Sản Xuất Vụ Đông 2014 Từ Truyền Thống Đến Hàng Hóa

Sản xuất trong điều kiện khó khăn, nhưng sản phẩm vụ đông bao giờ cũng cho giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần cây lúa. Xây dựng vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, chuyển từng bước tư duy lẫn hình thức sản xuất của người nông dân từ truyền thống sang hàng hóa trên cơ sở nhu cầu thị trường đang là sự lựa chọn của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh…
Đã 3 năm trôi qua, kể từ ngày ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đề cập đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu sản xuất vụ đông, phải nói rằng, các vùng sản xuất đã trải qua thời kỳ “chạy rô-đa” khá rầm rộ, tạo nên bức tranh đa màu về sản phẩm, phương thức sản xuất. Điểm nhấn là hàng trăm mô hình cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 30 đến trên 100 triệu đồng/ha.
Dáng dấp của vụ sản xuất hàng hóa dần được định hình khi các vùng sản xuất thay vì tự mình mò mẫm với cách làm cũ thì “bắt tay” liên kết với các “ông chủ” lớn trong nông nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Những bước đột phá của nông nghiệp có sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành. Đặc biệt là hệ thống chính sách, cùng một lúc nông nghiệp, nông thôn được thụ hưởng chuỗi chính sách xây dựng NTM, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách xây dựng sản xuất rau an toàn…
Đó là chưa kể việc ưu tiên nguồn lực riêng của các địa phương, một số huyện trích ngân sách lên đến hàng tỷ đồng cho nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng.
Mới đây, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn thực hiện tái cơ cấu sẽ thực sự là “cú hích” để tiếp tục khơi dậy phong trào sản xuất vụ đông 2014 chuyển từ sản xuất truyền thống thuần túy sang hàng hóa theo nhu cầu thị trường”.
Cũng theo ông Sơn thì mô hình sản xuất rau, củ, quả ven biển theo hướng liên kết với doanh nghiệp bước đầu thể hiện sự thích ứng, tạo được niềm tin của người sản xuất trong việc áp dụng KH&CN hiện đại để chế ngự điều kiện tự nhiên.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ người nông dân mới nhận ra lợi nhuận “khủng” từ sản phẩm vụ đông. Có điều, khoảng thời gian chính vụ của vụ sản xuất này luôn trùng khít với thời điểm lượng mưa trên địa bàn lớn nhất trong năm. Cây, con vụ đông còn phải đối mặt với bão, lũ, rét đã khiến năng suất, sản lượng giảm dần. Ngay cả năm 2013, diện tích các loại cây trồng chỉ đạt mốc “quá bán”, còn năng suất thì cũng chỉ vài loại chủ lực giữ được “phong độ”.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, nguyên nhân trọng yếu vẫn là tư duy sản xuất manh mún, lạc hậu, do đó, sản phẩm tạo ra chủ yếu tiêu dùng nội địa, giá trị hàng hóa thấp, liên kết sản xuất và phát triển con giống không theo chuỗi giá trị.
Bởi thế, vụ đông 2014, một mặt vẫn duy trì các vùng sản xuất truyền thống, nhằm ổn định sản lượng, mặt khác, ngành chuyên môn chú trọng đẩy mạnh các mô hình liên kết, nhất là liên kết sản xuất rau, củ, quả và chăn nuôi lợn. Mục tiêu cuối cùng là chuyển dần sản xuất vụ đông từ truyền thống sang hàng hóa trên cơ sở nhu cầu thị trường.
Huyện Hương Sơn - địa phương có trên 4.000 ha cây các loại, hơn 100 ngàn con gia súc, đối với người nông dân, làm vụ đông không chỉ là tập quán mà là nhu cầu.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “ Đối với cây ngô truyền thống, chúng tôi bố trí 2 trà, 1 thâm canh phục vụ hàng hóa với các loại giống cao sản, chất lượng và 1 trà bố trí vùng lụt, ngô giống ngắn ngày làm thức ăn cho gia súc là chủ yếu.
Hiện nay, huyện đang nghiên cứu, triển khai mô hình liên kết sản xuất ớt, rau, củ, quả công nghệ cao nhằm đa dạng hóa cây trồng, tạo ra giá trị mới cho vụ đông”.
Còn ở Hương Khê, dù đất đai hẹp, địa hình khó thuận hơn so với “đàn anh” Hương Sơn, Đức Thọ nhưng huyện nghèo này lại sớm định hình hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Nguyễn Trọng Hoài - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Năm nay, huyện xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu ngô đông với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh 1.500 ha, nhằm cung cấp 7.000 tấn ngô hạt cho doanh nghiệp. Huyện đứng ra lập quy hoạch, bảo lãnh sản xuất, còn doanh nghiệp có nhiệm vụ cung ứng giống, chuyển giao KHKT và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng với HTX”.
Trong khi đó, ở vùng đồng bằng, các địa phương cũng đang “nóng” lên khi mùa vụ sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao đang cận kề. Vụ thu đông năm nay, toàn tỉnh gieo trỉa gần 200 ha, tập trung ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân và Kỳ Anh. Với sự tham gia ngay từ đầu của 2 “ông lớn” Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh và Công ty CP Đầu tư phát triển công thương Miền Trung, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt về sản xuất liên kết chuỗi trong vụ đông 2014.
Có thể bạn quan tâm

Ở khía cạnh xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ ở các nước đang có phần khởi sắc hơn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cũng mới có dấu hiệu tăng nhẹ. Điều này một phần còn chịu ảnh hưởng khá lớn từ tình trạng cạnh tranh quyết liệt về giá bán giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước.

Thời gian qua, tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, song tình trạng ngư dân dùng ngư cụ bị cấm như: Xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, hóa chất độc hại... để khai thác thủy sản vẫn tiếp tục xảy ra.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, chiều ngày 6-3, tỉnh đã họp và quyết định sẽ công bố dịch cúm gia cầm tại xã Mã Đà và Thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).

Ý tưởng nhiều vô kể, cái thành công cũng nhiều và không ít cái thất bại nhưng đến 80 tuổi ông vẫn là con người của hành động. Ông là cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

Được sự hỗ trợ vốn và tập huấn khoa học – kỹ thuật từ Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển huyện Long Phú (Sóc Trăng) do tổ chức Actionaid (AAV) tài trợ, có 15 thành viên là nữ chủ hộ ở Tổ hợp tác chăn nuôi heo "Mai Vàng", xã Tân Thạnh có điều kiện làm túi ủ biogas để xử lý các chất thải trong chăn nuôi, biến chúng thành khí gas phục vụ đun nấu cho gia đình.