng cừ dừa, cừ tràm và mê bồ theo hồ sơ thiết kế gia cố.
Bà Trần Thị Xê, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, cho hay: “Sau khi người dân phản ánh, đơn vị thi công đã gia cố xong đoạn đê bị sạt lở dài khoảng 40m ở trước nhà. Các điểm sạt lở khác cũng đã tập kết vật tư và đang khẩn trương khắc phục”.
Qua thống kê của ngành chức năng, hiện toàn huyện có trên 15 điểm bị sạt lở thuộc dự án đê bao vùng mía nguyên liệu, với chiều dài mỗi đoạn từ 5-40m.
Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Phụng Hiệp, cho biết: Ban Quản lý dự án đã tham mưu cho UBND huyện xin Sở NN&PTNT tỉnh và được thống nhất điều chỉnh cao trình đê từ 1,2m xuống 1m ở một số tuyến kênh do không đủ đất đào đắp. Chúng tôi đang thực hiện công tác khắc phục những điểm sạt lở tại gói thầu số 1 (thị trấn Cây Dương), đã hoàn thành khoảng 80%.
Các gói thầu còn lại cũng đã tập kết vật tư đến công trình và đang triển khai khắc phục, đảm bảo đến trước ngày 30-8 tới sẽ xử lý xong các điểm sạt lở.
Có thể bạn quan tâm
Tuy đang trong thời điểm mùa lũ nhưng giá các loại rau màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) luôn ở mức thấp, năng suất không cao, nhiều nông dân không thu lợi nhuận.

Sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp, giá nhiều loại lúa, gạo tại ĐBSCL tăng từ 100 - 200 đồng/kg so với cách nay 2 tuần. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, An Giang…

Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 32/CĐ-TW yêu cầu các tỉnh, TP, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất.

Hiện nay, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang vào mùa thu hoạch rộ Hồng quân núi. Nhờ cây hồng quân mà bà con quanh khu vực Núi dài, Núi Két, Núi Cấm có được nguồn thu nhập khá cao và giải quyết được công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động khi vào mùa thu hoạch.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Lâm Thành Thắm, ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã thành công từ việc trồng loại cây có múi với nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.