Rong Sụn Được Mùa, Được Giá

Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, vụ rong sụn ở Cam Lâm (Khánh Hòa) được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi.
Cam Hải Đông những ngày này đang vào vụ thu hoạch rong sụn. Đây là địa phương có thế mạnh về trồng rong sụn của huyện. Năm nay, gia đình anh Hồ Ngọc Sơn (thôn Thủy Triều) trồng 1,5ha rong sụn. Năm ngoái, do thời tiết thất thường nên rong sụn nhà anh bị hỏng nhiều, không lãi. Năm nay, tình hình khá hơn nhiều.
“Nhà tôi thu hoạch 7 - 8 tấn tươi, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Giá bán cũng cao hơn năm ngoái 2.000 đồng/kg, đạt 6.000 đến 7.000 đồng/kg rong sụn tươi, rong khô 27.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg” - anh Sơn phấn khởi nói. Tính ra, với tỷ lệ 8 - 9kg rong tươi phơi được 1kg rong khô, với giá bán này, gia đình anh Sơn lãi khoảng hơn 15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chính, khuyến nông viên xã Cam Hải Đông cho biết: “Toàn xã có 12 hộ trồng rong sụn với diện tích khoảng 14ha. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, rong sụn không bị hư, nông dân trong xã đang rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Trừ chi phí, nếu trồng hơn 1ha cho lãi từ 15 đến 20 triệu đồng”.
Cũng như nông dân Cam Hải Đông, người trồng rong sụn ở các xã khác rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hai (thị trấn Cam Đức) cho biết: “Nhà tôi trồng 1,5ha rong sụn, năng suất đạt khoảng 7 tấn tươi. Cùng diện tích này, năm trước chỉ thu được 4 tấn tươi. Trừ chi phí, năm nay tôi lãi hơn 15 triệu đồng”.
Theo ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có 3 - 4 hộ trồng rong sụn với diện tích khoảng 1,5ha. Năm nay, hầu như nhà nào trồng rong sụn cũng có lãi. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi, nguồn nước không bị ô nhiễm...
Theo người dân những địa phương trên, rong sụn được trồng từ tháng 12 âm lịch. 1 tháng sau khi trồng, rong bắt đầu phát triển và có thể thu hoạch từ cuối tháng 3 âm lịch trở đi. Trong điều kiện thuận lợi, rong sụn có thể đạt 6 - 8 tấn/ha. Rong sụn dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thích hợp với các hộ ít vốn.
Để trồng 1ha rong sụn, chỉ cần đầu tư ban đầu khoảng 14 triệu đồng (gồm tiền giống, cọc dây, công chăm sóc...). Từ những vụ sau, nếu người nuôi biết tự nhân giống (ngắt ngọn rong sụn đang phát triển tốt, cột lại từng chùm thả xuống nước nuôi và đưa vào trồng ở vụ sau) thì lãi sẽ tăng gấp 2 - 3 lần. Chính vì chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận khá nên cuộc sống của nhiều gia đình trồng rong sụn cũng bớt khó khăn hơn trước.
Có thể trồng rong sụn bằng nhiều hình thức khác nhau như: Trồng đáy, trồng bằng giàn bè, trồng bằng hình thức dây đơn căng trên đáy... Trong đó, phương pháp trồng bằng dây đơn căng trên đáy được áp dụng rộng rãi và được đánh giá có nhiều ưu điểm. Ở các khu vực nước sâu, có thể trồng theo phương pháp giàn bè có phao nổi; xung quanh bao lưới để giảm sóng, tránh cá tạp ăn. Rong giống được buộc vào các dây căng, tùy điều kiện và cách trồng mà quyết định vật liệu làm khung...
Tuy có những lợi ích thiết thực, nhưng việc người dân kiếm thu nhập bằng nghề trồng rong sụn cũng ẩn chứa bấp bênh bởi rong sụn phát triển phụ thuộc khá nhiều vào môi trường tự nhiên, đầu ra chưa ổn định... Người dân mưu sinh bằng nghề trồng rong sụn vẫn mong cơ quan chức năng có giải pháp giúp họ nâng cao sản lượng và ổn định đầu ra.
Ông Nguyễn Ta - Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Ở Cam Lâm, rong sụn trồng tập trung ở xã Cam Hải Đông, khu vực đầm Thủy Triều. Hiện nay, người dân trồng rong sụn chủ yếu mang tính tự phát. Huyện không khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích rong sụn.
Có thể bạn quan tâm

Lo ngại thịt heo chứa chất cấm nên người dân chuyển hướng tiêu dùng khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là cá da trơn đang tăng rất mạnh.

Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay các nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn, phải “ôm” hàng trăm ngàn tấn đường vì thị trường tiêu thụ ế ẩm…

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo trang trại là hình thức sản xuất đang có xu hướng ngày càng phát triển ở tỉnh Ninh Thuận… Nhờ chủ động được nguồn giống, công tác phòng chống dịch bệnh và nguồn thức ăn, nên chăn nuôi theo hình thức trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trang trại chăn nuôi gà “siêu trứng” với hơn 9.000 con của anh Vũ Yên Sơn, ở thôn Suối Giếng (xã Công Hải, Thuận Bắc).

Nhiều hộ dân ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đang có nguồn thu nhập 70- 80 triệu đồng/ha từ vụ màu, chủ yếu trồng dưa hoàng kim, dưa hấu, bí xanh… xen canh trên đất lúa.

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, được nhận học bổng và học thạc sĩ tại ĐH Southern Taiwan (Đài Loan), nhưng chàng trai 8X Nguyễn Hoàng Hà đã từ bỏ nhiều cơ hội làm việc ở thành phố để về quê… nuôi lợn.