Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Rau Màu Sạch

Sản Xuất Rau Màu Sạch
Ngày đăng: 27/11/2014

Trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ngành Nông Nghiệp khuyến khích và áp dụng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến hàng hóa nông – lâm - thủy sản để thúc đẩy sản xuất hàng nông sản chất lượng cao trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, vừa phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thúc đẩy thương mại-dịch vụ phát triển.

Bên cạnh cây lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản thì cây màu là một trong những thế mạnh của Sóc Trăng với trên 63.000 ha, trong đó màu lương thực gần 50.000 ha. Trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì cây màu cũng được quy hoạch, nâng cao chất lượng và những giải pháp đầu ra cho cây màu để nâng cao giá trị, tăng nguồn thu cho nông dân.

Xuất phát từ vị trí địa lý tự nhiên Sóc Trăng có đặc điểm khá tương đồng với các tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nhưng lại có ưu thế rất quan trọng là những triền đất giồng cát trên 18.000ha, có thể phát triển quanh năm và phong phú các loại rau màu.

Chính yếu tố này mà Sóc Trăng sớm hình hành các vùng chuyên màu ở các huyện, như Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, đặc biệt là sự hình thành các đầu mối cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.

Mỹ Xuyên là một trong những vùng có diện tích đất chuyên màu khá lớn ở 2 xã Tham Đôn và Đại Tâm nên ở đây sớm hình thành các đầu mối thu mua tại chợ màu Sà Lôn. Mỗi ngày có đến hàng trăm tấn rau màu được tập kết về các đầu mối để cung ứng cho các tỉnh, gần đây là thành phố HCM và thành phố Cần Thơ. Cây màu chủ lực của hai địa phương này là hành lá và hẹ bông. Tồn tại và phát triển từ rất lâu nên trồng màu ở Mỹ Xuyên đã trở thành nghề truyền thống, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng.

Ở xã Đại Tâm đã bắt đầu có những hợp đồng trực tiếp của các đầu mối tiêu thụ tại thành phố Cần Thơ với người trồng màu, đây là hướng đi rất quan trọng vì nông dân an tâm đầu tư do tự hạch toán được và bà con đang sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như hộ anh Trần Cường trước đây canh tác theo tập quán cũ thì nay anh đã ứng dụng biện pháp canh tác rau an toàn, tức là hạn chế sử dử dụng phân hóa học, đặc biệt là phân URE, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và sử dụng an toàn trước khi thu hoạch để đảm bảo an toàn cung ứng đúng theo hợp đồng.

Sau hai vụ rau, Anh Cường và những hộ chuyên trồng màu ở đây đã ý thức hơn trong việc trồng rau an toàn để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng. Anh Trần Cường, Ấp Đại An, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết “ Khi ký hợp đồng với người tiêu thụ thì tôi phải làm thật tốt, ví dụ như hạn chế thấp bón phân URE, tăng cường phân hữu cơ, sử dụng thuốc trước bảy ngày khi thu hoạch.

Chúng tôi ở đây đã bắt đầu chuyển sang trồng màu an toàn, không sử dụng phân thuốc tràn lan, bừa bãi như trước đây nữa vì mình phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, giữ uy tín cho bản thân mình nữa, hiện nay bà con đều hạn chế sử dụng phân URE, không sử dụng thuốc cấp mà khi cần thì sử dụng thuốc trong danh mục cho phép”.

Cây màu cho lợi nhuận cao hơn cây lúa gấp nhiều lần tùy thời điểm, riêng ở xã Đại Tâm, Tham Đôn thường được các đầu mối thu mua hỗ trợ tối thiểu so với thị trường, nên nghề trồng màu ở Mỹ Xuyên phát triển khá ổn định. Với lợi thế đất giồng cát, nên các địa phương này luôn khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng màu nhằm ổn định sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Châu Kiên, Chủ tịch Hội Nông Dân xã Đại Tâm chia sẻ “ Chúng tôi đang cũng cố và thành lập các tổ hợp tác trồng màu, hiện nay đã có những cơ sở ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, bao tiêu giá đầu ra nên bà con sản xuất an tâm hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng đang khuyến khích các tổ hợp tác tìm các đầu mối tiêu thụ, đồng thời chúng tôi sẽ vận động nông dân nên áp dụng các biện pháp trồng rau sạch để nghề này phát triển bền vững hơn”.

Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản đang cùng Chi cục bảo vệ thực vật hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật trồng rau an toàn, giúp hạn chế các tồn dư hóa chất do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng nguồn nước tưới, cách xử lý rau màu thực phẩm, bảo quản rau màu an toàn.

Với lợi thế của vùng đất có điều kiện phát triển rau màu, các đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và cung ứng trên thị trường rộng lớn nên người trồng màu, cơ sở sơ chế cũng cần lưu ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất an toàn không chỉ đảm bảo cho người tiêu dùng, mà còn là biện pháp để nông dân tự bảo vệ mình, bảo vệ cho nghề truyền thống của địa phương.

Thạc sĩ Phương Ngọc Tuyết, Phó chi cục trưởng Chi Cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng nhấn mạnh “Hiện nay thực trạng đối với rau màu vẫn còn những mẫu có chứa hàm lượng hóa chất tồn dư khá cao. Chính vì để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nghề địa phương chúng tôi mong bà con cần tuân thủ tốt các biện pháp an toàn nhất để đảm bảo cho mặt hàng nông sản của mình ổn định hơn”.

Sóc Trăng có vùng chuyên trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu với trên 8.000ha, còn ở Mỹ Xuyên có vùng chuyên màu thực phẩm, đặc biệt là hành lá, hẹ bông và chợ màu Sà Lôn. Đây là một trong những làng nghề truyền thống, sản xuất rau màu có chất lượng tốt ở địa phương, nên việc gìn giữ thương hiệu là rất quan trọng, trước hết phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật mới, sản xuất hàng hóa chất lượng tốt để giữ vững giống cây trồng truyền thống của địa phương.

Nguồn bài viết: http://thst.vn/Chi_tiet_tin.aspx?key=2490&keycon=22&lsk=&keyntc=6


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Lo Lắng Vì Phân Bón Rởm Tràn Lan Nông Dân Lo Lắng Vì Phân Bón Rởm Tràn Lan

Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.

22/02/2012
Lương Thấp, Tự An Ủi Mình Lương Thấp, Tự An Ủi Mình

Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.

22/02/2012
Xuất Khẩu Cá Ngừ Bứt Phá Xuất Khẩu Cá Ngừ Bứt Phá

Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

18/04/2012
Bí Quyết Làm GAP Nhanh Bí Quyết Làm GAP Nhanh

Ở Bình Thuận, làm GAP trên thanh long nhưng trang trại Duy Lan ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam đã tìm được một cách đi cho riêng mình và đây thực sự là một mô hình siêu tốc vì từ lúc nộp đơn là ngày 30/10/2006 đến ngày 12/3/2007 là lần thẩm định cuối cùng và đến 5/7/2007 là đã được tổ chức IMO của Thụy Sỹ công nhận chính thức đạt tiêu chuẩn Euro GAP.

17/05/2012
Để Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bền Vững Ở Quảng Ninh Để Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bền Vững Ở Quảng Ninh

Những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Ninh đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích nuôi không ngừng được mở rộng trên cả 3 vùng nuôi mặn, lợ và nuôi nước ngọt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tính bền vững của nghề nuôi còn thấp.

19/07/2012