Sản xuất muối công nghiệp nghịch lý thiếu, thừa

Muối sản xuất trong nước chất lượng chưa cao
Nhu cầu muối công nghiệp tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Thế Cường - chuyên viên Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết
: Muối công nghiệp được sử dụng chủ yếu cho ngành hoá chất làm nguyên liệu để sản xuất xút-clo (dùng trong công nghiệp sản xuất xà phòng, giấy, nhuộm vải, chế biến dược phẩm, thực phẩm…), sô đa (dùng trong sản xuất thủy tinh, kính xây dựng, bột giấy, chất tẩy rửa…) và một số hoá chất có gốc Na+ (tác nhân làm sạch và phụ gia thực phẩm...).
Đối với sản xuất xút có 3 đơn vị lớn:
Công ty Hoá chất cơ bản miền Nam, Công ty Bột ngọt Vedan và Công ty Hoá chất Việt Trì. Tổng công suất sản xuất xút hiện tại chỉ đạt 140.000 tấn/năm, nhưng nhu cầu thực tế của các đơn vị này khoảng 300.000 tấn/năm.
Với sô đa, hiện nay, nhu cầu lớn nhất thuộc về Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai. Doanh nghiệp này tiêu thụ tới 200.000 tấn muối công nghiệp/năm.
Cũng theo ông Cường, từ năm 2016, nếu các doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định với công suất tối đa thì nguyên liệu muối phục vụ cho các ngành công nghiệp cần tới 600.000 tấn/năm. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành muối Việt Nam.
Đại diện Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam thông tin: Vài năm trở lại đây, nhà máy của công ty không thể vận hành hết công suất bởi thiếu nguyên liệu muối. Đây cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác.
Nỗi lo nguồn nguyên liệu
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dù là quốc gia có bờ biển dài, nhiều tiềm năng sản xuất muối với 21 tỉnh, 45 huyện, 125 xã nhưng nhiều năm nay, Việt Nam vẫn thừa muối “thô” mà thiếu muối “tinh” .
Ông Bùi Thế Cường lo ngại: Theo tiêu chuẩn sản xuất muối công nghiệp, hàm lượng NaCl phải trên 98% và chứa ít tạp chất, đảm bảo độ khô nhưng muối của Việt Nam hiện chỉ có hàm lượng NaCl đạt khoảng 92%, lại chứa nhiều tạp chất. Chưa kể, muối nội khó cạnh tranh với muối ngoại do giá thành cao.
Muối ngoại giá thấp, có thời điểm muối ngoại chỉ còn khoảng 30 USD/tấn và hiện vẫn đang giảm rất sâu. Cụ thể: Giá muối nhập khẩu từ các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan với chất lượng tương đối ổn định, chỉ khoảng 1.500 - 1.600 đồng/kg, thì muối tại Hải Phòng vẫn là 2.500 đồng/kg.
Do đó, nhiều năm nay, doanh nghiệp trong nước vẫn “đói” muối công nghiệp (muối chất lượng cao) và Bộ Công Thương vẫn phải cấp hạn ngạch thuế quan cho doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu muối. Theo đó, từ năm 2011-2014, lượng cấp hạn ngạch để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xút, mỗi năm 51.000 tấn.
Ngoài ra, do nhu cầu lớn, doanh nghiệp vẫn nhập muối ngoài hạn ngạch thuế quan với thuế suất cao (50%). Một doanh nghiệp trong ngành sản xuất sô đa chia sẻ: Nếu chọn phương án mua muối trong nước về xử lý thành muối công nghiệp, công ty sẽ mất hàng tỷ đồng cho công tác này.
Theo ông An Văn Khanh- Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích sản xuất muối cả nước đạt khoảng 15.051 ha với tổng sản lượng bình quân đạt 900.000 tấn/năm. Các vựa muối công nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 23- 25% nhu cầu.
Muối trong nước sản xuất chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa song cũng đang gặp nhiều khó khăn do chất lượng thấp. Cả nước đang tồn kho khoảng 600.000 tấn muối, nhiều gấp 4 lần so với năm 2014.
Có thể bạn quan tâm

Do thời tiết nắng hạn, vụ thu hoạch cà phê năm nay, năng suất nhiều nhà vườn trồng cà phê trong tỉnh giảm mạnh. Nông dân càng lo lắng hơn vì giá cà phê cũng đang tụt dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi vì ảnh hưởng thị trường thế giới cung đang vượt cầu.

Thời gian qua, cùng với việc giá tiêu hạt trên thị trường liên tục đứng ở mức cao, diện tích hồ tiêu ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng được mở rộng nhờ các chính sách khuyến khích phục hồi và trồng mới loại cây này.
Nông dân trồng hành trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) rất phấn khởi vì giá hành đang tăng mạnh, cho lợi nhuận khá cao.

Khoảng 2 tuần nay, giá khoai lang tím tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) bất ngờ tăng giá khoảng 3 - 4 lần so với vài tháng trước nhưng nông dân không còn để bán.

Chính quyền thành phố Đà Lạt đang triển khai quy trình xây dựng nhãn hiệu cà phê chè Cầu Đất, nhằm góp phần mở hướng phát triển ổn định và bền vững một nghề canh tác truyền thống hơn một trăm năm của địa phương.