Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi tăng sức cạnh tranh trong hội nhập

Sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi tăng sức cạnh tranh trong hội nhập
Ngày đăng: 18/11/2015

Thành công từ chuỗi liên kết

Chăn nuôi gà đồi tại huyện Yên Thế phát triển mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn, tạo ra vùng sản xuất nuôi gà đồi tập trung.

Hiện tại, số lượng hộ chăn nuôi từ 500 con trở lên có 1200 hộ, số hộ chăn từ 1.000 - 2.000 con trở lên có 700 hộ, số hộ chăn nuôi từ trên 2.000 con có trên 200 hộ; cá biệt đã có nhiều hộ nuôi từ 7.000 - 10.000 con/lứa.

Theo ông Phạm Công Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, mới đây huyện đã tổng kết 2 dự án xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết “Chăn nuôi –thu mua – tiêu thụ” và “Chăn nuôi – giết mổ - chế biến – tiêu thụ” gà đồi Yên Thế được Sở Công Thương tỉnh phối hợp với UBND huyện tổ chức xây dựng từ tháng 9/2013 đến quý II/2015 đã đem lại hiệu quả lớn và tạo đầu ra bền vững cho gà đồi Yên Thế.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn chia sẻ: “Thực hiện mô hình chuỗi liên kết, công ty đã thành lập Ban quản lý VietGAP, tổ chức ký kết với các hộ chăn nuôi, thu mua gà đã được lựa chọn tham gia mô hình; thành lập 5 nhóm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà đồi.

Hàng tháng, các nhóm tổ chức đánh giá chất lượng, kiểm tra chéo từ một đến hai lần các hộ chăn nuôi.

Chất lượng sản phẩm nâng lên, thị trường tiêu thụ nhờ đó cũng thuận lợi hơn.

Năm 2014, công ty đưa ra thị trường 1.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng công ty xuất bán 100 tấn gà”.

Gia đình anh Hoàng Xuân Trường ở xã Phồn Xương tham gia chuỗi liên kết với vai trò thu mua.

Bình quân mỗi tháng anh thu mua và tiêu thụ hơn 30 tấn gà.

Năm 2014, tham gia chuỗi liên kết “Chăn nuôi- thu mua- tiêu thụ” gà đồi Yên Thế, gia đình anh được dự án hỗ trợ 32 triệu đồng đầu tư, nâng cấp cải tạo khu tập trung gà khi thu mua về; mua sắm lồng nhốt để vận chuyển gà đi tiêu thụ và được hỗ trợ kiểm dịch.

Anh Trường phấn khởi: “Chuỗi liên kết thực sự thuận lợi cho quá trình mua và bán, tạo sự gắn kết giữa người chăn nuôi và khách hàng.

Qua đây những người thu mua hiểu rõ hơn kỹ thuật chăn nuôi gà, đánh giá được chất lượng sản phẩm”.

Cũng nhờ tham gia chuỗi liên kết mà gia đình anh Trường đã mở rộng tiêu thụ gà ra các thị trường lớn như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hai dự án đã xây dựng được cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong mô hình, nâng cao trách nhiệm kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin, uy tín của các chủ thể trong việc hợp tác sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu; thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững.

Qua đó giúp việc chăn nuôi, tiêu thụ gà có sự gắn kết, chủ động, hạn chế rủi ro.

Cần nhân rộng để hội nhập TPP

Ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và chăn nuôi gà đồi Yên Thế nói riêng đang được đánh là lĩnh vực có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam gia nhập TPP do phát triển chăn nuôi chưa thực sự bền vững. Khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của các hộ chăn nuôi còn hạn chế; thiếu vốn để đầu tư phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi hàng hóa...

Thực tế cũng cho thấy, khi chưa hội nhập, các sản phẩm gà với giá rẻ của Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… nhập khẩu vào nước ta với số lượng lớn và tình trạng gà nhập lậu từ nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển gà trong nước.

