Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Salbutamol Hiểm họa rình rập ngành chăn nuôi heo

Salbutamol Hiểm họa rình rập ngành chăn nuôi heo
Ngày đăng: 17/09/2015

Trại chăn nuôi heo ở xã Cẩm Sơn.

Kể từ khi TP. Hồ Chí Minh phát hiện chất tạo nạc Salbutamol trên heo có nguồn gốc từ Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang và Bến Tre (cuối tháng 7-2015), giá heo hơi trên địa bàn tỉnh từ 42 - 43 ngàn đồng/kg (mức giá chỉ tương đương giá thành), giảm chỉ còn 38 - 39 ngàn đồng/kg. Điều này đã làm cho người chăn nuôi rất bức xúc.

Phải dùng “bùa” để có giá cao

Hơn 70 con heo thịt của gia đình ông C.V.Tr. (ấp Phú Hữu, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam) đã vô tạ và có thể xuất chuồng từ tuần nay, nhưng chỉ bán được giá 39 ngàn đồng/kg heo hơi nên ông bấm bụng tiếp tục chăm sóc chờ giá lên. “Heo con khoảng 900 ngàn đồng/con, 15 ngày tuổi phải chích ngừa dịch tai xanh, 20 ngày tuổi ngừa dịch tả, thương hàn, rồi ngừa lở mồm long móng, phổi…

Chỉ riêng thuốc ngừa cho đến khi bán gần 200 ngàn đồng/con nhưng nếu không ngừa đầy đủ thì khó tránh khỏi thất thoát lượng heo trước khi xuất bán. Chi phí tiền điện, tiền nước, chưa kể các chi phí khác như khấu hao chuồng trại, bóng đèn… Và ít nhất là 10 bao thức ăn, khoảng 3 triệu đồng.

Sau khoảng 6 tháng nuôi, heo vô tạ, xuất chuồng, lúc ấy chưa tính công sức bỏ ra thì giá thành mỗi con heo ít nhất hơn 4,2 triệu đồng. Như thế, nếu bán 39 ngàn đồng/kg sẽ lỗ hơn 300 ngàn đồng/con. Trong khi, heo đã vô tạ sẽ tăng trọng lượng rất chậm mà tốn thức ăn lại nhiều hơn và vụ chất tạo nạc xảy ra ở xã An Định thương lái sẽ khó lòng nhích giá lên nữa.

Có lẽ vụ này, đàn heo của gia đình tôi cũng như các hộ khác xuất bán trúng đợt này sẽ khó tránh khỏi bị lỗ nặng” - ông Tr. cho biết.

Trong khi đó, đàn heo hơn 90 con heo thịt của ông B.V.D. cùng ấp cũng đang trong tình trạng tương tự như đàn heo của ông Tr. Trong thời gian chúng tôi có mặt tại đây chưa được 30 phút, đã có ít nhất 5 “cò heo” ghé trả giá. Các “cò heo” có chung động thái là quan sát, rồi chê bụng heo thòng, nhiều mỡ. Tiếp đó, lấy 2 ngón tay nhấn vào lưng và chê nạc ít. Ngạc nhiên là các “cò heo” này chỉ trả giá xấp xỉ nhau, chênh lệch nhiều nhất chỉ 500 đồng/kg và giá cao nhất cũng chỉ dưới 40 ngàn đồng/kg. Một số “cò heo” sau khi phân tích và trả giá, còn buông thòng câu: “Chắc không chịu dùng bùa nên heo dở vậy.”

“Theo tôi biết thì mấy người cò heo này chỉ là cò cấp 2, có khi cấp 3 nữa và đều cùng làm việc cho một thương lái duy nhất. Thương lái kia sẽ không bao giờ đến chuồng mua mà thuê mấy cò tại địa phương. “Cò heo” hay khuyên người nuôi nên dùng “bùa” để con heo đẹp và hứa hẹn mua giá cao hơn. Một số chuồng heo, bị lái chê khi có ý định xuất bán, rồi họ cũng hết cách phải nhắm mắt dùng “bùa” để bán được giá cao hơn” - ông B nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “bùa”- chất tạo nạc Salbutamol được cung cấp chủ yếu từ “cò heo” hoặc các đại lý thức ăn. Ngoài ra, một số chủ cửa hàng đại lý thuốc thú y cũng tiết lộ họ không tham gia vào hoạt động phạm pháp và vô đạo đức này, đơn giản vì lợi nhuận ít, hơn nữa, nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy” họ ít nhất cũng bị phạt nặng.

Tham gia chuỗi liên kết để tránh hiểm họa

Ông Huỳnh Ngọc Thạnh - Cán bộ Thú y xã Cẩm Sơn, cho biết: “Vài năm gần đây, nhiều hộ nuôi heo quản lý chuồng nuôi và buôn bán với thương lái rất khép kín. Và ngay cả công tác theo dõi, kiểm tra sức khỏe trên heo của nhân viên thú ý cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng hỏi lý do thì người nuôi bảo rằng có nhiều người lạ đến thăm chuồng đàn heo sẽ gặp nhiều xui xẻo, và họ cũng cam kết sẽ tự tiêu hủy nếu có dịch bệnh và không lý giải gì thêm”.

Tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay hơn 450 ngàn con, trong đó, riêng huyện Mỏ Cày Nam chiếm gần 300 ngàn con. Và huyện này cũng là nơi bị cơ quan chức năng phát hiện có sử dụng chất tạo nạc Salbutamol hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Ông Phan Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện có hơn 14 ngàn hộ chăn nuôi heo, thông qua theo dõi 11 trạm trung chuyển heo, mỗi ngày xuất ra thị trường ít nhất 2 ngàn con. Trong đó, chỉ 1 hoặc 2 hộ có sử dụng chất tạo nạc sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn đến những hộ còn lại. Vì thế, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này.

Trong khi tích cực phối hợp với cơ quan của tỉnh kiểm tra, chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng nông nghiệp, các xã tăng cường theo dõi, kiểm tra, phát hiện sẽ phạt nặng và đồng thời sẽ tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.

“Chúng tôi sẽ làm hết mọi trách nhiệm có thể để cuối năm nay, huyện sẽ có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động thực chất và có hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi heo.

Từ đó, người dân thấy rõ việc sản xuất quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại và chú ý đúng mức việc bảo vệ môi trường, tham gia vào chuỗi liên kết là những việc cần thiết nhất, đúng đắn nhất đối với người nuôi nếu muốn phát triển bền vững nghề mình đang làm. Tôi khẳng định, chỉ có cách này người dân mới có nhiều hơn cơ hội tiếp xúc, hiểu rõ và áp dụng hiệu quả trong chăn nuôi heo.

Từ đó, họ sẽ thoát khỏi tình trạng bị lái ép giá và không cần sử dụng chất cấm dù biết đang phạm pháp và vô đạo đức như hiện nay.” - ông Hợp quả quyết.

Sử dụng chất tạo nạc để trộn với thức ăn, nước uống trong chăn nuôi heo, thịt heo sẽ có nhiều nạc hơn ở lưng và lượng mỡ trên cơ thể heo cũng ít hơn nhưng không có khác biệt về mức độ tăng trưởng (cân nặng). Lý do vì hóa chất này giúp gia súc tạo ra nhiều nạc hơn mỡ, màu thịt của gia súc sau khi giết mổ cũng tươi tắn hơn, bắt mắt người mua hơn.

Nếu dùng nhiều thịt heo có chất tạo nạc qua các năm, chúng sẽ có khả năng tích lũy lại trong cơ thể người ăn càng nhiều và gây ra một số bệnh lý nguy hiểm cho con người.

Salbutamol là một chất thụ vận beta (beta-agonist) có tác dụng làm “thư giãn” cơ của các tuyến hô hấp, giúp cho việc hít thở dễ dàng hơn. Salbutamol và các loại thuốc như Epinephrine, Rphridine, Clenbutarol, Cimaterol, Terbutaline và Ractopamine đều là các chất beta-agonist. Salbutamol thường có dạng bột tinh thể màu trắng, tan trong nước, ít tan trong cồn (Ethanol) và Chloroform, kém bền dưới ánh sáng.


Có thể bạn quan tâm

Cánh đồng lớn giúp năng suất mía đạt 100 tấn/hécta Cánh đồng lớn giúp năng suất mía đạt 100 tấn/hécta

Theo Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), vụ thu hoạch năm nay, năng suất mía tại cánh đồng lớn dự kiến đạt từ 90 - 100 tấn/hécta, tăng khoảng 40 tấn/hécta so với năng suất cùng kỳ năm ngoái.

29/10/2015
Phát huy tiềm năng vườn cây ăn quả ở Gò Công Tây Phát huy tiềm năng vườn cây ăn quả ở Gò Công Tây

Hiện nay, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên gần 3.000 ha trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích khoảng 2.400 ha, còn lại là các loại cấy ăn quả có giá trị khác như: thanh long, cây có múi…

29/10/2015
Luân canh dưa hấu trên nền đất lúa cho hiệu quả khá tốt Luân canh dưa hấu trên nền đất lúa cho hiệu quả khá tốt

Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông Mang Thít (Vĩnh Long) đã chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thực hiện khoảng 8ha mô hình luân canh dưa hấu trên nền đất lúa, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 lần trồng lúa.

29/10/2015
Giảm diện tích nhiễm đốm nâu trên cây thanh long Giảm diện tích nhiễm đốm nâu trên cây thanh long

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đốm nâu trên thanh long, thời gian qua các địa phương đã tiếp tục triển khai công tác phòng, chống bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận.

29/10/2015
Từ đầu tháng 10/2015 giá dừa khô tăng trở lại Từ đầu tháng 10/2015 giá dừa khô tăng trở lại

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2015, giá dừa khô bình quân từ 60.000 - 65.000 đồng/chục (12 trái), nhưng đến tháng 7, 8 và 9 giảm chỉ còn 40.000 đồng/chục; thời điểm tháng 9/2015, chỉ còn 35.000 đồng chục.

29/10/2015