Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rủ Nhau Làm Bưởi Sạch

Rủ Nhau Làm Bưởi Sạch
Ngày đăng: 31/12/2014

Về xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) dịp này, ngoài gạo sạch còn nghe người dân bàn chuyện làm bưởi sạch. Làm bưởi sạch có 4 điểm lợi cùng lúc: giảm được nhiều chi phí mua thuốc trừ sâu, giảm công phun xịt, bớt ô nhiễm môi trường và người tiêu dùng yên tâm.

Toàn huyện Vĩnh Cửu có khoảng 800 hécta bưởi. Riêng xã Tân Bình có 400 hécta trong đó bưởi đang cho trái gần 300 hécta. Mấy tháng gần đây thường xuyên xảy ra dịch ruồi đục trái, nhiều nhà vườn phải hái bỏ từ vài trăm đến hàng ngàn trái bưởi, thất thu khá lớn. Tiếc trái bưởi Tân Triều có giá, nhiều hộ quyết định phun thuốc trừ sâu 5 - 7 ngày/lần cũng không hạn chế được ruồi đục trái.

* Lợi nhiều đường

Ông Võ Tấn Kìa ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình, cho biết: “Gần 3 tháng nay, ruồi đục trái kéo về vùng này làm thiệt hại của bà con trồng bưởi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhìn những trái bưởi đang lớn để bán trong dịp Tết Nguyên đán bị ruồi đục trái, phải vất đi cả đống mà tôi thấy xót. Phun thuốc 10 ngày/lần tốn khá nhiều mà không diệt được. Cũng may Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn bà con cách bao trái lại không thì tôi mất trắng vườn bưởi”.

Theo Th.S Trần Thị Phương Chi, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu, khi xuất hiện dịch ruồi đục trái, cứ buổi chiều về đến các ấp ở xã Tân Bình là nghe nồng nặc mùi thuốc. Chị đã vận động bà con bao trái bưởi lại bằng túi chuyên dụng (bằng vải không dệt), vừa làm bưởi sạch vừa giảm được chi phí phun thuốc và đảm bảo sức khỏe cho người trồng lẫn người tiêu dùng. Sau khi bao trái, các hộ không còn phải phun xịt thuốc mà trái bưởi vẫn lớn và đẹp.

Ông Mai Thành Lễ, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) kể: “Vườn bưởi của tôi đang neo lại chờ bán trong dịp Tết âm lịch cho được giá thì bị nạn ruồi đục trái. Tôi phải bỏ ra gần 1 triệu đồng/sào/tháng để phun thuốc trừ ruồi nhưng vẫn hư hại nặng. Hơn 1 tháng nay tôi làm bưởi sạch, bao trái nên không còn phải phun thuốc nữa”.

* Thêm nhiều vườn bưởi sạch

Vừa nhặt bỏ cả đống bưởi da xanh mỗi trái từ 1,4 - 1,8 kg, ông Huỳnh Công Khải ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình vừa nhẩm tính: “Cứ mỗi trái bưởi da xanh phải bỏ đi, theo thời điểm hiện nay tôi mất từ 60 - 80 ngàn đồng. Giá mà tôi làm bưởi sạch từ sớm sẽ không mất 4 - 5 triệu đồng tiền thuốc và cũng không phải hái bỏ khoảng 500 trái bưởi sâu.

Với số bưởi này đến Tết Nguyên đán giá chỉ cần bằng năm trước, tôi thu hơn 50 triệu đồng”. Theo đó, bao trái thì cả tiền công và tiền mua túi chỉ hết từ 1,5 - 2 ngàn đồng/trái mà lợi ích thu lại rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Giữ, ấp Bình Lục, xã Tân Bình, khoe: “Nhờ làm bưởi sạch, vườn bưởi da xanh của tôi tránh được dịch ruồi đục trái mà tôi không tốn tiền mua thuốc và phun xịt”. Vì làm bưởi theo quy trình sạch nên bưởi của ông Giữ được nhiều người quen tin tưởng đặt mua.

Th.S Trần Thị Phương Chi cho biết: “Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, nhiều người dân Tân Bình chỉ dùng phân hữu cơ chăm sóc bưởi. Đây là quy trình quan trọng trong làm bưởi sạch, tuy nhiên thói quen phun thuốc trừ sâu nhiều người chưa bỏ được. Trong cái rủi có cái may, sau dịch ruồi đục trái này nhiều hộ bỏ hẳn thuốc trừ sâu, tự nguyện làm bưởi an toàn”.

Bưởi Tân Triều hiện nay khoảng 35 - 40 ngàn đồng/trái đường cam, bưởi da xanh trên 40 ngàn đồng/kg. Theo các nhà vườn, do có dịch ruồi đục trái, lượng bưởi bán Tết Nguyên đán Ất Mùi giảm 20 - 30% so với năm trước. Vì thế, một số thương lái đã vào vườn đặt mua bưởi theo giá tết năm trước, khoảng 800 - 900 ngàn đồng/chục bưởi đường cam và 1,4 triệu đồng/chục bưởi da xanh (chục 12 trái).

Tuy nhiên, nhiều nhà vườn chưa nhận cọc, bưởi tết hiếm khả năng giá còn cao hơn. Năm trước, giáp Tết Nguyên đán giá bưởi Tân Triều bán lẻ 1,2 triệu đồng/chục bưởi đường cam, bưởi da xanh 1,6 triệu đồng/chục mà không có hàng.


Có thể bạn quan tâm

Vượt Khó Giành Thắng Lợi Vượt Khó Giành Thắng Lợi

Sản xuất vụ mùa năm 2012 trên địa bàn tỉnh ta không chỉ gặp khó khăn về chi phí đầu tư phân bón, giá nhân công đều tăng cao; khung thời vụ sản xuất trùng với mùa mưa bão, trong khi diễn biến của thời tiết khí hậu lại rất phức tạp và khó lường.

28/06/2013
Trồng Hoa Nghề Mới Cho Nông Dân Pom Lót Trồng Hoa Nghề Mới Cho Nông Dân Pom Lót

Gia đình chị Nguyễn Thị Luyện, đội 3 xã Pom Lót, huyện Điện Biên trồng hoa được 5 năm. Chị tâm sự: Trồng hoa không đơn thuần như trồng rau màu, bởi với cây rau, chỉ cần làm đất, bón phân, gieo giống là đã chắc ăn tới 60 - 70% rồi. Nhưng trồng hoa thì khác, đòi hỏi sự công phu và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

28/06/2013
Đoàn Viên Làm Giàu Từ Nấm Đoàn Viên Làm Giàu Từ Nấm

Bà Đào Thị Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình giao thông Điện Biên, cho biết: Năm 2012, mặc dù ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, địa phương thực hiện giảm đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, công trình chậm thanh toán, lãi suất ngân hàng cao…

28/06/2013
Nuôi Bò Sữa, Nông Dân Mộc Châu Thu Nhập “Khủng” Nuôi Bò Sữa, Nông Dân Mộc Châu Thu Nhập “Khủng”

Trong khi nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn cả nước đang gặp khó khăn thì người dân ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) lại đang làm giàu từ nghề nuôi bò sữa.

28/06/2013
Làm Giàu Trên Quê Hương Biên Giới Làm Giàu Trên Quê Hương Biên Giới

Vài năm trở lại đây, kinh tế xã hội của xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã có những bước phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay giảm còn hơn 30%, trở thành xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện.

28/06/2013