Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Lượng Cà Phê Giảm Không Chỉ Vì Thời Tiết Không Thuận Lợi

Sản Lượng Cà Phê Giảm Không Chỉ Vì Thời Tiết Không Thuận Lợi
Ngày đăng: 12/09/2012

Sản lượng cà phê niên vụ này của Lâm Đồng dự kiến sẽ không đạt đến 350.000 tấn như kế hoạch. Có ý kiến cho rằng do thời tiết năm nay không thuận lợi nên năng suất cà phê niên vụ tới ở Lâm Đồng sẽ không cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời tiết chỉ là một trong những nguyên nhân.

Mưa không thuận

Xong vụ thu hoạch vừa qua, ở giai đoạn cà phê trổ bông đợt một (cà phê thường trổ bông ba đợt trong năm), trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng lại xảy ra mưa sớm. Tiếp đến, đúng vào lúc cà phê trổ bông đợt hai và đợt ba, Lâm Đồng liên tiếp “đón” những trận mưa có tính quyết định đến việc ra hoa và kết trái của loại cây trồng này. 
Anh K’Sét, một nông dân dân tộc thiểu số ở xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, người trồng đến 14 ha cà phê) nói: “Cả ba đợt ra bông của cà phê đều “dính” mưa nên năm nay, năng suất cà phê nhà tôi và nhiều nhà khác sẽ giảm sút. Nếu giá cả tăng lên chút đỉnh thì còn bù lại được, bằng không, nhiều hộ dân thất thu. Đó là chưa kể các loại sâu bệnh hiện cũng đang hoành hành mạnh trên loại cây trồng này”.

Ở Lâm Đồng, một khi mùa mưa đến sớm thì cà phê niên vụ đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Rụng bông, tỷ lệ đậu quả thấp, trái non bị hỏng, sâu bệnh nhiều… Quan sát của một số nhà chuyên môn cho thấy, hễ năm nào mưa sớm và mưa kéo dài, đặc biệt là mưa lớn đúng vào các đợt ra hoa của cà phê thì năng suất cà phê niên vụ đó giảm sút đáng kể. Dự báo năm nay, năng suất cà phê Lâm Đồng có thể giảm từ 5 - 15% so với niên vụ vừa qua. 
Chưa thật bền vững

Năng suất và sản lượng cà phê giảm chỉ mới là một trong những điều đáng quan tâm đối với vùng cà phê Lâm Đồng. Điều quan trọng hơn, theo nhận định của nhiều người, nếu không có một kế hoạch lâu dài trong phát triển loại cây trồng này thì rất có thể trong tương lai không xa, không những năng suất giảm (như từng xảy ra đối với cây điều) mà cà phê Lâm Đồng còn bị “hẫng” cả một nền tảng của sự phát triển bền vững mà không có thể cứu vãn nổi. 
Hiện tượng đáng quan tâm trong vài năm qua ở Lâm Đồng là dịch hại xuất hiện trên cây cà phê khá dày: Khô cành, vàng lá, rỉ sắt, sâu đục thân…; diện tích bị nhiễm bệnh cũng tăng từ vài trăm hecta lên vài ngàn hecta và lúc này là vài chục ngàn hecta.

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp để phòng trừ dịch hại trên cây cà phê nhưng dường như việc “nhiễm bệnh” trên loại cây trồng này lại được nông dân xem như là chuyện… đương nhiên vậy. Theo các nhà chuyên môn, ngoài yếu tố thời tiết khiến cho các loại bệnh trên cây trồng nảy sinh thì vấn đề cây giống không đủ khả năng kháng bệnh cũng là điều rất đáng quan tâm.

Trong thực tế, việc Lâm Đồng hiện có đến 40.000 ha cà phê già cỗi và khoảng 20.000 ha cà phê khoảng 20 năm tuổi “chưa già nhưng đã cỗi” (trong tổng số 143.000 ha của cả tỉnh), có khả năng kháng bệnh kém, khả năng lây lan bệnh mạnh… là điều rất đáng quan tâm. “Với một “nền tảng” như thế, nếu không sớm cải tạo, cà phê Lâm Đồng trong tương lai sẽ trở nên “rỗng ruột” giống như một vài quốc gia khác” - một cán bộ chuyên môn của Sở NN-PTNT Lâm Đồng phát biểu. 
Những tín hiệu đáng mừng

Trước thực trạng cây cà phê Lâm Đồng xuống cấp, ngay từ năm 2007, chương trình chuyển đổi giống cây trồng, cải tạo diện tích cà phê già cỗi của tỉnh đã được triển khai và bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng mừng. Ghép cải tạo nhằm thay thế các vườn cà phê già cỗi của chương trình này là nội dung cơ bản nhất và đã được thực hiện một cách quyết liệt nhất trong những năm vừa qua tại nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng. Theo Sở NN-PTNT, thực hiện chương trình này, Bảo Lâm là địa phương đi đầu và hiệu quả mang lại đã được nhìn thấy rõ.

