Sản Lượng Thủy Sản Tăng

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 2,867 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước
Sản lượng tăng có nhiều nguyên nhân, như tháng 6 vừa qua, thời tiết thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Tại các vùng biển miền Trung và Nam Trung Bộ, các đàn cá nổi xuất hiện liên tục, tạo điều kiện cho bà con ngư dân ra khơi khai thác đạt kết quả cao.
Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên biển của Việt Nam cùng với việc các tàu thuyền quân sự và thuyền cá vỏ sắt Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa nên đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình khai thác thủy sản ở vùng này.
Ước 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng thủy sản khai thác đạt 1,411 triệu tấn, tăng 5,3 % so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khai thác biển đạt 1,328 triệu tấn, tăng 5,5 % so với cùng kỳ. Sản lượng cá ngừ đại dương trong 6 tháng của một số tỉnh trọng điểm như Phú Yên ước đạt 3.200 tấn, giảm 29% so cùng kỳ; Bình Định đạt 5.700 tấn, tăng 18,8%; Khánh Hòa 4.139 tấn, tăng 47,8%.
Tại Bình Định, các đối tác Nhật Bản đang bàn giao thiết bị và công nghệ câu cá ngừ cho bà con ngư dân và hợp tác phát triển đội tàu cá vỏ thép và vật liệu mới, hướng dẫn ngư dân quy trình lắp đặt và sử dụng bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 6 đầu năm ước đạt 452.000 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1,451 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tình hình sản xuất tôm sú tháng 6 vẫn ổn định so với tháng trước.
Hầu hết diện tích tôm sú 6 tháng đầu năm của các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, sản lượng lại tăng. Đối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, sản lượng tôm sú của Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM đều giảm so với cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích nuôi cá tra trong 6 tháng đầu năm ước đạt 5.800 ha, với sản lượng 489.000 tấn. Sản lượng cá tra của một số tỉnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái do diện tích nuôi giảm như tại Vĩnh Long hiện còn 425 ha (giảm 2%), Đồng Tháp 1.334 ha (giảm 0,1%), Cần Thơ 688 ha (giảm 21%).
Một số tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra giảm thì tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái, Tiền Giang có 164 ha (tăng 21%), Bến Tre 627 ha (tăng 12,9%).
Có thể bạn quan tâm

Trải qua thời gian bị dịch bệnh vàng lá gân xanh, hiện diện tích cam sành ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã giảm rõ rệt. Bên cạnh những nhà vườn chuyển đổi sang cây trồng khác thì vẫn còn nhiều hộ quyết định bám trụ với loại cây trồng nhiều lợi ích này.
Hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, ông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã không ngừng lao động sáng tạo và thực hiện thành công quy trình sản xuất cho quả vải thiều ra quả trong thân – “vải thiều nho”.

Hơn 414.000ha trái cây các loại với sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn mỗi năm, vùng Nam Bộ được mệnh danh là nơi sản xuất và xuất khẩu trái cây chủ lực của cả nước. Mấy năm gần đây việc sản xuất trái cây được ngành chức năng quan tâm, nhiều địa phương xem trái cây là thế mạnh đột phá giúp nông dân làm giàu; nhờ đó mà diện tích trái cây tăng nhanh.

Dự báo trong mùa mưa năm nay, nông dân sẽ đổ xô trồng cây đinh lăng bởi giá trị kinh tế của nó vượt xa so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên Bình Phước hiện nay vẫn chưa chọn được loại giống đinh lăng nào phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua ở mức 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2014. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hai năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng cao su không vui.