Sản Lượng Thủy Sản Huyện Đảo Phú Quốc Đạt Hơn 40% Kế Hoạch Năm

Năm tháng đầu năm, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đạt hơn 40% kế hoạch năm, tăng 18% so cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất trên 306 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, tăng 17%.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết: Thời tiết biển những tháng đầu năm nay khá thuận lợi cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường. Huyện tập trung phát triển khai thác thủy sản theo hướng vươn ra khơi xa, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngư dân đầu tư tàu cá công suất lớn, giảm đánh bắt ven bờ, tổ chức thành tổ, đội kết hợp xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vừa khai thác đạt sản lượng, vừa giảm chi phí sản xuất trên ngư trường.
Đoàn tàu cá trang bị những thiết bị hiện đại như: máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc tầm xa...; chú trọng khai thác các loại thủy hải sản giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sạch, giảm thất thoát sau khai thác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, huyện điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề khai thác phù hợp với đặc điểm ngư trường, mùa vụ đánh bắt. Xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động 2 cảng cá trọng yếu là Thổ Chu và An Thới phục vụ khai thác đánh bắt trên ngư trường.
Tuy nhiên, dự báo của ngành chức năng Phú Quốc, sản lượng khai thác thủy sản trước nguy cơ giảm xuống do phần lớn tàu cá công suất lớn tự phát chuyển sang đánh bắt một loài thủy sản lạ mà ngư dân địa phương gọi là con banh lông. Đây là một loài thủy sản không nằm trong danh mục khai thác và chưa xác định được giá trị của nó.
Huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện tàu thuyền trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác con banh lông để có hướng xử lý.
Tổ chức, sắp xếp và kiểm soát đánh bắt nguồn lợi cá cơm hiệu quả, nhằm cung ứng đủ nguyên liệu cho các cơ sở nhà thùng sản xuất nước mắm đã bị giảm hơn 30% sản lượng sản phẩm nước mắm truyền thống trong 5 tháng đầu năm nay. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chủ động sắp xếp lại ngành nghề khai thác đạt sản lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Trên lĩnh vực nuôi trồng, Phú Quốc có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản, nhất là nghề nuôi cá lồng bè quanh các đảo. Phú Quốc hiện có khoảng 100 cơ sở nuôi cá lồng bè trên biển với các loài đặc trưng như: cá mú đen, cá mú sao, cá đỏ, cá hồng bạc… là những loài cá có giá trị kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, Phú Quốc thu hoạch cá nuôi lồng bè sản lượng hơn 326 tấn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở đề án quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020, Phú Quốc bố trí nuôi trồng thủy sản theo hướng gắn với phát triển du lịch, phục vụ du khách tham quan, đặc biệt là các mô hình nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi trai lấy ngọc.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết: Huyện xây dựng dự án tăng sản lượng nuôi cá lồng bè, hải sản, ốc hương… phấn đấu năm 2015 đạt 1.500 tấn sản phẩm thủy sản hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chủ động sắp xếp lại ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Theo Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, tính đến đầu tháng 6-2013, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã chi trên 45,5 tỉ đồng để bồi thường thiệt hại cho gần 70 ao nuôi thủy sản tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN); trong đó có 40 ao nuôi cá tra diện tích 11,08 ha bị thiệt hại, với số tiền bồi thường 44,85 tỉ đồng; khoảng 30 ao nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng số tiền bồi thường trên 900 triệu đồng...

Đó là mô hình của hộ Nguyễn Văn Mừng (ấp La Ghi, xã Long Vĩnh - Duyên Hải - Trà Vinh). Gia đình có 1 ha đất nuôi tôm, trong đó có 2 công đất là bãi bồi. Hiện ông khai thác 2 công đất vốn không hiệu quả kinh tế này để nuôi vọp.

Thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo trạm khuyến nông huyện triển khai mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản cho 50 hộ gia đình tại xã Quang Hiến (Thanh Hóa).

Phá thế độc canh con tôm, tận dụng diện tích ao nuôi quanh nhà, nhiều hộ dân trong tỉnh Cà Mau có thêm nguồn thu nhập từ mô hình nuôi cá chẽm. Thức ăn chế biến từ cá chẽm được ưu chuộng tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh; vì thế cá chẽm có giá trị cao về kinh tế.

Cà Mau là vùng đất phì nhiêu, trù phú, song cũng lắm phần khắc nghiệt. Nếu không đủ ý chí có lẽ đây chẳng phải là miền đất hứa cho những ai có mộng làm giàu. Nhưng giờ đây Cà Mau đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.