Sản Xuất Con Giống Chất Lượng, Chuẩn Bị Hội Nhập Quốc Tế

Khởi đầu từ một cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ, trang thiết bị thô sơ, đội ngũ lao động chỉ vài chục người, trải qua nhiều khó khăn, đến nay, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thủy sản Đắc Lộc đã khẳng định thương hiệu của mình. Hiện sản phẩm tôm giống của doanh nghiệp này được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiền đề để DNTN Thủy sản Đắc Lộc hội nhập quốc tế.
ĐẠT TIÊU CHUẨN GLOBALGAP
DNTN Thủy sản Đắc Lộc được thành lập vào năm 2006 với các ngành nghề kinh doanh chính là: sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản; mua bán thức ăn cho tôm và thuốc thú y thủy sản; mua bán thủy hải sản; vận chuyển hàng hóa. Từ năm 2006 đến năm 2010, ngoài các hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp này còn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản trên 30ha tại xã Xuân Hải (TX Sông Cầu).
Sau khi cơ sở này đi vào hoạt động, DNTN Thủy sản Đắc Lộc đã đưa vào quy trình sản xuất giống khép kín, đạt chuẩn quốc tế, mỗi năm, cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 tỉ con giống tôm thẻ chân trắng chất lượng cao.
Đầu năm 2012, DNTN Thủy sản Đắc Lộc được tổ chức Danida của Đan Mạch tài trợ hơn 4 tỉ đồng theo Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) nhằm giúp nông dân cải thiện cơ hội tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật và đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất con giống an toàn sạch bệnh theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Từ đó, với quy trình sản xuất khép kín, DNTN Thủy sản Đắc Lộc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, từ việc nhập tôm bố mẹ của Tập đoàn C.P Thái Lan về cho đẻ Nauplius và ương nuôi thành Post larvae đến việc xây dựng phòng chẩn đoán bệnh thủy sản bằng máy PCR để phát hiện bệnh dễ dàng, nhanh chóng, chính xác.
Nhằm nâng cao chất lượng quy trình công nghệ sản xuất tôm thẻ chân trắng, doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thương phẩm thực nghiệm; xây dựng hệ thống bán hàng cung ứng thức ăn tôm, thuốc vi sinh và hệ thống vận tải xe đông lạnh; xây dựng trạm thu mua tôm thương phẩm.
Sau một thời gian sản xuất theo quy trình mới, đến tháng 6/2013, DNTN Thủy sản Đắc Lộc đã được tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, trở thành một trong những doanh nghiệp nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận GlobalGAP.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, chủ DNTN Thủy sản Đắc Lộc thì yếu tố chính dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp đó là biết nắm bắt kịp thời các khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhu cầu, xu hướng của thị trường để áp dụng các chính sách kinh doanh ngắn hạn và dài hạn cho phù hợp. Nhờ vậy, từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng của DNTN Thủy sản Đắc Lộc được duy trì đều đặn qua từng năm, bình quân mỗi năm tăng trưởng từ 10 đến 20%.
CHUẨN BỊ HỘI NHẬP
Hiện DNTN Thủy sản Đắc Lộc có 1 trụ sở chính và 4 đơn vị trực thuộc, đội ngũ cán bộ 150 người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và hơn 500 công nhân, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt. Doanh nghiệp cũng gặt hái nhiều thắng lợi, được đông đảo người nuôi trồng thủy sản tín nhiệm; nhận được Cúp Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam 2012;
Đơn vị kinh tế điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo năm 2012; Top 100 Thương hiệu Việt uy tín năm 2014; Thương hiệu và sản phẩm thân thiện môi trường... cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh vì có đóng góp cho ngân sách và hoạt động xã hội, từ thiện khác.
Bà Nga cho biết: Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế, DNTN Thủy sản Đắc Lộc định hướng phải có hoạt động xuất khẩu nhằm đưa sản phẩm tôm an toàn, sạch bệnh của Phú Yên nói riêng và của Việt Nam nói chung đến thị trường thế giới, góp phần nâng cao giá trị thủy sản địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, DNTN Thủy sản Đắc Lộc đã có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, tài lực, tìm hiểu về luật quốc tế kinh doanh, thị trường nước ngoài…
Doanh nghiệp cũng đang xúc tiến việc xây dựng Trung tâm giao dịch thủy sản tại TX Sông Cầu để các doanh nghiệp trao đổi thông tin cũng như nắm bắt được xu hướng của ngành thủy sản trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra, trong thời gian tới, DNTN Thủy sản Đắc Lộc sẽ xây dựng nhà máy chế biến tôm và cá ngừ đại dương xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo bà Nga, Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn và năng động đã và đang mang đến nhiều cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam; nhờ việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận vào thị trường các quốc gia trong FTA.
Tuy nhiên, việc mở cửa cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Xác định lợi thế cũng như thách thức khi hội nhập, DNTN Thủy sản Đắc Lộc đã chủ động trong việc sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị của sản phẩm, hình thành các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu tạo ra chuỗi giá trị cung ứng mang lại giá trị cao.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ngoài hơn 50ha quýt đường của gần 100 hộ dân được trồng xen với cây lá dừa nước của hợp tác xã Thuận Phú (ấp Long Trị, xã Bình Phú, Càng Long) đã “ăn nên làm ra” (bình quân 01ha, nhà vườn thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm) thì địa bàn huyện Càng Long còn khoảng 200ha vườn cây có múi được trồng rải rác (chanh, bưởi, quýt, cam...các loại) ở các xã trong huyện. Đặc biệt, do những năm qua, một số trái cây: Xoài, dừa, chanh… giá không ổn định, nhà vườn Càng Long có hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bưởi da xanh được chọn làm cây trồng chủ lực. Từ đó, bưởi da xanh “đứng đầu bảng” về giá (đối với cây có múi), nhưng năm nay, dịch bệnh đã tấn công mạnh, làm cho nhiều nhà vườn lúng túng, không chống chọi nổi, đang rất cần nhà khoa học vào cuộc.

Mới đây, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang diễn ra Hội nghị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 - 2015). Hiệp hội ra đời vào thời điểm ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, từ người nuôi đến doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý đều mong mỏi Hiệp hội sẽ là cầu nối vững chắc để sắp xếp, ổn định lại trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia.

Phong trào nuôi nhím cách đây vài năm, nhiều gia đình tại Bắc Ninh đã bỏ ra khoản đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này. Để rồi có những hộ chưa kịp “giàu” vì nhím đã lao đao khi giá bán nhím rớt thê thảm, hàng loạt hộ đành ngậm ngùi bán tháo để chuyển sang ngành nghề khác.

Sinh năm 1976 tại thôn Đồng Ý, xã Việt Dân (Đông Triều - Quảng Ninh), anh Nguyễn Văn Hào là người có tham vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất của quê hương mình. Năm 2007 anh xin chuyển đổi diện tích 10.000 m2 đất canh tác nông nghiệp của gia đình sang trồng các loại cây có giá trị cao phù hợp với chất đất và khí hậu. Anh Hào tâm sự: Đất ở đây chủ yếu là đất pha cát, nếu trồng lúa năng suất rất thấp nên không hiệu quả.

Tổng cục Thủy sản cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc khảo nghiệm sản xuất tôm bố mẹ là chủ trương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được UBND tỉnh khuyến khích. Nếu Việt - Úc thành công thì đây là niềm vui và vinh dự cho ngành sản xuất tôm giống Bình Thuận...