Sản Lượng Thủy Sản Huyện Đảo Phú Quốc Đạt Hơn 40% Kế Hoạch Năm

Năm tháng đầu năm, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đạt hơn 40% kế hoạch năm, tăng 18% so cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất trên 306 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, tăng 17%.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết: Thời tiết biển những tháng đầu năm nay khá thuận lợi cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường. Huyện tập trung phát triển khai thác thủy sản theo hướng vươn ra khơi xa, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngư dân đầu tư tàu cá công suất lớn, giảm đánh bắt ven bờ, tổ chức thành tổ, đội kết hợp xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vừa khai thác đạt sản lượng, vừa giảm chi phí sản xuất trên ngư trường.
Đoàn tàu cá trang bị những thiết bị hiện đại như: máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc tầm xa...; chú trọng khai thác các loại thủy hải sản giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sạch, giảm thất thoát sau khai thác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, huyện điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề khai thác phù hợp với đặc điểm ngư trường, mùa vụ đánh bắt. Xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động 2 cảng cá trọng yếu là Thổ Chu và An Thới phục vụ khai thác đánh bắt trên ngư trường.
Tuy nhiên, dự báo của ngành chức năng Phú Quốc, sản lượng khai thác thủy sản trước nguy cơ giảm xuống do phần lớn tàu cá công suất lớn tự phát chuyển sang đánh bắt một loài thủy sản lạ mà ngư dân địa phương gọi là con banh lông. Đây là một loài thủy sản không nằm trong danh mục khai thác và chưa xác định được giá trị của nó.
Huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện tàu thuyền trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác con banh lông để có hướng xử lý.
Tổ chức, sắp xếp và kiểm soát đánh bắt nguồn lợi cá cơm hiệu quả, nhằm cung ứng đủ nguyên liệu cho các cơ sở nhà thùng sản xuất nước mắm đã bị giảm hơn 30% sản lượng sản phẩm nước mắm truyền thống trong 5 tháng đầu năm nay. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chủ động sắp xếp lại ngành nghề khai thác đạt sản lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Trên lĩnh vực nuôi trồng, Phú Quốc có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản, nhất là nghề nuôi cá lồng bè quanh các đảo. Phú Quốc hiện có khoảng 100 cơ sở nuôi cá lồng bè trên biển với các loài đặc trưng như: cá mú đen, cá mú sao, cá đỏ, cá hồng bạc… là những loài cá có giá trị kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, Phú Quốc thu hoạch cá nuôi lồng bè sản lượng hơn 326 tấn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở đề án quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020, Phú Quốc bố trí nuôi trồng thủy sản theo hướng gắn với phát triển du lịch, phục vụ du khách tham quan, đặc biệt là các mô hình nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi trai lấy ngọc.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết: Huyện xây dựng dự án tăng sản lượng nuôi cá lồng bè, hải sản, ốc hương… phấn đấu năm 2015 đạt 1.500 tấn sản phẩm thủy sản hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chủ động sắp xếp lại ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Chọn giống cá rô phi đơn tính đực, nuôi thả theo hướng GAP, mô hình thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án phát triển nuôi cá theo quy trình bán thâm canh được thực hiện tại xã Trung Minh và Dân Chủ (thành phố Hòa Bình) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế hộ mà còn mở rộng khuyến cáo ở địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh.

Chúng tôi về thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa), một trong những nơi hiện nay đang nuôi nhiều cá bớp, bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Theo ông Nguyễn Phước, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương thì hiện nay toàn xã có hàng chục hộ dân nuôi cá bớp trên đầm Nha Phu. Người nuôi ít nhất cũng khoảng 500 con, nuôi nhiều khoảng 3.000 con.

Với tổng diện tích 2.450 ha (trồng mới 165 ha), sản lượng bình quân hàng năm trên 8.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên những năm trở lại đây cùng với việc người dân ào ạt trồng tiêu thì bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên trên cây tiêu diễn biến tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.

Giá mãng cầu xiêm tại vùng chuyên canh Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang tăng cao nhất từ trước đến nay nên nông dân hết sức phấn khởi.

Sáng ý và chăm chỉ, một phụ nữ chân yếu tay mềm ở tỉnh Trà Vinh đã đi tiên phong trong việc hồi sinh lại những hàng bần xanh mướt, góp phần tạo nên một món ăn ngon, hấp dẫn thực khách trong Nam ngoài Bắc.