Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín

Chúng tôi muốn tham quan các vườn cây trái đẹp, nhưng thôn trưởng Võ Văn Lộc lắc đầu, vì hơn 70 hộ tạm trú làm vườn đều đã đóng cửa nhà đi chơi, ăn tết Đoan ngọ. Trong thôn chỉ còn một số nhà, trong đó có ông mà ông thì cũng đang rộn ràng với tết…
Bốn mùa cây trái
Không quanh co, dốc, quang cảnh hùng vĩ như đường lên vùng cây trái Tà Pứa (Tánh Linh), đường vào vùng cây trái Rô Mô (Đức Linh) nhỏ, cứ như len qua lớp lớp vườn tược bao phủ xung quanh. Ở trạng thái đi như thế nên khi phát hiện những vòm cây trĩu quả chôm chôm còn xanh ở ven đường, nghe mùi thơm trái cây thoang thoảng là biết đã đến Rô Mô, một thôn chuyên canh cây trái của Đa Kai, cách trung tâm xã chưa đầy 10km. Bây giờ Rô Mô đang mùa sầu riêng. Không trung thơm lừng mùi hương của trái chín. Thêm nữa, tại điểm thu mua trái cây trong thôn, toàn sầu riêng với sầu riêng.
Nhìn hình dáng, màu sắc trái, dù không phải là dân nhà vườn nhưng tôi có thể nhận biết vùng này trồng đến hơn 10 loại sầu riêng. Loại ăn ngon, bán chạy nhất là sầu riêng hạt lép, múi vàng ươm, giá 25.000 đồng/kg; tiếp đến loại sầu riêng múi trắng, béo, giá 22.000 đồng/kg; loại trái nhỏ, hạt to, giá 15.000 đồng/kg… Một trái sầu riêng nặng từ 2 - 3 kg nên bán được từ khoảng 40.000 - 80.000 đồng, gấp đôi cùng thời điểm này của năm trước. Nếu quy ra cả tấn, ai cũng cảm nhận sầu riêng đang được giá, nhà vườn trúng lớn.
Theo giải thích của các điểm mua trái cây, giá năm nay cao là do lượng trái ít hơn mọi năm. Nguyên nhân, đầu tháng 5 vừa rồi, lốc xoáy làm rơi rụng khoảng 200 tấn trái, trốc gốc hơn trăm cây… Mất mùa được giá, đối với mặt hàng trái cây là lẽ thường. Riêng đối với những nhà vườn ở Rô Mô, điều đó càng bình thường hơn, vì từ lâu, họ có cách trồng trọt khoa học cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mùa nào trái ấy, nên nguồn thu giữa các mùa có sự bổ trợ nhau. Còn nhớ trước năm 2006, ngoài chôm chôm, sầu riêng rải rác, Rô Mô tràn ngập quýt đường.
Nhưng bây giờ, ở vùng đất thấp khoảng 700 ha này chỉ còn chủ yếu 2 cây, loại có giá trị kinh tế cao là chôm chôm nhãn, sầu riêng. Còn trên vùng đồi là bạt ngàn chuối, điều. Mùa sầu riêng rồi sẽ kết thúc vào cuối tháng 7, sau đó là chôm chôm và kéo dài đến tháng 9, tiếp đến là chuối tết, sau chuối là hạt điều, lai rai thu hoạch đến tháng 4, rồi sầu riêng lại trổ bông… Cứ thế, 4 mùa đều cây trái…
“Hương” sầu riêng
Chúng tôi muốn tham quan các vườn cây trái đẹp nhưng thôn trưởng Võ Văn Lộc lắc đầu, vì 70 hộ tạm trú làm vườn ở đây đều đi chơi, ăn tết Đoan ngọ; khoảng 80 hộ khác ở Đồng Nai có đất vườn ở đây thì sáng đi tối về, không đăng ký tạm trú, hôm nay cũng nghỉ làm.
