Sáng Chế Máy Nông Nghiệp Thiếu Bà Đỡ

Trên thị trường hiện có hàng chục sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Đa số các loại máy móc này được chế tạo bởi những “nhà sáng chế” tay ngang bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Trong đó, nhiều cơ sở đã đầu tư theo hướng sản xuất chuyên nghiệp dòng hàng này.
Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu được chế tạo trên cơ sở mày mò, vừa làm vừa sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu công việc. Các cơ sở sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ, lẻ nên vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất tại địa phương.
* Đáp ứng nhu cầu thực tế
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thị trường máy móc nông nghiệp tự chế ngày càng đa dạng với hàng chục sản phẩm. Dòng máy móc này phục vụ từ khâu gieo hạt đến thu hoạch, chế biến, như: máy gieo hạt, máy bóc vỏ, máy sàng hạt, máy chà cà phê, máy tuốt tiêu... Các loại máy này đa số đều do những “nhà sáng chế” tay ngang tự tìm tòi, chế tạo ra.
Ông Nguyễn Văn Thiệp, chủ cơ sở Hiệp, chia sẻ: “10 năm qua, cơ sở đã sản xuất hàng chục loại máy móc nông nghiệp khác nhau. Tùy vào nhu cầu của nông dân mà chúng tôi điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Hiện cơ sở đang tập trung sản xuất hệ thống các loại ống tưới phục vụ nông nghiệp”.
Cứ đến đầu mùa mưa, nhiều học sinh phải nghỉ học cả tuần để giúp gia đình gieo trồng mùa vụ mới. Đây là lý do khiến thầy giáo dạy Vật lý Nguyễn Văn Anh (Trường THCS Trần Phú, huyện Cẩm Mỹ) bỏ 6 năm trời nghiên cứu để chế tạo ra chiếc máy tỉa hạt.
Chiếc máy này có thiết kế nhỏ gọn, dễ vận hành với năng suất làm việc cao gấp 10-15 lần so với làm thủ công. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Anh: “Tôi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của sáng chế này và đang đầu tư vào khâu sản xuất. Dự kiến, những sản phẩm đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường trong năm nay”.
Ông Nguyễn Văn Thảo, chủ cơ sở Tân Tân, xã Suối Tre (TX.Long Khánh), chuyên gia công, chế tạo các dòng máy nông nghiệp, cho biết: “Xuất thân từ nông dân, tôi tìm tòi, chế tạo các loại máy móc nông nghiệp vì thấy trên thị trường thiếu những sản phẩm thiết thực hỗ trợ nông dân trong sản xuất.
Đầu tiên, tôi chỉ chế được chiếc máy chà cà phê, giúp giảm thời gian phơi loại nông sản này. Sau hơn 10 năm, cơ sở đã sản xuất gần 20 mẫu máy móc các loại. Các sản phẩm này ra đời đều từ nhu cầu thực tế hoặc do nông dân trực tiếp đặt hàng nên tiêu thụ rất tốt trên thị trường”.
* Cần trợ lực thêm
Các loại máy móc này chủ yếu do người sản xuất tự mày mò, nghiên cứu và điều chỉnh dần từ ứng dụng thực tế. Do người sản xuất đa số là “nhà sáng chế” tay ngang từ yêu cầu công việc, hoặc cải tiến từ những sản phẩm đã có nên phần lớn cơ sở chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
“Những sản phẩm do cơ sở sản xuất có mẫu là do cơ sở tự chế tạo, có mẫu tôi làm theo kiểu gia công, cải tiến trên cơ sở máy móc đã có sẵn. Chính vì vậy, có giai đoạn chỉ riêng TX.Long Khánh đã có cả chục cơ sở chuyên chế tạo các loại máy nông nghiệp, cạnh tranh nhau cùng một dòng sản phẩm. Ngoài ra, nhiều cơ sở cơ khí cũng nhận làm gia công theo nông dân đặt hàng” - ông Nguyễn Văn Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thiệp, chủ cơ sở Hiệp (TX.Long Khánh) “Tuy tiềm năng thị trường về máy móc nông nghiệp còn rất lớn, nhưng chúng tôi khó đầu tư sản xuất hàng loạt vì đầu ra khá bấp bênh. Chỉ cần một mùa vụ thất bát hoặc nông sản rớt giá là hàng không bán được. Chính vì yếu về đồng vốn nên chúng tôi thường vuột mất cơ hội khi có khách đặt đơn hàng lớn”.
Tuy có xuất đi ngoại tỉnh nhưng cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ, lẻ do khách tự tìm đến tận nơi đặt hàng. Các cơ sở hiện nay rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất đồng loạt theo hướng quy mô công nghiệp và mở rộng thị trường ra khỏi địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi bò bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (Total Mixed Ration - TMR) sẽ giúp lựa chọn được những loại thức ăn mà bò thích. Điều này, giúp người chăn nuôi sử dụng được nhiều loại thức ăn hơn cho bò, kể cả tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây ngô, cây họ đậu, các loại cỏ trồng...

Hiện tại, mặc dù giá heo hơi đã giảm nhẹ, thương lái đến mua heo hơi với giá từ 4,7 triệu - 4,8 triệu đồng/tạ, giảm hơn 500 ngàn đồng/tạ so với cách đây 2 tháng, nhưng theo nhiều hộ chăn nuôi, năm 2014 là một năm khá thành công với người chăn nuôi heo vì giá heo hơi luôn dao động ở mức khá cao. Có thời điểm lên đến 5,5 triệu đồng/tạ, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ban đầu sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong phạm vi gia đình hoặc bán lẻ ở địa phương vì số lượng ít, chưa được xem như một phương thức làm kinh tế. Đến nay, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nghề nuôi ong có bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, các sản phẩm từ ong, đặc biệt là mật đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Thời gian qua, ngoài phối hợp cùng ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên trong tổ còn hùn vốn tiết kiệm được gần 200 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ nhau trang bị thêm dụng cụ, mở rộng chuồng trại, tăng đàn, nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2013, tổ hợp tác không còn thành viên nghèo.

Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và vật nuôi trong vụ Đông - xuân này, các ngành chuyên môn của huyện đang tích cực triển khai công tác “3 chống”, đó là: Chống đói, chống rét và chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.