Sản Lượng Thủy Sản Sau 6 Tháng Đầu Năm Đạt 2,8 Triệu Tấn

Sản lượng thủy sản sau 6 tháng đầu năm đạt 2,8 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều tỉnh tại ĐBSCL đang tập trung thả nuôi tôm thẻ trên diện rộng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích nuôi trồng thủy sản trong kỳ ước tính đạt 933 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 286 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ; diện tích nuôi tôm đạt 601 nghìn ha, tăng 1,1%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng sau 6 tháng ước tính đạt 1,4 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt trên 1,09 triệu tấn, giảm 1%; tôm đạt 229,5 nghìn tấn, tăng 26,2%; thủy sản nuôi trồng khác đạt 133 nghìn tấn, tăng 9,2%. Nuôi thủy sản trên biển phát triển khá với chủng loại ngày càng đa dạng, sản lượng 6 tháng ước tính đạt 170 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm nay, nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao, giá tiêu thụ sản phẩm giảm, các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU bị thu hẹp. Diện tích nuôi thả cá tra công nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến giữa tháng Sáu ước tính đạt 3500 ha, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước
Nuôi tôm tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng do tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, năng suất cao nên hiệu quả kinh tế hơn. Diện tích thu hoạch tôm sú 6 tháng ước tính đạt 495 nghìn ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 106 nghìn tấn, giảm 5,5%. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng có diện tích và sản lượng tăng mạnh với diện tích đạt 53 nghìn ha, tăng 111% và sản lượng ước đạt 117 nghìn tấn, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2013.
Một số tỉnh có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng cao: Bến Tre đạt 18,3 nghìn tấn, tăng 9,7 nghìn tấn; Trà Vinh 8,9 nghìn tấn, tăng 7,9 nghìn tấn; Bạc Liêu 8,2 nghìn tấn, tăng 7,1 nghìn tấn; Tiền Giang 5,3 nghìn tấn, tăng 3,7 nghìn tấn.
Tuy nhiên, do sự chuyển dịch cơ cấu còn mang tính tự phát ở hầu hết các địa phương, cùng với việc không tuân thủ đúng lịch thả nuôi và điều kiện kỹ thuật nên dịch bệnh phát sinh, dẫn đến một số địa phương phải thu hoạch sớm khi tôm chưa đạt chất lượng thương phẩm. Trong thời gian tới, cần có kế hoạch đầu tư cụ thể và khoa học đối với loại tôm thẻ chân trắng tại các địa phương để tránh tình trạng nguồn cung dư thừa, dẫn đến giá giảm và thua lỗ.
Sản lượng thuỷ sản khai thác 6 tháng ước tính đạt 1,4 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1,3 triệu nghìn tấn, tăng 5,6%.
Sản lượng khai thác tăng cao chủ yếu do thời tiết trong 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, các loại cá nổi trong vụ cá Bắc xuất hiện nhiều nên ngư dân tranh thủ ra khơi đánh bắt.
Tuy vậy nhưng nghề câu cá ngừ đại dương ở một số địa phương hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân do ngư dân khai thác chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, dẫn đến giá bán ở mức thấp và sản lượng khai thác giảm. Sản lượng cá ngừ đại dương trong 6 tháng ước tính đạt 10,4 nghìn tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó Bình Định đạt 5,7 nghìn tấn, giảm 12,3%; Phú Yên 3,2 nghìn tấn, giảm 22,1%; Khánh Hòa 1,5 nghìn tấn, giảm 21%...
Có thể bạn quan tâm

“Đối với thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa hiện nay, tôi cho rằng, đây là “thời” của những sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý là tiêu chí lựa chọn của thị trường và người tiêu dùng. Bà con nông dân cần nhận thức rõ vấn đề này”- ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tỉnh An Giang, nói.

Tây Nguyên được xác định là vùng cà phê trọng điểm về diện tích trồng cũng như năng suất, sản lượng cà phê của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây sản lượng cà phê của vùng liên tục giảm mạnh theo từng niên vụ, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới người trồng cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung.

Ngày 21/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Yên đã lập biên bản tạm giữ phương tiện vận chuyển và 700 bao phân (tương đương 35 tấn) không đúng xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp và không có chứng nhận chất lượng. Đồng thời, phối hợp với Sở NN-PTNT lấy mẫu phân để mở rộng điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng.

Sau gần 1 năm trồng 3.000m2 dâu tây Nhật tại khu vực Thánh Mẫu, hộ gia đình ông Vương Đình Phi (xã viên HTX Trung Tín, Đà Lạt) đã và đang “thu hoạch rộ” mỗi ngày trên dưới 20kg, chủ yếu bán tại vườn cho khách du lịch với mức giá ổn định 250.000 đồng/kg, cao hơn gấp nhiều lần so với giá của các loại giống dâu tây khác đang trồng ở địa phương.

Về thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy (Cam Lộ - Quảng Trị), nhắc đến gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Triển thì hầu như người dân nào cũng trầm trồ khen ngợi.