Rủi Ro Cao Khi Xuất Khẩu Thanh Long Bằng Đường Tiểu Ngạch

Việc nông dân lệ thuộc vào thương lái, DN lại e ngại làm các thủ tục xuất khẩu theo đường chính ngạch không chỉ làm giá trị trái thanh long giảm sút, mà còn gặp rủi ro cao khi phải xuất bán bằng đường tiểu ngạch.
Hiện nay không phải mùa thanh long, nhưng bằng kinh nghiệm của hàng chục năm trồng thanh long, gia đình bà Tuyết, ở thị trấn Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã xử lý cho 200 trụ thanh long ra quả trái vụ.
Sau 3 tháng chong đèn, cùng nhiều quy trình kỹ thuật khác, vườn thanh long đã cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả, trong đó có khoảng 80% số quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thế nhưng xuất khẩu đi đâu, sự chênh lệch giá giữa thu mua tại vườn với giá bán tại vựa bao nhiêu, những người trồng thanh long như gia đình bà Tuyết đều không biết. Bởi tất cả các khâu thu hoạch, phân loại, định giá bán đều được thương lái thực hiện.
Còn theo nhiều thương lái mua gom thanh long ở tỉnh Bình Thuận, nếu thanh long đạt chuẩn xuất khẩu (xanh vỏ, đỏ thân, trọng lượng đạt từ 0,4 kg trở lên) sẽ có giá cao gấp đôi các loại thanh long tiêu thụ nội địa. Sau khi thu mua gom về lại tiếp tục bỏ cho các vựa để hưởng tiền chênh lệch còn xuất khẩu đi đâu thì họ cũng không biết. Tuy nhiên, tất cả những khâu này đều được thực hiện bằng miệng và tiền mặt nhanh và gọn chứ không qua một hợp đồng mua bán hoặc bất kỳ thủ tục pháp lý nào.
Với diện tích thanh long lên đến hơn 21.000 ha, tổng sản lượng quả mỗi năm ở tỉnh Bình Thuận không dưới 400.000 tấn. Thế nhưng chưa đến 10% trong số này là xuất khẩu chính ngạch, khoảng 10% là tiêu thụ nội địa, còn lại là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch mà phần lớn là sang Trung Quốc.
Cụ thể trong năm 2013, xuất khẩu thanh long chính ngạch của tỉnh Bình Thuận là 25.917 tấn, giá trị 22.633.000USD, nghĩa là sản lượng thanh long xuất khẩu chưa đến 10% sản lượng nông dân sản xuất được.
Ông Trần Quang Bách, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Khi xuất khẩu tiểu ngạch không phải làm thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu mà chỉ mua bán bằng tiền mặt. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp của Bình Thuận bị thương nhân bên Trung Quốc mua mà không trả tiền vì thế độ rủi ro rất cao. Phía địa phương khuyến cáo các doanh nghiệp nên phát triển hình thức buôn bán chính ngạch”.
Hiện nay thanh long tỉnh Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý và xuất khẩu sang khoảng 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản. Tuy nhiên, số lượng thanh long xuất khẩu sang các thị trường này còn khá khiêm tốn.
Thủ tục xuất khẩu rườm rà, mất nhiều thời gian là nguyên do làm cho các doanh nghiệp e ngại xuất khẩu chính ngạch. Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, hiện nay Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với cơ quan hải quan để cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm

Ốc càng xanh là loại ốc được nuôi để làm thức ăn cho tôm sú. Giống ốc này rất dễ nuôi, chỉ cần cung cấp đủ nước, thức ăn và hầu như không bị dịch bệnh. Một điều đặc biệt ở loại ốc này đó là muốn nuôi thì nhất thiết phải đổ vỏ của loại ốc khác xuống hồ để ốc càng xanh rời vỏ sang “ở nhờ”.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra nguồn gốc một số loại cá bày bán tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội nhưng tiểu thương không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại cá, trong đó có cá tầm.

Ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục vừa lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong 2 năm qua, diện tích trồng mít Thái ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) tăng mạnh nên nguồn cung loại mít này cho thị trường ngày càng lớn. Chính vì vậy, hơn tháng nay giá mít Thái đã giảm hơn 17.000 đồng/kg.

Trong Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo 127 TP.Hà Nội (chiều 10/7), ông Nguyễn Văn Hồng - Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội khẳng định: không có cá tầm nhập lậu qua sân bay Nội Bài.