Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sáng tạo diệt chuột vùng biên

Sáng tạo diệt chuột vùng biên
Ngày đăng: 13/05/2015

Từ phát minh của “chuyên gia diệt chuột”…

Nhiều năm gắn bó với vùng biên giới, nông dân Nguyễn Văn Cảnh (xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) canh tác 2 héc-ta lúa ở khu vực phía Đông kinh 24, tỏ ra am hiểu về đặc tính của những “ông tý”. “Chuột là loài rất tinh ranh, giỏi thích nghi với hoàn cảnh. Nếu dùng rập chỉ bắt nhiều được đợt đầu, đặt rập thêm lần nữa ít con nào chui vô.

Nếu dùng bã mồi diệt chuột cũng chỉ hiệu quả được 1 - 2 ngày, những con sau sẽ “rút kinh nghiệm” không ăn mồi. Đào bờ kênh, bờ đê thì bắt được nhiều chuột nhưng hư hại đất, còn giăng bẫy điện lại rất nguy hiểm” – ông Cảnh phân tích.

Ở vùng biên giới, chuột hay tập trung cắn phá mạnh khi lúa đang giai đoạn trổ - chín, khiến nông dân trắng tay hoặc thiệt hại nặng sau hơn 2 tháng chăm sóc và chỉ còn 15 – 20 ngày nữa là thu hoạch. Thực trạng này là động lực giúp nông dân Võ Văn Cam (xã Lê Trì, Tri Tôn) nghĩ ra phương pháp bắt chuột mới.

Ông cho đá vào những lon sữa bò, móc dọc theo một sợi dây chì. Hai người nắm 2 đầu dây kéo lê các lon chạy trên mặt ruộng để tạo tiếng động, đồng thời dùng nẹp tre đóng đường đăng cao khoảng 1m cắm sâu xuống đất, tạo thành mũi tàu để cho chuột chạy thẳng vào lọp đặt sẵn. Cách này góp phần giảm thiệt hại đáng kể diện tích lúa bị chuột cắn phá.

Ngoài kéo lon, ông Cam chế tạo chiếc rập không lò xo, không mồi để đặt theo các đường mòn ven chân ruộng, bắt chuột khá hiệu quả. Nhờ khả năng bắt chuột giỏi, ông Cam được bà con phong là “chuyên gia diệt chuột” vùng biên giới.

…đến “hù dọa” cho chuột sợ

Nông dân Nguyễn Văn Cảnh cho biết, từ phát minh của ông Cam, nhiều người đã ứng dụng phương pháp kéo lon và bắt được lượng chuột khá lớn, giảm thiệt hại đáng kể. “Tuy nhiên, qua nhiều vụ bị bắt theo kiểu này, lũ chuột trở nên “khôn” hơn. Khi kéo rê lon, thay vì chạy thẳng ra phía trước theo đường đăng để chui vào lọp, hơn 1/3 số chuột tìm cách chạy ngược trở lại, chui vào hang trốn nên không thể bắt hết được. Thế là, chúng lại tiếp tục sinh sôi, cắn phá lúa” – ông Cảnh thông tin.

Biết đặc tính của chuột rất tinh ranh nhưng lại nhát gan, một số nông dân canh tác lúa khu vực Đông kinh 24, gồm các xã Lê Trì, Lương Phi (Tri Tôn) và An Cư (Tịnh Biên), đã nghĩ ra cách “hù dọa” để tóm gọn lũ chuột. Nông dân cũng đóng đường đăng cặp bờ đê, đoạn cuối tạo thành mũi tàu và đặt lọp giống như cách làm của ông Võ Văn Cam. Khi đêm xuống, thời điểm lũ chuột tập trung ra đồng cắn phá, nông dân mang theo dây kẽm, “lục lạc” bằng lon sữa bò và… 2 chiếc máy cưa.

