Sản Xuất Thanh Long Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Còn Nhiều Khó Khăn, Thách Thức

Phấn đấu đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cấp chứng nhận mới cho 800 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân đều chưa thấy được lợi ích mà VietGAP mang lại. Do đó, sự tích cực tham gia chương trình VietGAP của không ít bà con đã giảm hơn trước...
Những tồn tại
Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cây thanh long Bình Thuận (NCPT thanh long), tiến độ đăng ký thực hiện và đánh giá chứng nhận sản xuất theo VietGAP của hầu hết các địa phương trong tỉnh hiện nay chậm hơn so cùng kỳ năm trước. Nhiều địa bàn trong thời gian dài không có diện tích nào được chứng nhận, nên kết quả đạt thấp.
Trong khi đó, để sớm hoàn thành kế hoạch giao, ngay từ đầu năm 2013, Trung tâm đã trực tiếp làm việc với Ban chỉ đạo (BCĐ) VietGAP các địa phương để phối hợp triển khai. Nhưng qua rà soát cho thấy một số xã, thị trấn ít quan tâm đến thực hiện chương trình VietGAP như những năm trước đây.
Hầu hết các thành viên BCĐ và thành viên tư vấn cấp huyện chưa thường xuyên chỉ đạo đối với BCĐ cấp xã, thị trấn về việc tuyên truyền, vận động để hình thành các tổ, nhóm sản xuất mới. Bên cạnh đó, BCĐ một số xã còn thiếu quan tâm, đôn đốc, giúp đỡ các tổ, nhóm duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sau khi được chứng nhận. Việc giúp đỡ các tổ, nhóm đã hình thành sớm đạt các tiêu chí của VietGAP để được xem xét, chứng nhận; một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo.
Về phía nông dân, tâm lý chung của phần lớn bà con đều mong muốn thấy được lợi ích cụ thể do VietGAP mang lại. Nhưng khi mong muốn này chưa đạt được (hiện giá bán thanh long VietGAP và chưa VietGAP không có sự khác biệt) thì thái độ tích cực của bà con khi tham gia chương trình VietGAP cũng giảm theo và không khuyến khích được người trồng thanh long hào hứng tham gia. Thậm chí, nhiều hộ gia đình chỉ tham gia đối phó, chủ yếu nhằm mục đích được ưu tiên hạ bình điện...
Làm gì để tăng tốc?
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay đa số bà con chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi thực chất các mô hình đã ứng dụng VietGAP, nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý và chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh...đã đạt năng suất cao, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Quan trọng hơn là thực hiện VietGAP nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng bền vững, lâu dài và có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường tiêu thụ khó tính.
Vì vậy, để tạo lòng tin và khơi dậy sự hào hứng của người trồng thanh long trong tỉnh, việc tuyên truyền, vận động người dân góp phần rất quan trọng. Qua đó, giúp bà con hiểu được lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP) nói chung và cây thanh long nói riêng để tự nguyện tham gia...
Ngoài những biện pháp trên, hiện Trung tâm NCPT thanh long đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Hiệp hội thanh long Bình Thuận nhanh chóng xây dựng các liên minh sản xuất, tiêu thụ thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ngay trong hệ thống tổ chức của hiệp hội, để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên là người sản xuất. Đồng thời vận động, thuyết phục các doanh nghiệp cần sử dụng lo go chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận cho tất cả các sản phẩm xuất khẩu…
Nếu những giải pháp này được triển khai hiệu quả và đồng bộ, chắc chắn sẽ góp phần giải quyết nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất thanh long VietGAP hiện nay của tỉnh. Không chỉ thế, người trồng thanh long sẽ vững tin và hăng hái tham gia vào chương trình ý nghĩa này...
Có thể bạn quan tâm

Từ chỗ trồng thử nghiệm 2 hécta chanh leo cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đến nay, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nâng diện tích trên 50 hécta. Cây chanh leo đang hứa hẹn là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở Tri Lễ.

Niên vụ 2014-2015 Tân Châu có trên 6.800 ha mía, theo trạm bảo vệ thực vật Tân Châu, diện tích cây mía bị sâu đục thân gây hại tính đến nay là gần 1.000ha, trong đó xã Tân Hưng có trên 240 ha, xã Tân Thành gần 200 ha, xã Suối Dây trên 160 ha…. Tỷ lệ nhiễm từ 5-15%.

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Nam Định đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hưng mở rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dưa lê với quy mô 5ha tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng).

Còn gần 2 tháng nữa vụ thu hoạch mía 2014 – 2015 bắt đầu, trong khi ngành mía đường cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đang gặp khó khăn do giá đường xuống thấp, sản phẩm đường sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho tăng cao… Thì hiện nay, người trồng mía Tây Ninh phải lao đao vì sâu bệnh tấn công.

Nắng nóng kéo dài, ít mưa, cộng với nguồn nước kinh không tốt đã gây khó khăn cho việc xuống giống cũng như sự phát triển của cây lúa vào đầu vụ hè thu ở vùng Ngọt hóa Gò Công. Một số diện tích lúa bị thiệt hại trắng; hàng trăm ha lúa trong vùng phải xuống giống trễ hơn so với lịch thời vụ.