Sản lượng thu hoạch tôm nuôi hơn 32.400 tấn

Sản xuất luân canh tôm - lúa ở ấp Yên Bình, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang)
Đến đầu tháng 9, diện tích thả tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang hơn 98.410 ha, vượt 9,34% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 1.528 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến gần 20.000 ha và còn lại là tôm - lúa. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi hơn 32.400 tấn, đạt gần 58% kế hoạch, bằng 99% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ do thời tiết không thuận lợi, khô hạn kéo dài, nắng nóng gay gắt, ao đầm thiếu nước, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch cao ảnh hưởng bất lợi đến nuôi tôm làm cho tôm chậm lớn, xuất hiện dịch bệnh, tôm chết cục bộ ở một số địa phương gây thiệt hại với tổng diện tích trên 11.322 ha, nhiều nhất là ở 2 huyện U Minh Thượng và An Minh. T
iếp đến, giá tôm sú nguyên liệu trong nhiều tháng qua cũng như hiện nay giảm mạnh, chỉ ở mức bình quân 175.000 đồng/kg, giảm 50.000 - 60.000 đồng/kg so với đầu năm, gây bất lợi cho nông dân.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2015 đạt sản lượng tôm nuôi 56.000 tấn, tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ thả giống và kiểm soát dịch bệnh trên đàn tôm.
Đối với nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp vùng Hà Tiên, Kiên Lương, Tứ giác Long Xuyên, ngành thủy sản tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ dân tiếp tục thả giống trên diện tích khoảng 1.500 ha, nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp toàn tỉnh đạt 3.000 ha năm 2015. Theo đó, tập trung cải tạo, thi công nhanh một số công trình thủy lợi bức xúc, nhằm chủ động điều tiết nguồn nước sạch phục vụ nuôi tôm công nghiệp.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, tạo môi trường bền vững, không bị ô nhiễm, tôm lớn nhanh, phát triển tốt. Hướng dẫn, khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật xử lý, cải tạo ao đầm nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại, nhất là xây dựng hệ thống ao lắng gắn với xử lý nguồn nước sạch bệnh và thả tôm nuôi trên 1/3 diện tích.
Chọn lựa nguồn tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao thả nuôi. Hỗ trợ, vận động doanh nghiệp ứng dụng các quy trình nuôi GAP, VietGAP, GlobalGAP để nâng chất lượng, năng suất tôm nuôi.
Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kết hợp với các địa phương có vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ kiểm tra, kiểm soát lại diện tích thả giống gắn với cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ nuôi tôm, bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thả giống tôm nước lợ trên diện tích chưa thả nuôi kết hợp với chăm sóc, quản lý hiệu quả những lô tôm đang thả nuôi phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nuôi tôm được giao ngay từ đầu năm.
Tập trung khắc phục diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, thả giống vụ nuôi mới, khôi phục lại sản xuất, nhằm đảm bảo sản lượng tôm nguyên liệu cung ứng cho chế biến xuất khẩu. Trạm thú y cơ sở bám sát địa bàn chủ động giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tôm nuôi, tổ chức bao vây, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời Chlorine cho nông dân để dập tắt dịch bệnh ngay khi còn ở diện hẹp, không để lây lan.
Thu thập, phân tích thông tin dự báo khí tượng thủy văn, kết hợp với kết quả quan trắc môi trường nước để đưa ra những khuyến cáo hữu ích, kịp thời cho người nuôi tôm chủ động các biện pháp ứng phó trong nuôi tôm nhằm ngăn chặn, hạn chế rủi ro, thiệt hại.
Ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang duy trì tập huấn, hướng dẫn nông dân tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến ngư cơ sở, bám sát địa bàn, hỗ trợ kịp thời cho người nuôi. Mở rộng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất và sản phẩm cải tạo môi trường, sản xuất và kinh doanh giống thủy sản… theo quy định.
Có thể bạn quan tâm

Từng có công việc khá ổn định ở thành phố song anh Trần Nhật Mỹ (sinh năm 1988), trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) lại quyết định trở về quê, bám đất làm giàu. Trải qua không ít khó khăn, giờ đây anh Mỹ đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp, là một trong những người tiên phong nuôi ếch ở quê nhà.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 94.100 tấn, vượt 7% so với kế hoạch, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng nuôi trồng đạt 39.266 tấn tăng 15,5% so với kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có sản lượng đứng thứ 3/10 tỉnh, thành có chung ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Từ năm 2014 đến nay, dịch bệnh trên cá tra đã xuất hiện tại 67 xã thuộc 19 huyện của 4 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang, với tổng diện tích bị bệnh trên 730 ha (chiếm 12% tổng diện tích nuôi cá tra cả nước).

Thời gian nuôi sò huyết từ 8 tháng đến một năm. Phần lớn bà con sử dụng lưới mành để bao xung quanh trên các bãi đất bồi ven sông và thả sò nuôi. Có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, loại hình nuôi này cần được sắp xếp ổn định nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thủy.

Ngày 21-1, gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức lễ hạ thủy tàu cá ĐNa 90657 TS - thay thế tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.