Rau Sạch Chưa Có Hướng Phát Triển Bền Vững

Sản xuất rau trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển mạnh cả về quy mô diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm rau cung ứng ra thị trường. Thu nhập từ nghề trồng rau góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm rau cung cấp ra thị trường chưa đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 4.106ha đất trồng rau các loại, năng suất đạt 15 tấn/ha. Trong đó, chủ yếu tập trung tại huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo.
Đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, nhiều diện tích trồng rau trên địa bàn, người dân đang lạm dụng quá mức phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng rau chưa đảm bảo, dư lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau xanh vượt xa ngưỡng cho phép.
Năm 2013, số lượng mẫu rau, củ, quả bị nhiễm Ure, Formaldehyt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép chiếm 35%.
Ông Lò Văn Tại, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: Hiện nay, sản xuất rau trên địa bàn tỉnh chưa được quy hoạch tập trung, phát triển theo các mô hình hộ hoặc nhóm hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún. Tình trạng người dân lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật còn khá phổ biến nên rất khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Năm 2013, qua kiểm tra chất lượng các loại rau xanh tại các xã trọng điểm sản xuất rau màu của huyện Điện Biên cho thấy không ít hộ gia đình, chưa vào tới vườn đã ngửi thấy nồng nặc mùi thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó người dân vẫn đang thu hoạch rau.
Để hạn chế tình trạng rau cung cấp ra thị trường còn bị nhiễm chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư các huyện, thị, thành phố triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Ngoài ra, Chi cục đã triển khai các dự án trồng rau đảm bảo chất lượng tại một số xã điểm với mục đích hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật sản xuất rau để thu hoạch sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Năm 2012, Chi cục đã triển khai thí điểm mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap tại bản A1, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) thu được kết quả rất khả quan.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng rau theo hướng VietGap ở bản A1, xã Noong Luống, chị Trần Thị Lê, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Noong Luống cho biết: Năm 2012, toàn xã có 26 hộ dân tham gia dự án trồng rau theo hướng VietGap với gần 3ha. Trồng rau theo hướng VietGap sẽ thu được sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, hầu như bà con đều trở về hình thức sản xuất truyền thống. Bởi lẽ, khi sản phẩm bán ra thị trường, rau trồng an toàn theo hướng VietGap so với rau trồng truyền thống đều “cá mè một lứa”. Người tiêu dùng không biết được sản phẩm rau có đảm bảo chất lượng hay không?
Ông Phạm Văn Phòng, bản A1, xã Noong Luống cho biết: Trồng rau an toàn theo hướng VietGap đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, tỉ mỉ, tốn nhiều công và kinh phí hơn so với sản xuất theo phương pháp truyền thống nhưng khi ra thị trường, giá bán chỉ như rau bình thường, thậm chí còn chịu thua thiệt.
Vẫn biết trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap là góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng rau, nhưng bối cảnh hiện nay “vàng thau lẫn lộn”, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không có định hướng tốt; cùng với đó người tiêu dùng không lựa chọn rau an toàn, rau sạch cho bữa ăn thì dự án trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap tại bản A1 cũng chỉ là dự án mà thôi.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định mức thu chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản.

Do hạt giống kém chất lượng làm hơn 800 hécta bắp hè - thu không hạt tại Đồng Nai vừa qua khiến nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ở các loại cây trồng khác, chất lượng giống cũng đang là nỗi lo lớn của nông dân.

Giá nấm rơm tươi được thương lái thu mua tại chỗ là 24.000 đồng/kg và luộc là 40.000 đồng/kg, đã thu hút khá nhiều nông dân tham gia chất nấm sau khi thu hoạch lúa Hè thu. Huyện Long Mỹ được xem là nơi có nhiều hộ trồng nấm rơm trong tỉnh và những hộ này đã thu được lợi nhuận khá cao.

Về xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những ngày này, màu xanh của lúa đã phủ kín các cánh đồng. Trên mảnh ruộng hơn 6 sào, chị Trần Thị Trâm, xóm Đoài vừa nhanh tay vãi phân bón thúc đợt 1 vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: “Mảnh ruộng này tôi đã cấy xong cách đây 1 tháng bằng giống BC15. Đây là giống lúa năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn nên hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra”.

Tỉnh ta là vùng trồng lúa nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều giống lúa đặc sản như nếp cái hoa vàng, tám xoan, tám ấp bẹ, dự hương… Tuy nhiên, diện tích cấy lúa đặc sản ở các địa phương trong tỉnh hiện đã giảm đáng kể.