Rót vốn cải tạo vườn tạp

Những năm gần đây, các cây có múi như cam, quýt là cây trồng chủ lực của xã Thạnh Hòa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích vườn trồng nhiều loại cây tạp, hoặc bỏ hoang đất, mà một trong những lý do là nông dân không có vốn đầu tư.
Khấm khá nhờ được hỗ trợ trồng cam, quýt
Ông Phan Văn Lâm - Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Hòa cho biết, trước tình trạng vẫn còn nhiều vườn tạp, đất bỏ hoang, Hội ND đã lập dự án sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) để cho một số hội viên vay cải tạo đất trồng các loại cây có múi như cam, quýt. Dự án trồng cây có múi được thực hiện năm 2012 với 20 hộ tham gia, tổng nguồn vốn Quỹ HTND giải ngân là 500 triệu đồng. Bình quân, mỗi hộ được vay 25 triệu đồng. Nhờ có kinh nghiệm và được hướng dẫn thêm, các hộ vay vốn đều sử dụng hiệu quả. Đến cuối năm 2014, tất cả các hộ nằm trong dự án đều đã hoàn trả vốn tốt, đúng kỳ hạn.
Lão nông Phạm Văn Thương ở ấp 3 chia sẻ: “Năm 2012, nhờ đươc vay vốn từ nguồn Quỹ HTND, tôi chuyển 5ha đất vườn tạp sang trồng cam. Năm vừa rồi tôi thu hoạch vụ đầu. Năm nay vụ thứ 2 ước tính ít nhất cũng thu hơn 80 triệu đồng. Các năm sau, cây trưởng thành cho quả sai, tôi sẽ thu lợi nhiều hơn...”. Cũng là một hộ tham gia dự án, ông Nguyễn Văn Trải – Chi hội trưởng Chi hội ND ấp 3 bộc bạch: “Hồi trước tôi trồng sầu riêng nhưng không hiệu quả, vì đất không phù hợp. Tôi cunũng muốn chuyển cây khác mà chưa có vốn. Đến khi được vay vốn Quỹ HTND, tôi cải tạo đất và chuyển sang trồng cam sành, cam xoàn, quýt. Những loại cây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn sầu riêng...”.
Thêm niềm tin vào tổ chức hội
Theo ông Nguyễn Văn Trải, nguồn vốn từ Quỹ HTND thực sự đã giúp nhiều ND có điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời tạo được niềm tin vào Hội. Nhiều hộ trước đây chưa là hội viên Hội ND, khi thấy hiệu quả mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây có múi đã tình nguyện tham gia sinh hoạt chi, tổ hội. Thông qua các mô hình kinh tế do dự án rót vốn đã góp phần tăng thu nhập của ND.
Ông Nguyễn Thành Quyến – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phụng Hiệp cho biết: “Không chỉ dự án ở xã Thạnh Hòa, việc cho vay và thu lãi, thu nợ các dự án khác của Quỹ HTND trên địa bàn rất tốt. Điều này cho thấy, nguồn vốn từ Quỹ HTND thực sự có hiệu quả, giúp hội viên, ND có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, các dự án cho vay đều chú trọng phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương để nâng cao hiệu quả đồng vốn”.
Theo đánh giá chung, Hội ND huyện Phụng Hiệp đã quản lý nguồn vốn và tiến hành bình xét chọn đối tượng cho vay theo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên. Ngoài việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội quản lý quỹ, Hội ND huyện thường xuyên kiểm tra từng hộ về việc có sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hay không, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh...
Có thể bạn quan tâm

Phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, hiện đơn vị đang triển khai thí điểm một số mô hình nuôi trồng thủy sản mới như: nuôi cá thác lác cườm ở Cẩm Kim, nuôi cua trong ao đất ở Cẩm Thanh, nuôi tôm càng xanh ở Thanh Hà. Đơn vị cũng vừa du nhập thêm một số giống hoa mới để tổ chức nhân giống phục vụ nông dân sản xuất hoa cây cảnh. Được biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Hội An trong quý 1/2012 đạt hơn 39 tấn, hơn 10% kế hoạch.

Những ngày qua, việc tôm thẻ chân trắng tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị bệnh lạ đang là đề tài thời sự, khiến hàng trăm hộ nuôi tôm tại tỉnh Nghệ An phân tâm và lo lắng.

Quý I/2012 trôi qua với đầy sóng gió cho hàng loạt mặt hàng nông sản XK của nước ta, đặc biệt là mặt hàng điều và cà phê. Duy nhất chỉ hồ tiêu vẫn giữ được “phong độ” khi giá bán ngay từ đầu niên vụ mới 2012 đã cao gấp 30% so với cùng kỳ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

Trong khi nhiều nông dân khốn đốn với các loại cá da trơn xuất khẩu, thì ở ấp Đông Phước, xã Đông Bình, Huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, hàng chục hộ dân lại ăn nên làm ra khi chọn mô hình ương cá tra giống.

Huyện Phú Quý (Bình Thuận) không những được thiên nhiên ban tặng là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn, đa dạng và phong phú mà còn là nơi có tiềm năng nuôi trồng thủy sản như khu vực Lạch Dù, Mộ Thầy. Chỉ tính hai nơi này diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản trên 5 ha.