Ông Hải cho biết thêm, trong bối cảnh cạnh tranh khi gia nhập TPP, để giải quyết khó khăn, UBND huyện sẽ chỉ đạo tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ liên kết đảm bảo tính liên kết thống nhất, chất lượng và hiệu quả, tạo thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất con giống, chăn nuôi chế biến, tiêu thụ khép kín.

Đặc biệt, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế được thành lập sẽ xây dựng và thực hiện tốt việc liên kết trong chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học và VietGAP, tạo ra sản phẩm gà đồi đảm bảo chất lượng, nâng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, đảm bảo giữ vững thương hiệu “gà đồi Yên Thế”.

Ngoài ra, sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ sản phẩm ở một số nước khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, UBND tỉnh Bắc Giang cùng các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí triển khai nhân rộng mô hình chuỗi liên kết “Chăn nuôi - thu mua - (giết mổ, chế biến) - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế, từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đây là việc làm cần thiết để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi gà ở huyện Yên Thế, đó cũng là bước chuẩn bị vững chắc trước khi TPP chính thức có hiệu lực.

Đánh giá kết quả dự án, nhiều ý kiến của Sở Công Thương, UBND huyện Yên Thế cho rằng, để mô hình chuỗi liên kết tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ - chế biến cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để thúc đẩy sản xuất chăn nuôi hàng hóa phát triển.


Có thể bạn quan tâm

Lâm Thao Sản Xuất Vụ Chiêm Xuân Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Nông Sản Lâm Thao Sản Xuất Vụ Chiêm Xuân Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Nông Sản

Đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vụ chiêm xuân năm nay huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình khuyến nông nhằm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

23/01/2015
Đỗ Sơn Phát Huy Thế Mạnh Sản Xuất Vụ Xuân Đỗ Sơn Phát Huy Thế Mạnh Sản Xuất Vụ Xuân

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời luôn xác định mục tiêu vụ xuân là tiền đề, tạo động lực cho các vụ tiếp theo, UBND xã đã chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo sản xuất; HTX dịch vụ nông nghiệp và các trưởng khu dân cư khuyến cáo, tuyên truyền bà con thực hiện đúng khung lịch thời vụ của tỉnh, huyện giao.

23/01/2015
Phát Triển Cây Sắn Như Thế Nào Vẫn Là Câu Hỏi Chưa Lời Đáp Phát Triển Cây Sắn Như Thế Nào Vẫn Là Câu Hỏi Chưa Lời Đáp

Giai đoạn từ những năm 1990 về trước trên đồi Phú Thọ bát ngát đâu đâu cũng là sắn, sắn là nguồn lương thực chủ yếu không chỉ cho người mà còn chăn nuôi, có năm diện tích lên tới đến 55-60 ngàn ha, sản lượng lên tới hàng chục vạn tấn củ tươi.

23/01/2015
Thanh Sơn Chủ Động Trữ Nước Phục Vụ Sản Xuất Vụ Chiêm Thanh Sơn Chủ Động Trữ Nước Phục Vụ Sản Xuất Vụ Chiêm

Trước tình hình đó, để đảm bảo vụ xuân đạt kết quả cao, huyện Thanh Sơn đã khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất, phân công cán bộ bám sát, chỉ đạo đến từng xã để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc đề xuất những giải pháp giải quyết, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn, phòng chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương làm dầm với diện tích đất trũng và cày ải đối với diện tích không trồng cây vụ đông.

23/01/2015
Tăng Cường Chỉ Đạo Gieo Cấy Đúng Khung Lịch Thời Vụ Tăng Cường Chỉ Đạo Gieo Cấy Đúng Khung Lịch Thời Vụ

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết vụ Chiêm xuân năm 2014 - 2015, đặc biệt theo dự báo là vụ đông xuân ấm, nếu không chỉ đạo quyết liệt về thời vụ để xảy ra tình trạng gieo cấy các giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn trước khung lịch thời vụ dẫn đến lúa trỗ sớm, gặp rét muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

23/01/2015