Sản Xuất Giống Và Thả Nuôi Thủy Sản Tại Phú Yên

Phú Yên hiện có 105 cơ sở sản xuất giống thủy sản với các qui mô khác nhau, phân bố khá đều tại ba khu vực: huyện Đông Hòa (30,5%), thành phố Tuy Hòa (34,3%) và thị xã Sông Cầu (35,2%). Trong đó, đối tượng sản xuất chính vẫn là tôm chân trắng (27 cơ sở), tôm sú (29 cơ sở). Ngoài ra còn có các cơ sở sản xuất giống cua (09 cơ sở), ốc hương (17 cơ sở) và đối tượng khác 02 cơ sở.
Kết quả sản xuất giống năm 2013
Đến năm 2013, Phú Yên có 94 cơ sở sản xuất giống thủy sản với sản lượng 820 triệu con. Trong hai tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 74 cơ sở sản xuất tôm giống đã sản xuất được 50 triệu con PL12.
Nhìn chung, năng lực sản xuất của các cơ sơ chưa đáp ứng đủ nhu cầu con giống trên toàn tỉnh. Với diện tích nuôi cả tỉnh là 2.500 ha và nhu cầu con giống khoảng 2,5 tỷ con/năm, các cơ sở trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được 33% nhu cầu.
Phú Yên có thể sản xuất tôm giống quanh năm
Qua so sánh các yếu tố môi trường (gồm: nhiệt độ, độ pH, độ mặn), đối chiếu theo các quy chuẩn về chất lượng nước để sản xuất giống của QCVN 02-15:2009/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư số 82/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thì các thông số môi trường tại Phú Yên là phù hợp cho các cơ sở sản xuất tôm giống hoạt động quanh năm. Cụ thể là: nhiệt độ bình quân 12 tháng trong năm là 28oC, độ pH là 8 và độ mặn là 30‰.
Chỉ một số cơ sở sản xuất giống được xây dựng quá gần khu dân cư, như: khu vực sản xuất giống xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, khu vực Xuân Đài huyện Sông Cầu... phải hết sức chú ý, không để nhiễm mặn nguồn nước ngọt sinh hoạt của người dân xung quanh.
Kết quả quản lý chất lượng tôm giống
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y được 31 cơ sở (trong đó: tôm sú 15, tôm chân trắng 8, ốc hương 6, cua 2) và kiểm dịch được 37,65 triệu tôm giống (đạt khoảng 80% số giống sản xuất). Đối với việc giám sát dịch bệnh, đã thu 13 mẫu tại 04 điểm (Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam, An Chấn và Hòa Hiệp Bắc) để xét nghiệm các chỉ tiêu WSSV, TSV, YHV, AHPND, chỉ phát hiện duy nhất một mẫu bị bệnh đốm trắng.
Công tác thả nuôi thủy sản
Theo khung lịch mùa vụ thả nuôi tại Thông báo số 149/TB-SNN ngày 28/11/2013 của Sở NN&PTNT Phú Yên thì kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ trong quý I năm 2014 là 590 ha (thị xã Sông Cầu 100 ha, huyện Tuy An 350ha, huyện Đông Hòa 130 ha, thành phố Tuy Hòa 10 ha).
Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi trong năm 2014, ngoài việc thông báo khung lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, nước mặn, Sở cũng đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2014. Theo đó, các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh chỉ nuôi 1 vụ tôm sú hoặc 2 vụ tôm chân trắng (riêng vùng nuôi trên cát ở huyện Đông Hòa có thể thả 2 vụ tôm sú hoặc 3 vụ tôm chân trắng).
Sau khi kết thúc vụ nuôi tại những vùng nuôi tôm một vụ, thời gian còn lại trong năm có thể nuôi luân canh các đối tượng thủy sản khác như cá rô phi đơn tính, cá măng, hải sâm, rong câu, cua xanh… để cải tạo môi trường ao nuôi. Đối với các vùng nuôi có đáy bùn, khuyến khích nuôi ghép tôm nước lợ với một số đối tượng như cá rô phi, rong biển, vẹm xanh, hàu.
Những ao hồ khi thả nuôi bị bệnh thì phải xử lý kỹ trước khi thả nuôi lại, thời gian xử lý ít nhất là 1 tháng. Bên cạnh đó, các hộ nuôi thủy sản phải cải tạo kỹ ao nuôi, vệ sinh sạch sẽ lồng bè và khu vực vùng nuôi, chọn con giống tốt sạch bệnh, thả nuôi đúng lịch thời vụ và chú ý mật độ thả nuôi tại từng vùng nuôi cụ thể.
Hai tháng đầu năm 2014, Sở đã tích cực tổ chức giám sát vùng nuôi, tăng cường kiểm tra việc thực hiện lịch thời vụ, có kế hoạch xử lý các trường hợp thả tôm trước lịch thời vụ và xử lý triệt để ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi tôm sản xuất theo nhóm, tổ cộng đồng, thường xuyên theo dõi thời tiết cũng như tình hình thả nuôi, dịch bệnh trên địa bàn để chủ động biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và vật tư liên quan đến nuôi trồng thủy sản chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Các hộ nuôi tôm thực hiện thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ, chọn tôm giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
Ngoài các đối tượng nuôi quen thuộc, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi một số đối tượng mới, xây dựng mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và ứng dụng các kỹ thuật mới vào nuôi tôm.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các loại giống mới có chất lượng, giá trị kinh tế cao chuyển giao cho các hộ nuôi trong tỉnh; định kỳ thu mẫu tại các vùng nuôi trồng thủy sản, phân tích chỉ tiêu môi trường và đưa ra các cảnh báo cho các hộ nuôi.
Hai tháng đầu năm 2014, thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ thấp kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của đối tượng sản xuất giống nên lượng giống sản xuất ra còn thấp. Hiện các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh đang cải tạo ao nuôi, chuẩn bị nguồn tôm giống để thả nuôi vụ 1 năm 2014.
Trong năm nay, Phú Yên sẽ cố gắng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và dập dịch hiệu quả (nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp); đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, không để phát sinh dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm

Với những con số trên, hiện Thanh Hóa đang là tỉnh có diện tích trồng ngô và năng suất đứng thứ 2 trong toàn vùng Bắc Trung bộ. Hiện tại, cây ngô đang chiếm 10,8% trong diện tích đất nông nghiệp canh tác hàng năm, và chiếm 7% giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh.

Tuy nhiên, để đánh bắt chúng thì vẫn chưa có kỹ thuật khai thác nào, ngoài việc dùng máy bơm nước công suất lớn tạo áp lực để thổi”. Ông Bùi Thế Tuân, Phó phòng Tài nguyên Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô khẳng định.

Tại chương trình giao lưu “Kết nối nhà khoa học - nông dân” do Báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với Ban Xây dựng nông thôn mới và Hội Nông dân H.Cần Giờ (TP.HCM) vừa tổ chức, có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học và gần 200 nông dân đến từ 2 xã Thạnh An và Lý Nhơn (H.Cần Giờ).

Hiếm hàng, thường chỉ đặt mua được số lượng ít nên giá sim rừng đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đắt nhất là sim Phú Quốc với giá tới 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, cả 3 thương hiệu trên đều từng bị chiếm tại nước ngoài. Với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, tuy được bảo hộ tại 28 nước trong khối EU, nhưng vẫn bị tranh chấp tại Thái Lan và hiện là Trung Quốc. Giữa năm 2011, một công ty tên là Việt Hương, trụ sở đặt tại Hồng Kông, đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc (kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ VN có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí đảo Phú Quốc) tại Trung Quốc.