Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Phẩm Gia Cầm Khó Tiêu Thụ

Sản Phẩm Gia Cầm Khó Tiêu Thụ
Ngày đăng: 28/02/2014

Tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm cho người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Người nuôi và các tiểu thương mua bán ở các chợ đều lo thua lỗ, hoặc phá sản.

Những ngày gần đây, mặc dù các cơ quan chuyên môn cũng như phương tiện truyền thông liên tục trấn an về tình hình dịch cúm gia cầm, nhưng người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn khá e dè khi tiếp cận các sản phẩm liên quan gia cầm. Các doanh nghiệp kinh doanh gia cầm cho biết: Lượng gà nhập về để giết mổ tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (quận Gò Vấp) giảm từ 30% đến 40% so với trước kia.

Các chợ cũng tương tự, lượng người tiêu dùng ghé vào các sạp mua sản phẩm gia cầm giảm khá mạnh. Theo bà Nguyễn Bích Liên, chủ cửa hàng thịt gà ở chợ Bùi Văn Ba (quận 7), mấy ngày nay chỉ có gia đình nào cần mua gà về cúng mới ghé vào hỏi mua, còn thịt gà làm sẵn thì rất ế. Cùng chung số phận với thịt gà là các loại trứng gia cầm.

Chị Hiền, tiểu thương chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết: Trước đây, mỗi ngày chị bán được vài chục hộp trứng các loại, còn mấy ngày gần đây, mỗi ngày chỉ bán được vài hộp trứng. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Văn Đức Mười, lượng thịt gia cầm và trứng gia cầm nhập vào và bán ra của hệ thống các cửa hàng Vissan trong thời gian gần đây có giảm nhưng bù lại, lượng tiêu thụ thịt gia súc và hải sản lại tăng lên.

Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, nguồn cung gà chuyển vào thành phố chủ yếu từ Đồng Nai (39,78%), Bình Dương (hơn 28%), Bình Phước (hơn 11%)... Còn lượng gia cầm đã giết mổ ở các tỉnh cung cấp cho thành phố bình quân khoảng gần 43 nghìn con gà/ngày, hơn 12 nghìn con vịt/ngày... Sau khi thông tin cúm gia cầm lan rộng, tình hình buôn bán gia cầm cũng theo đó mà "giảm nhiệt".

Ghé thăm chợ Tân An, TP Tân An (Long An) nằm cách TP Hồ Chí Minh không xa, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Dung, chuyên bán gà ở chợ Tân An, cho biết "Trước đây, mỗi ngày tôi bán không dưới 10 con gà. Nhưng từ ngày có dịch cúm đến nay, có khi cả buổi sáng tôi cũng chưa bán được con nào".

Đồng cảnh ngộ với chị Dung, nhiều tiểu thương kinh doanh gia cầm ở các chợ phường 2, phường 3, TP Tân An cũng không có ai đến mua hàng dù gia cầm đã qua kiểm dịch. Chị Trần Thị Mai Ly, phường 1, TP Tân An (Long An), cho biết: Trước đây, nhà tôi cũng hay ăn thịt gà, thịt vịt, nhưng từ khi bùng phát dịch cúm gia cầm, gia đình tôi đã hạn chế mua". Chị Ly cho biết thêm, nếu có nhu cầu chị cũng đến siêu thị mua cho bảo đảm chứ không dám mua ngoài chợ.

Tại Đồng Nai, những ngày này, các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm như "ngồi trên đống lửa", vì giá gà, giá vịt xuất chuồng, kể cả trứng gà liên tục giảm sâu dưới giá thành. Anh Nguyễn Văn Huy, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, cho biết: Tổng đàn vịt của tôi gần một nghìn con, còn khoảng một tuần nữa là xuất bán, nhưng thông tin dịch cúm gia cầm làm cho giá bán cứ liên tục giảm, thậm chí thương lái cũng ít đến hỏi để mua vịt.

Lo âu không kém anh Huy, các hộ chăn nuôi vịt tại các xã Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 1, Xã Lộ 25 - nơi nuôi vịt tập trung ở huyện Thống Nhất lên đến 240 nghìn con cũng "đứng ngồi không yên". Theo họ, nguyên nhân giá vịt giảm bởi gần đây thông tin dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, người dân e ngại sử dụng thịt vịt dẫn đến giá cả xuống thấp.

Theo một số chủ trang trại chăn nuôi gà tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất (Đồng Nai), hiện giá gà tam hoàng bán tại các trang trại chỉ còn 27 nghìn đến 28 nghìn đồng/kg, nhưng đầu ra cũng rất khó khăn, giảm 4.000 đến 5.000 đồng/kg so với đầu tháng hai này. Anh Nguyễn Thành Sơn, chủ trang trại gà tam hoàng ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, cho biết: "Với giá gà như hiện nay, người chăn nuôi gà tam hoàng đang chịu lỗ từ 10 nghìn đến 11 nghìn đồng/kg".

Nhiều người vì lo lắng đã không dám sử dụng ngay cả các sản phẩm gia cầm của Công ty Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất giống đến giết mổ, chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, số lượng thịt gà bán ra cũng giảm hơn 40% so với cách đây một tuần.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, một "đại gia" nuôi gà ở ấp An Cư, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết: Hiện nay, giá gà thịt chỉ còn 32.000 đồng/kg, giảm gần 13.000 đồng/kg; trứng gà chỉ còn 1.050 đồng, giảm 500 đồng/trứng. Với giá như trên, người nuôi gà lỗ khoảng 500 đồng/trứng và 12.000 đồng/con, hơn thế giá trứng và gà tiếp tục giảm thêm, nhưng thương lái vẫn không chịu mua.

