Rộn ràng mùa gặt

Hiếm có năm nào như vụ hè thu 2015, trận nắng lịch sử kéo dài 37 ngày khiến mặt đất lúc nào cũng như có lửa nung. Thời vụ trôi qua gần nửa tháng trời, đồng vẫn khô cạn, phải khó khăn lắm bà con nông dân mới chắt chiu được những giọt nước quý hiếm để làm đất, gieo cấy.
Hơn 3 tháng trôi qua, ông Thái Văn Hồng - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Sơn Ninh (Hương Sơn) vẫn nhắc đến cảm giác bồn chồn, lo lắng những ngày gồng mình cứu lúa: “Hơn 100 ha gieo cấy, giữa cái nắng 40oC, chúng tôi phải vác máy bơm dã chiến chạy khắp tuyến kênh tìm nước tưới.
May mà, sau đợt hạn hán khốc liệt thì thời tiết dịu hơn, mưa xảy ra đều đặn suốt mùa. HTX chúng tôi đã bắt đầu vào mùa gặt được 2 ngày, lúa đều, đẹp và hạt chắc lắm. Chắc chắn năm nay được mùa to”.
Trên vựa lúa Cẩm Xuyên, những con “trâu sắt” tiếp tục ầm ù, miệt mài gom thóc. Nơi nào có máy gặt đập liên hợp là nơi đấy rộn rã tiếng hỏi chuyện, nói cười của bà con nông dân. Người chờ thu thóc mới, người chờ đến lượt thuê máy.
Còn những nơi chưa chín rộ, bà con cũng tranh thủ thu hoạch “tỉa” bằng chiếc máy cầm tay, không khí náo nức, rộn rã cả một vùng. Khi chúng tôi đến, thửa ruộng P6 của gia đình ông Đặng Văn Thắng (thôn Kênh, Cẩm Thành) chỉ còn lại một góc nhỏ. Mới chỉ 2 ngày, ông bà đã thu hoạch được 8 sào.
Những bó lúa nặng trĩu, chắc nịch không xuể tay người ôm lần lượt được gùi lên bờ. Ông Thắng vui vẻ: “Năm nay, tôi làm toàn giống chất lượng, năng suất cao: P6, Thiên ưu 8 và KD 18. Năng suất lúa vụ này phải đạt 2,8-3 tạ/sào, cao hơn vụ hè thu trước 0,3 - 0,5 tạ/sào. Gia đình tôi còn 1 mẫu giống KD 18 nữa, chắc 3-4 ngày tới sẽ thu hoạch gọn, trời có mưa lụt cũng yên tâm rồi”. Từ Cẩm Thành, ngược lên Cẩm Duệ, Cẩm Quan, không khí thu hoạch đã khá rầm rộ.
Chị Hoàng Thị Thành (thôn 3, Cẩm Quan) cho biết: “Mấy ngày nay, máy gặt đập liên hợp về liên tục nên tiến độ thu hoạch nhanh lắm. Nhà tôi làm 4 sào, đây là thửa ruộng đầu tiên được gặt. Nhờ trời, năm nay, ít sâu bệnh nên năng suất cao hơn nhiều so với mọi năm, chắc chắn được 2,8 tạ/sào”.
Hiện nay, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 10% diện tích. Theo đánh giá bước đầu thì năng suất bình quân lúa hè thu 2015 của huyện Cẩm Xuyên dao động từ 55-56 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. “Bí kíp” của thành quả ấy chính là sự chủ động của địa phương trong việc chỉ đạo xuống giống tập trung, đồng nhất giống, đồng nhất trà và ưu tiên cho dòng giống chất lượng.
Mùa vàng.
“Một ngày nắng bằng vạn ngày mưa”, đối với vụ hè thu mà nói thì thu hoạch sớm được ngày nào hay ngày ấy, trước khi mưa lũ đổ về coi như thắng lợi. Bởi thế, dù mới bắt đầu bước vào thu hoạch thì bà con nông dân Thạch Hà đã “vắt chân lên cổ” chạy kịp trời.
Anh Nguyễn Văn Thành (Liên Vinh, Thạch Đài) cho biết: “Mấy hôm nay, nghe thời tiết báo sắp mưa, lúa chưa vào bồ là đang phải lo. Ruộng mới chín lác đác, cứ chín đến đâu là vợ chồng tôi thu hoạch đến đấy. Vụ hè thu này thì thóc phải về nhà mới coi là thắng lợi”.
Cách đây khoảng 3-4 năm, Thạch Ngọc luôn là xã “đì đẹt” nhất huyện về tiến độ thu hoạch hè thu. Nguyên nhân chính là bà con sử dụng cơ cấu giống không hợp lý. Mấy năm nay, nhờ chuyển đổi sang 100% giống ngắn ngày nên thời gian thu hoạch được rút ngắn, lúa hè thu “chạy nhanh” hơn mưa lụt. Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Toàn xã đã thu hoạch được khoảng 10% diện tích (tổng diện tích trên 400 ha).
Năm nay, xã đầu tư thêm máy gặt đập liên hợp, đưa tổng số máy lên 6 cái, đủ phục vụ nhu cầu cho bà con. Nhờ vậy, tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh, khoảng 1 tuần nữa thì chúng tôi sẽ hoàn thành.
Tại cuộc họp mới nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã nhấn mạnh: Đối với vụ hè thu thì “sớm một ngày, hay một điều”, mục tiêu “ăn chắc”, an toàn phải đưa lên hàng đầu. Vì thế, các địa phương phải tập trung chỉ đạo bà con ra đồng thu hoạch nhanh, gọn; lúa chín 70-80% có thể gặt, cần chủ động trước diễn biến mưa lũ khó lường.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 6/8/2013, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo với chủ đề “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam”. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Dũng, cùng đông đảo các nhà khoa học trong, ngoài nước và đại diện của hơn 30 tỉnh, thành phố có diện tích thả nuôi tôm nước lợ trong cả nước.

Thông qua Hội nông dân Lào Cai, Trung ương Hội nông dân Việt Nam vừa đầu tư cho vay 300 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi ngựa sinh sản thí điểm tại xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn.

Mưa lớn kéo dài trong dịp cuối tháng 7 và ảnh hưởng của cơn bão số 5 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích rau ở các vùng ngoại thành Hà Nội bị ảnh hưởng, năng suất giảm mạnh. Mặc dù giá rau có tăng do sản lượng giảm nhưng nông dân vẫn buồn vì thất thu.

Chỉ với 1 sào đất, người nông dân có thể thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rau. Thực tế đó đang khiến nhiều hộ dân ở khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long, Bình Phước) hy vọng trong tương lai mô hình sản xuất này sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.

Chưa bao giờ nông dân nuôi cá tra lâm vào cảnh bi đát như hiện nay khi mà hơn 90% đã bỏ nghề do lỗ kéo dài, mắc nợ ngân hàng. Số còn lại cầm cự sống được là nhờ có mô hình, hợp đồng nuôi liên kết với doanh nghiệp.