Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau, thịt sạch khan hiếm

Rau, thịt sạch khan hiếm
Ngày đăng: 20/10/2015

Khi sử dụng các mặt hàng thuộc “chuỗi thực phẩm an toàn” (gọi tắt là chuỗi), người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng vì đã được kiểm soát từ nuôi trồng đến chế biến, kinh doanh với sự phối hợp quản lý của cơ quan chức năng TP HCM và các địa phương cung cấp.

Thế nhưng, khi ra thị trường, những sản phẩm này vẫn chịu cảnh “vàng thau lẫn lộn”, còn người tiêu dùng muốn mua cũng không dễ.

Bán âm thầm, mua không biết

Cửa hàng kinh doanh trứng và thịt gà Long Bình (dưới chân cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP HCM) có diện tích mặt bằng khá nhỏ.

Nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi không thể biết các sản phẩm thịt gà tại đây đã kiểm soát kháng sinh, chất cấm hết sức kỹ lưỡng vì trên bao bì chỉ ghi các thông tin bắt buộc như tên sản phẩm, nhà sản xuất, điều kiện bảo quản… mà không kèm bất kỳ chứng nhận nào.

Tuy vậy, cửa hàng luôn đông người mua, nhất là buổi sáng, 4 nhân viên tất bật lấy hàng, thu tiền của khách để không gây ùn tắc giao thông.

Giá bán cũng khá mềm, gà thả vườn 50.000 đồng/kg, ức 36.000 đồng/kg, đùi từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, lòng gà 34.000 đồng/kg, đầu gà 13.000 đồng/kg… Chủ cửa hàng cho biết hầu hết thịt gà được bán trong ngày, hiếm khi có hàng tồn, nếu khách mua buổi sáng thì gà giết mổ đêm trước, nếu mua buổi chiều thì gà mổ sáng cùng ngày.

Điểm bán này là chi nhánh của Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (Đồng Nai), đơn vị đã được TP HCM cấp chứng nhận tham gia chuỗi vào tháng 3-2015.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện công ty, xác nhận đơn vị chưa gắn logo chuỗi và cũng không gắn logo VietGap (thực hành chăn nuôi tốt) dù được phép.

“Mỗi ngày, chúng tôi cung cấp cho thị trường TP HCM từ 8.000 - 10.000 con gà thịt với giá bán bằng giá hàng thường.

Điều này có thiệt thòi cho doanh nghiệp (DN) nhưng người tiêu dùng được hưởng giá rẻ mà chất lượng không kém các sản phẩm đã được gắn nhãn sạch.

Nếu vội vã gắn nhãn mà chưa có sự chuẩn bị, cung không đủ cầu sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm thì dễ bị làm giả, khi ấy đi giải quyết còn khổ hơn” - ông Phi Long lý giải.

Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng có sản phẩm thịt heo được chứng nhận chuỗi (trang trại - lò mổ - quầy thịt) nhưng ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty, cho biết chưa vội công bố hay quảng bá mà tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hơn.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, đến nay, chỉ sản phẩm trứng gà của Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thanh niên Xung phong (Adeco), DN đầu tiên có chứng nhận vào năm 2013, sử dụng logo chuỗi.

Còn phải chờ...

Ông Phan Xuân Thảo cho biết hiện thị phần của các sản phẩm đạt chứng nhận chuỗi còn nhỏ.

Ví dụ, thịt heo mới có Vissan và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đạt chứng nhận với sản lượng 350 con/ngày, trong khi lượng thịt heo tiêu thụ tại TP lên đến 10.000 con/ngày (chưa kể thịt đông lạnh nhập khẩu).

Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều DN được chứng nhận, trong đó có sự tham gia của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (CP), hy vọng khi đó thị phần của các sản phẩm chuỗi được mở rộng.

Đối với chuỗi rau, theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Thực vật TP HCM, đã thẩm định được 20 cơ sở (tại TP HCM, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang) với sản lượng 90.000 tấn/năm gồm bắp cải, cà chua, cà rốt, rau muống hạt, khổ qua, dưa leo nhưng cũng chưa được nhận diện do chưa gắn nhãn.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM, cơ quan đầu mối của ban quản lý đề án chuỗi, cho biết đã ký rất nhiều quyết định cho phép các cơ sở được cấp chứng nhận sử dụng logo chuỗi (miễn phí) nhưng việc dán là quyền của cơ sở.