Trang trại của ông Minh hiện có hơn 10 nghìn con gà vàng và gần 13 nghìn gà ri và mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 15 nghìn trứng gà các loại. Ông nhẩm tính: "Mỗi ngày, trang trại của ông lỗ gần 10 triệu đồng. Nếu kéo dài khoảng một tháng thì người nuôi phá sản".

Tại các chợ bán gia cầm trên địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang), không chỉ thịt gà ít người tiêu dùng hỏi mua, mà ngay cả các sản phẩm thịt vịt, chim cút... cũng bán chậm. Bình thường, mỗi ngày sạp của bà Trần Thị Bông ở chợ Thạnh Trị, phường 4, TP Mỹ Tho cung cấp cho thị trường khoảng 20 đến 40 con gà, vịt (tùy buổi chợ), mấy ngày nay, bà chỉ bán được khoảng 20 con, nhưng gần hết ngày chợ mà vẫn còn 5-6 con.

Bà Bông cho biết: "Mấy ngày nay, lượng khách hỏi mua gà, vịt giảm khoảng 50%. Không chỉ khách mua lẻ giảm đi mà các mối hàng lớn như tiệm cơm, lò quay, nhà hàng... cũng hạn chế đặt mua. Nguyên nhân do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác do lo ngại dịch cúm gia cầm".

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: "Đến thời điểm này, thông tin dịch cúm gia cầm đã tác động tiêu cực đến giá bán và sức tiêu thụ của tổng đàn gà, vịt trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên người tiêu dùng không nên "né" thịt, trứng gia cầm sạch, có thương hiệu mà chọn các thực phẩm khác, điều này vô tình làm dư thừa nguồn cung, kéo theo giá bán gia cầm giảm làm bế tắc đầu ra cho người chăn nuôi, đồng thời làm cho các mặt hàng thực phẩm khác lợi dụng tăng giá.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả

Hiện nay trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) ngoài cây cam xoàn mang lại hiệu quả kinh tế thì cây thanh long ruột đỏ cũng được người dân đâu tư trồng và bước đầu cho lợi nhuận kinh tế ổn định.

26/10/2013
“Vua Bưởi Hồ Lô” Lại Xuất Chiêu “Vua Bưởi Hồ Lô” Lại Xuất Chiêu

Từ dịp Tết năm 2009 đến nay, người tiêu dùng đã biết đến những cặp bưởi hồ lô in dòng chữ “Tài - Lộc”. Ông Thành cho biết năm nay trái bưởi hồ lô sẽ “biến hóa” thêm 2 hình ảnh mới là thỏi vàng cộng với đồng tiền và chữ “Phúc Lộc Thọ”. Khi được hỏi ai là người nghĩ ra “chiêu” mới này, ông Thành cho biết vì lợi ích của tất cả 26 thành viên trong CLB nên sau nhiều đêm suy nghĩ, ông cùng các thành viên trong CLB đã táo bạo sáng chế thêm 2 cái khuôn có in những chữ trên như muốn chuyển tải đến người tiêu dùng sự may mắn, tiền tài, trường thọ trong dịp năm mới. “Nếu cứ an phận ngồi trên sự thành công cũ thì chắc chắn có ngày sản phẩm của mình sẽ bị bão hòa trên thị trường” - ông Thành chia sẻ.

26/10/2013
Đa Dạng Hóa Đối Tượng Nuôi Thủy Sản Để Giảm Rủi Ro Đa Dạng Hóa Đối Tượng Nuôi Thủy Sản Để Giảm Rủi Ro

Trong điều kiện nghề nuôi cá tra xuất khẩu gặp khó khăn kéo dài do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đã chuyển sang nuôi các đối tượng khác để tránh rủi ro và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

28/10/2013
Phạt 19,5 Triệu Đồng Đối Với 3 Hộ Nuôi Nhốt Động Vật Hoang Dã Phạt 19,5 Triệu Đồng Đối Với 3 Hộ Nuôi Nhốt Động Vật Hoang Dã

Ngày 25.10, ông Lê Văn Phi - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết: Đơn vị vừa ra quyết định xử phạt 19,5 triệu đồng đối với 3 hộ (Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Xuân Mỹ và Trần Xuân Thủy) về hành vi nuôi nhốt và tàng trữ trái phép động vật hoang dã.

28/10/2013
Chủ Động Phòng Ngừa Dịch Bệnh Ở Tôm Chủ Động Phòng Ngừa Dịch Bệnh Ở Tôm

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh kiểm tra sức khỏe tôm nuôi sau đợt lũ vừa qua. Ngoài việc hướng dẫn người dân sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, thì việc tổ chức thả giống tập trung tại các vùng nuôi, thực hiện cùng vào, cùng ra để tạo khối lượng hàng hóa lớn gắn với thị trường và thuận lợi cho công tác phòng chống dịch. Người chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện khử trùng ao nuôi, hệ thống kênh cấp thoát nước. Các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung phát triển thêm các trang trại sản xuất con giống, ương dưỡng giống tôm để nuôi theo hình thức khép kín, đồng thời đảm bảo môi trường nước trong ao nuôi và xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định.

29/10/2013