Trong thôn chỉ còn nhà của 5 hộ thường trú, trong đó có nhà trưởng thôn mà ông cũng đang rộn ràng với tết. Những vườn cây với hàng rào ken dày cao quá đầu người, nhưng không che được hết từng vòm cây chi chít chôm chôm nhãn còn xanh, những quả sầu riêng lủng lẳng trên cành nằm ở ven đường, càng khiến những người khách như chúng tôi tò mò. Trưởng thôn Lộc kể: An ninh trật tự ở thôn rất tốt.
Người dân chấp hành mọi quy định và hơn thế còn giúp đỡ nhau (nhất là trong đợt khô hạn rồi) như để chứng minh chuyện đóng cửa vườn lúc cây trái chín, đi chơi là chuyện rất thường. Vùng này khí hậu luôn mát mẻ, có con suối lớn dồi dào nước thuận lợi cho việc làm vườn. Người dân Đồng Nai sau khi phát hiện vùng đất này, đã cùng người dân ở các xứ khác đến đây lập nghiệp, hình thành nên vùng chuyên canh cây trái như hiện nay.
Thế nhưng, mùa khô năm nay, suối bị cạn nước 2 tháng, các giếng khoan của nhà vườn đều bị tụt nước nghiêm trọng khiến ai cũng dáo dác tìm nơi khoan thêm giếng. Có nơi khoan tới 38m mới có nước, có nơi gần đến 50m nhưng cũng chỉ chảy rỉ rả nên các nhà vườn đã san sẻ nước tưới cho nhau. Nhờ vậy, bây giờ có được mùa sầu riêng nhiều hương vị…
Đức Linh đã vào mùa mưa. Vào tết Đoan ngọ, ở đây trời thường mưa nhiều đến xối xả, ngay cả Rô Mô. Chúng tôi vừa rời đi thì mưa sầm sập kéo đến. Tôi bỗng nhớ câu nói của trưởng thôn này: “Mưa nhiều, thời tiết mát chôm chôm đậu mới đạt”… hy vọng Rô Mô rồi sẽ trúng mùa chôm chôm.
Mỗi nhà vườn thu 100 triệu đồng/ năm
Theo thống kê cứ 1 ha, nhà vườn ở Rô Mô thu bình quân 100 triệu đồng/năm, trong đó chi phí chiếm từ 30 -40 triệu đồng. Phần lớn hộ dân ở Rô Mô có từ 1 - 3 ha, nên đây là thôn có nhiều người khá giả...
Có thể bạn quan tâm
Mưa kèm theo gió lớn hồi tuần qua làm nhiều ruộng lúa Hè Thu đến kỳ thu hoạch bị đổ ngã. Không chỉ ảnh hưởng năng suất, chất lượng mà giá bán cũng giảm theo. Nhiều nơi thương lái kỳ kèo, bỏ cọc, hạ giá mua lúa.
Tổng diện tích đất lúa trên toàn huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) là khoảng 9.000 ha nhưng diện tích thực thụ có cây lúa chỉ khoảng 2.300 ha. Điều này chứng tỏ phần lớn các loại cây trồng khác đang “sống nhờ” trên đất lúa, trong đó có cây nhãn và cao su.

Sáng ngày 1/7, anh Nguyễn Văn Dự (nhân viên Công ty trà Atiso Ngọc Duy, phường 12, Đà Lạt) không nhận ra vườn Atiso do mình trồng vì chỉ qua một đêm hơn 3.000 cây Atiso đã bị trộm nhổ sạch.

Cô Nguyễn Thị Thu (xã Long Điền B, Chợ Mới, An Giang) cho biết, giá nấm rơm hiện khá cao, từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Trên diện tích 2.000m2 trồng nấm, mỗi ngày gia đình cô thu hoạch từ 250 – 300kg, trừ các khoản chi phí lãi gần 50 triệu đồng/vụ.

Nắng nóng kéo dài khiến các diện tích ngô của người dân ở các xã Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị mất mùa nghiêm trọng, người dân buộc lòng phải bán tháo ngô cây để giảm bớt thiệt hại về kinh tế.