“Người ta phải dùng loại máy cưa có tiếng nổ lớn. Hai người cầm 2 đầu dây kéo lon đứng phía đầu ruộng, 2 người khác đứng chỗ góc ruộng rồi cho nổ máy cưa và hụ ga lớn. Giữa đêm yên tĩnh, lũ chuột nghe tiếng nổ của máy cưa thì hoảng loạn chạy về phía trước. Lúc này, 2 người kéo rê lon sữa bò đuổi theo phía sau. Do phía đầu ruộng vẫn còn tiếng máy nổ nên chuột không dám quay đầu lại, cứ thế chạy theo đường đăng và chui vào lọp. Cách làm này đảm bảo bắt hết lũ chuột, không bỏ sót” – ông Cảnh giải thích.

Trên diện tích 15 công đất (1,5 héc-ta), anh Lê Văn Hoàng (xã Lê Trì) dành ra 2 công trồng giống lúa thơm để dẫn dụ lũ chuột. Cách vài đêm, anh lại ví đường đăng và rủ thêm người vào nổ máy cưa, kéo lê lon sữa bò bắt chuột. Thời điểm này, hơn 1.000 héc-ta lúa khu vực Đông kinh 24 đang bước vào giai đoạn trổ - chín, lũ chuột tập trung càng nhiều. Chỉ trong vòng nửa tháng nay, anh Hoàng cùng một số nông dân khác đã bắt cả tấn chuột sống. Thương lái đến nơi cân giá 20.000 đồng/kg, giúp mọi người thu về hơn 20 triệu đồng, trong khi vốn bỏ ra chẳng bao nhiêu.

“Cho chuột tập trung vào cắn phá chút đỉnh rồi mình tóm gọn chúng. Tuy lúa có thiệt hại nhưng tiền bán chuột còn lời gấp 5 – 6 lần canh tác lúa trên cùng diện tích. Đến cuối vụ, mình vẫn thu hoạch được lúa, dù năng suất không cao nhưng đã giúp bắt được số lượng chuột lớn, bảo vệ mùa màng cho bà con” – anh Hoàng chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ Phú Vịt Đẻ Tỷ Phú Vịt Đẻ

Trong những năm gần đây, những người nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro bất trắc do nạn dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự chịu khó năng động và cần cù lao động của mình, ông Chu Văn Nghĩa (Sáu Nghĩa) ở ấp Ngã Tư, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ lại thành công trong việc chăn nuôi vịt đẻ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm đem lại nguồn thu gần 2 tỷ đồng.

15/06/2013
Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản Tăng 16,4% Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản Tăng 16,4%

Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.

16/06/2013
Hội Thảo Cải Thiện Nghề Câu Vàng Và Câu Tay Cá Ngừ Việt Nam Hội Thảo Cải Thiện Nghề Câu Vàng Và Câu Tay Cá Ngừ Việt Nam

Sáng 14.6, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh và Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động cho dự án cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá ngừ Việt Nam theo tiêu chuẩn bền vững của Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC)”.

16/06/2013
Giá Củ Mì Tăng Cao Giá Củ Mì Tăng Cao

Theo Sở Công thương, hiện giá củ mì nguyên liệu đã đạt mức kỷ lục: 3.100 đồng/kg. Dù thương lái ráo riết đi lùng mua mì nhưng các nhà máy vẫn không có đủ nguyên liệu để chế biến. “Hiện đã có một số nhà máy chế biến tinh bột mì tạm đóng cửa vì giá củ nguyên liệu quá cao, lại khan hiếm, trong khi giá bột xuất khẩu không tăng nhiều”, một doanh nghiệp chế biến bột mì ở Tân Châu cho biết.

16/06/2013
Phát Triển Ca Cao Gặp Nhiều Khó Khăn Phát Triển Ca Cao Gặp Nhiều Khó Khăn

Toàn tỉnh hiện có 2.559 ha ca cao, trong đó khoảng 70% diện tích được trồng bằng các giống ghép, chủ yếu là 5 dòng TC của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và 8 dòng TD nhập nội do Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.

17/06/2013