Tại cuộc họp tổng kết về ghép cải tạo vườn cà phê được tổ chức mới đây tại huyện Bảo Lâm, một số hộ nông dân cho biết là sau khi ghép, vườn cà phê của họ đã tăng năng suất từ một vài tạ mỗi sào lên đến 6 - 8 tạ/sào; cá biệt có hộ đạt năng suất những 10 tấn và trên 10 tấn mỗi hecta. Báo cáo của huyện Bảo Lâm cho thấy, nhờ thực hiện ghép cải tạo, sản lượng cà phê của huyện này đã tăng từ 54.000 tấn năm 2007 lên 63.000 tấn năm 2011 vừa qua.

Ở phạm vi cả tỉnh, theo kế hoạch, với nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng, đến năm 2015 sẽ có ít nhất 34.000 ha cà phê già cỗi được ghép bằng các giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn. Nhờ chương trình này, năng suất cà phê bình quân của Lâm Đồng đã được nâng từ chưa đến 2 tấn/ha năm 2007 lên gần 2,5 tấn/ha vào năm 2011 vừa qua; và dự kiến, con số này vào sau năm 2015 sẽ là 3 tấn/ha. 
Những tín hiệu vừa nêu là đáng mừng. Tuy nhiên, việc thực hiện một cách đồng bộ từ vườn cà phê của Nhà nước đến vườn cà phê của người dân không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bởi vậy, năng suất và sản lượng cà phê niên vụ tới có thể giảm thì đây chưa hẳn là điều duy nhất đáng quan tâm mà, vừa tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân và vừa hỗ trợ một phần cho dân chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang ghép hoặc trồng các giống mới có năng suất và chất lượng cao cũng là một công việc cần kíp không kém!


Có thể bạn quan tâm

Vịt Bị Ngộ Độc Thức Ăn, Không Phải Nhiễm Cúm A/H5N1 Vịt Bị Ngộ Độc Thức Ăn, Không Phải Nhiễm Cúm A/H5N1

Như tin đã đưa, ngày 30.1.2014, đàn vịt 2.000 con của anh Nguyễn Văn Long (48 tuổi, ngụ ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành - Tây Ninh) có dấu hiệu bệnh. Nghi chúng nhiễm cúm A/H5N1, anh Long đã tự đập đầu vịt và tiêu hủy hết 250 con.

10/02/2014
Đầu Năm Mới Thu Lợi Nhuận Gần 700 Triệu Đồng Từ Tôm Thẻ Chân Trắng Đầu Năm Mới Thu Lợi Nhuận Gần 700 Triệu Đồng Từ Tôm Thẻ Chân Trắng

Được biết, trước đó vào giữa tháng 1/2014 ông Thảo cũng đã thu hoạch 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, sau 67 ngày thả nuôi với số lượng 250.000 con giống, thu được 2,1 tấn tôm thương phẩm, giá bán 169.000 đồng/kg, thu về hơn 350 triệu đồng.

11/02/2014
Dự Báo Xuất Khẩu Cá Tra Năm 2014 Chỉ Đạt 1,75 Tỷ USD Dự Báo Xuất Khẩu Cá Tra Năm 2014 Chỉ Đạt 1,75 Tỷ USD

Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) dự báo, trong năm 2014, ngành cá tra Việt Nam còn quá nhiều bất cập cần giải quyết với kịch bản kim ngạch xuất khẩu cá tra cao nhất chỉ đạt 1,75 tỷ USD.

11/02/2014
Cà Mau Triển Khai Mở Rộng Chương Trình Bảo Hiểm Nông Nghiệp Cà Mau Triển Khai Mở Rộng Chương Trình Bảo Hiểm Nông Nghiệp

Sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô số hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.

11/02/2014
Tăng Cường Quản Lý Thủy Sản Nhập Lậu Tăng Cường Quản Lý Thủy Sản Nhập Lậu

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm và về các nguy cơ của việc sử dụng thủy sản không an toàn, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thủy sản.

11/02/2014