Rong Sụn Thắng To!

Không chỉ được mùa, mà giá rong sụn cũng tăng gấp đôi hiện đang ở mức từ 7.000- 8.000 đ/kg đối với rong giống và rong thương phẩm 4.000 đ/kg.
Hiện ngư dân ven biển ở huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đang thu hoạch rong sụn trong không khí phấn khởi, được mùa được giá.
Chúng tôi về thôn Thuỷ Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, những ngày này dọc theo bãi triều ngư dân đang tấp nập thu hoạch rong sụn.
Ngư dân Nguyễn Nhành, thôn Thuỷ Triều có thâm niên 15 năm trồng rong sụn cho biết: “Năm nay sản lượng rong sụn giống đạt cao, trung bình 1ha diện tích mặt nước thả nuôi thu hoạch từ 8-10 tấn rong tươi, trong khi các năm trước chỉ thu được từ 7-8 tấn rong tươi/ha.
Không chỉ được mùa, mà giá rong sụn cũng tăng cao, hiện đang ở mức từ 7.000- 8.000 đ/kg đối với rong giống và rong thương phẩm 4.000 đ/kg tức là gấp hơn 2 lần so với năm ngoái”.
Ông Nhành còn cho biết, trồng rong sụn rất dễ, không tốn nhiều công chăm sóc. Với diện tích 1,5 ha trồng rong giống, sau khi thu hoạch trừ tất cả chi phí gia đình ông lãi vụ này gần 20 triệu đ/ha nên rất phấn khởi.
Hộ gần bên ông Nhành là gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc, người cùng thôn cũng vừa thu hoạch rong sụn với diện tích 3 ha, bán lãi hơn 100 triệu đồng.
Gặp chúng tôi, chị Ngọc hồ hởi: “Trồng rong sụn mà được mùa được giá như năm nay thì bà con rất yên tâm. Vụ này người trồng rong sụn còn không phải lo đầu ra, vì các thương lái đưa xe đến tận nơi thu mua. Có bao nhiêu rong họ đều mua bấy nhiêu chứ không chọn lựa, vì rong ở đây trồng rất đạt”.
Trồng rong sụn là một trong những giải pháp xử lý sinh học có hiệu quả, nhằm cải thiện chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng thủy hải sản. Thành phần hóa học chủ yếu của rong sụn là Carrageenan, đó là chất phụ gia tốt nhất trong công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, y dược.
Ông Lê Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Cảm Hải Đông cho biết: Toàn xã có 12 hộ trồng rong sụn với diện tích khoảng 14 ha, chủ yếu trồng bằng hình thức dây đơn căng trên đáy. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, rong sụn không bị hư hại, giá bán lại cao nên bà con lãi khá và có vốn đầu tư cho vụ sau.
Còn tại các phường Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc (TP Cam Ranh) hiện bà con cũng đang tích cực thu hoạch rong để bán.
Anh Lê Văn Hoàng, tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc, một người trồng rong sụn tại đây cho biết, giá rong sụn tươi hiện được thương lái thu mua ở mức từ 3.500- 4.000 đ/kg, còn rong khô 27.000-28.000 đ/kg, tăng từ 2.000-5.000 đ/kg so với năm ngoái. Năm nay gia đình anh trồng hơn 1 ha, áp dụng phương pháp trồng rong trong lồng lưới nên năng suất, chất lượng rong đạt cao.
Nhiều hộ dân trồng rong sụn còn cho biết thêm, việc trồng rong sụn trong lồng lưới năng suất, chất lượng tốt hơn hẳn so với cách trồng lâu nay là trồng dây đơn trên đáy. Ưu điểm của mô hình này là khắc phục được tình trạng cá, cua cắn phá và rong bị thất thoát do bị rụng. Hơn nữa khi áp dụng mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới có thể trồng được quanh năm.
Trung bình mỗi 1ha diện tích mặt nước trồng rong sụn hết khoảng 0,5 -1 tấn giống, tùy theo mật độ trồng dày hay thưa. Nếu trồng 1 tấn rong theo phương pháp dây đơn trên đáy, sau 6 tháng nuôi trồng thuận lợi thì thu hoạch được khoảng 30 tấn tươi, tương đương 4 tấn khô, còn trồng rong trong lồng lưới thu hơn 50-70 tấn tươi (7-10 tấn khô)...
Được biết, rong sụn là loại thực vật dạng Thallus (chưa phân hóa thành thân, rễ thật sự) sống bằng quang hợp, có khả năng hấp thu các muối dinh dưỡng, chủ yếu là nitơ và phốtpho để tổng hợp thành các chất hữu cơ nên có tác dụng làm giảm lượng vật chất hữu cơ trong nước.
Có thể bạn quan tâm

Báo cáo của hiệp hội gia cầm Việt Nam cho biết, năm 2013 cả nước có gần 320 triệu con gia cầm, trong đó chủ yếu là nhỏ lẻ. Bên cạnh thiếu liên kết giữa các khâu còn rất yếu thì việc định hướng thị trường cũng chưa chính xác do số liệu của tổng cục thống kê mới chỉ bẳng 35% so với thực tế.

Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.

Để quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), góp phần ổn định và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng ven biển, UBND xã Nhơn Hải vừa phối hợp với Ban quản lý Dự án Vì sự phát triển bền vững NLTS ven bờ (CRSD) và Chi cục Khai thác-Bảo vệ NLTS tỉnh thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ (ĐQLNCVB) xã Nhơn Hải.

Hà Nội có diện tích ao hồ, sông suối lớn rất có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên các hệ thống sông, hồ của TP đang bị suy giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, bảo vệ NLTS là biện pháp cấp thiết để đảm bảo phát triển ngành thủy sản bền vững.

Theo các cơ quan hữu quan, vào thời điểm giữa tháng 9/2014, giá tôm sú giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 248.000 đồng/kg (20 con/kg); giá tôm thẻ tăng 2.000 đồng/kg lên mức 133.000 đồng/kg (60 con/kg)... với giá này, nông dân vẫn có lợi nhuận.