Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Rau Sạch Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Sản Xuất Rau Sạch Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ngày đăng: 22/11/2014

Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn.

Hiện nay, tình trạng lạm dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, trình độ canh tác, ý thức chấp hành những quy định trong sản xuất của nông dân còn thấp, không tuân thủ đủ thời gian cách ly của các loại cây trồng đối với phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều nông sản, nhất là các loại rau còn tồn dư nhiều hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những năm gần đây, trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng tăng cao, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn về cách trồng rau sạch nên đã nâng cao đáng kể ý thức và trình độ canh tác của nông dân về trồng rau an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái.

Hiệu quả kinh tế từ những mô hình trồng rau sạch mang lại khá cao nên đã nhanh chóng nhân ra diện rộng, mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho nông dân, góp phần tăng hệ số quay vòng sử dụng đất nông nghiệp.

Mô hình sản xuất rau sạch bắt đầu từ những địa phương nông nghiệp ven đô tại thành phố Đông Hà và các thị trấn, thị tứ, các xã vùng ven thành phố phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân đô thị, sau đó lan ra toàn tỉnh. Một số địa phương có sự đầu tư của các dự án ban đầu xây dựng mô hình vài chục hộ gia đình rồi nhờ hiệu quả kinh tế mang lại mà các mô hình có khả năng tự nhân rộng lớn.

Ở huyện Vĩnh Linh, phong trào trồng rau sạch xuất hiện vài năm gần đây, bắt đầu từ thị trấn Hồ Xá. Đến nay, phong trào này đã nhân rộng ra toàn huyện. Trồng rau sạch có vốn đầu tư không nhiều, thời gian trồng ngắn, phù hợp với tất cả các chân đất và nhu cầu tiêu thụ lớn nên đã khuyến khích người dân tham gia trồng, đã hình thành nên các vùng chuyên canh trồng rau an toàn đạt hiệu quả cao như: Thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Nam (Vĩnh Linh), HTX Xuân Long, Trung Hải (Gio Linh); phường Đông Giang, Đông Thanh (thành phố Đông Hà), xã Triệu Đông, Triệu Đại, Triệu Trung (Triệu Phong), xã Hải Quế, Hải Thượng (Hải Lăng).. .

Với 1 sào đất nhưng mỗi năm chị Lê Thị Thể ở thôn Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong canh tác 7- 8 lứa rau gồm rau cải, xà lách, ngò thu về khoảng 20- 30 triệu đồng. Đây là một khoản thu đáng kể chiếm gần 40% tổng thu nhập của gia đình chị. Theo chị Thể, chi phí sản xuất rau sạch không nhiều lắm, khoảng 25- 30%, nhưng quan trọng là canh tác phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng quy trình kỹ thuật mới tạo ra được sản phẩm rau sạch. Hộ nông dân nào được hướng dẫn kỹ thuật cũng làm theo được.

Để giúp nông dân nâng cao kỹ thuật trồng và thu hoạch rau, tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc cho sản phẩm rau an toàn đối với người tiêu dùng, mới đây, Tổ chức Agriterra (Hà Lan) đã hỗ trợ cho nông dân xã Triệu Đông, Triệu Phong kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch rau sạch. Tổ chức Agriterra tài trợ cho nông dân bình sục khí ô zôn để khi thu hoạch rửa bằng công nghệ này nên đã nâng cao chất lượng rau và đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Được sự tài trợ sản xuất rau sạch của Tổ chức Agriterra, sản phẩm rau làm ra bán được nhiều hơn, giá cao hơn so với các loại rau cùng loại trồng và xử lý thu hoạch như trước đây. Tổ chức Agriterra còn hướng dẫn nông dân thành lập nhóm hộ để tương trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nhóm hộ đã hoạt động khá hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ rau sạch. Mô hình sản xuất rau sạch ở Triệu Đông do Tổ chức Agriterra tài trợ và hướng dẫn kỹ thuật mang lại cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể, mỗi héc ta cho lãi hơn 75 triệu đồng/năm.

Ngoài mô hình trồng rau sạch ở xã Triệu Đông được Tổ chức Agriterra tài trợ, phong trào trồng rau sạch ở các địa phương khác cũng mang lại hiệu quả cao. Dưới sự hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật của Hội Nông dân huyện, nông dân HTX Đại Hào, xã Triệu Đại, Triệu Phong đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa đạt hiệu quả thấp, đất hoang hóa sang trồng rau chuyên canh cho hiệu quả cao. Đến nay, toàn HTX có 10,25 ha rau chuyên canh do hơn 90% số hộ trong HTX canh tác cho thu hoạch hơn 120- 130 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất rau sạch đang mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Song để người tiêu dùng tin tưởng khi sử dụng rau, các địa phương chuyên canh rau sạch cần xây dựng thương hiệu rau sạch và bảo vệ thương hiệu đó bằng các quy trình kỹ thuật khắt khe, tránh để các loại rau chưa sạch trà trộn làm mất uy tín. Có như vậy, rau sạch mới được đảm bảo và người tiêu dùng mới an tâm khi sử dụng, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rau và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88515


Có thể bạn quan tâm

Được Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Cây Hàng Năm Hay Kết Hợp NTTS Trên Đất Lúa Được Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Cây Hàng Năm Hay Kết Hợp NTTS Trên Đất Lúa

Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.

18/11/2013
Ba Ba Gấp 3 Cá Ba Ba Gấp 3 Cá

Phong trào nuôi ba ba ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa; điển hình là hộ ông Hồ Đức Nguyên ở ấp Phú Thọ mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng.

18/11/2013
Tận Diệt Thủy Sản Bằng Tận Diệt Thủy Sản Bằng "Rọ Lồng"

Tình trạng ngư dân dùng rọ lồng nhập từ Trung Quốc tận diệt các loài thủy sản ở các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bến Ván... đang ngày càng phổ biến, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.

18/11/2013
Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Để Sản Xuất Hiệu Quả Vụ Tôm Nước Lợ 2014 Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Để Sản Xuất Hiệu Quả Vụ Tôm Nước Lợ 2014

Theo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, 10 tháng đầu năm 2013, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn tỉnh hơn 906ha (trong đó có 749,3ha là tôm thẻ chân trắng), tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2012, tập trung ở TP Cà Mau, các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời. Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014 đạt hiệu quả, Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các trạm thú y, mạng lưới thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ người nuôi phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Đồng thời khuyến cáo người nuôi thả nuôi với mật độ vừa phải: tôm sú từ 15-20 con/m2, tôm thẻ chân trắng từ 70-100 con/m2. Bên cạnh đó, vận động người nuôi chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn khi tôm nuôi có biểu hiện bệnh hoặc nghi ngờ bệnh để kịp thời phối hợp xử lý.

18/11/2013
Điêu Đứng Sau Bão Điêu Đứng Sau Bão

Cơn bão số 14 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân Vân Đồn (Quảng Ninh). Hộ thiệt hại ít thì cũng vài chục đến vài trăm triệu đồng, hộ nhiều lên tới vài tỷ đồng. Điều đáng nói là đa số các hộ, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản đều có thâm niên, nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng do bão ập đến quá nhanh khiến họ trở tay không kịp.

18/11/2013