“Có thể họ còn bao bì cũ chưa sử dụng hết nên chưa in đợt mới” - ông Hòa nhận định.

Làm “chuỗi” không phải dễ

Theo các đơn vị tham gia đề án chuỗi, để đạt được các tiêu chuẩn và được chứng nhận là vô cùng khó khăn vì kiểm soát cả quá trình nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, kinh doanh, khắc phục được điểm yếu quản lý kiểu “cắt khúc” như hiện nay khiến việc kiểm soát có nhiều khoảng hở dẫn đến mất an toàn thực phẩm.

Phó chủ nhiệm một HTX trồng rau tại TP HCM nhận định trồng rau VietGap đã khó nhưng đây chỉ mới là tiền đề để tham gia chuỗi, người trồng còn phải tuân thủ nhiều quy định, tốn rất nhiều công sức để theo đuổi chuẩn chuỗi.

Ngay sản phẩm thịt sạch chuẩn VietGap mới được mở bán tuần qua tại chợ Hòa Bình (quận 5) cũng chưa đạt được chuẩn này mà còn phải tiếp tục hoàn thiện.

Với thịt, vật nuôi phải tuân thủ quy trình thực hành tốt (Gap), nơi giết mổ phải đạt loại A (TP HCM có 21 lò mổ bò, heo, gà nhưng chỉ duy nhất lò mổ của Vissan đạt loại A), nếu lò mổ loại B thì phải có lộ trình đạt loại A trong 6 tháng (không phải lò mổ nào cũng có khả năng).

Theo quy chế chuỗi, ban quản lý sẽ có trách nhiệm giới thiệu các cơ sở tham gia chuỗi trên phương tiện truyền thông và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản phẩm thuộc chuỗi vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Những sản phẩm nào đã đạt chuỗi?

Theo danh sách được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM công bố, các cơ sở được chứng nhận chuỗi gồm: trứng gà Adeco, Ba Huân, Vương Huỳnh, trứng Nhiên; thịt gà Bình Minh, Long Bình, Phạm Tôn; thịt heo Vissan, Sagrifood.

Nhóm rau quả gồm: HTX Ngã Ba Giồng, Anh Đào, Phú Lộc, Phước An, Thảo Nguyên, Tân Trung, Cầu Tre (trà ô long).

Nhóm thủy sản có nước mắm cá cơm Hưng Thịnh Phú Quốc, cá thác lác Tân Vĩnh và Tân Hậu Giang


Có thể bạn quan tâm

Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình? Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình?

Làm thế nào để người dân nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (ntts) tỉnh - đó là trăn trở của các cán bộ chuyên trách địa phương và của các chuyên gia lâu năm trong ngành ntts.

10/08/2015
Mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao Mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao

Vốn đầu tư thấp, tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác… là những lợi ích mang lại từ mô hình lúa - tôm kết hợp. Việc nhân rộng mô hình này đã giúp nông dân trong vùng chuyển đổi ổn định cuộc sống.

10/08/2015
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại nặng do mưa lũ Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại nặng do mưa lũ

Trận mưa lụt lịch sử diễn ra trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành nuôi trồng thuỷ sản của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện, đến thời điểm này, huyện Vân Đồn bị thiệt hại 871 lồng bè nuôi hầu, 384 ô lồng cá, 110 hộ nuôi ốc, hơn 60ha nuôi cá nước ngọt... tổng diện tích khoảng 300ha, chiếm 30% diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện.

10/08/2015
Lao đao ngành chăn nuôi gia cầm gà ngoại đè chết gà nội Lao đao ngành chăn nuôi gia cầm gà ngoại đè chết gà nội

Việc thịt gà nhập ngoại tràn ngập thị trường đã gióng lên hồi chuông báo động với ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ không có “cửa” phát triển.

10/08/2015
Ninh Thuận quy hoạch đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bền vững Ninh Thuận quy hoạch đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bền vững

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.

10/08/2015