Rau sạch, an toàn vẫn bị… chê

Hồ hởi trồng rau sạch…
Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng rau khá lớn với hàng trăm ha ở các vựa rau như: Tịnh Long, Tịnh An, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi)... Tuy nhiên, việc trồng rau sạch, rau an toàn để kinh doanh rộng rãi trên thị trường thì được coi là “của hiếm”. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi mới chỉ có hai mô hình trồng rau củ quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap gồm: Mô hình của Công ty Qna Safe và mô hình của Hợp tác xã rau sạch Nghĩa Dũng.
Năm 2014, nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận với nguồn rau sạch, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã hỗ trợ đầu tư cho công ty Qna safe bắt tay vào áp dụng công nghệ nhà kính và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để trồng 3ha rau an toàn tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi. Không chỉ vậy, công ty Qna Safe còn vận động 10 hộ dân khác tại địa phương cùng tham gia vào mô hình trồng rau sạch, rau an toàn.
Theo đó, các hộ dân này được hỗ trợ kỹ thuật trồng rau và trồng loại rau theo đúng tiêu chuẩn mà không dùng hóa chất hay bất cứ chất bảo quản nào. Kỹ thuật này thường rất tốn công chăm sóc và sản lượng rau thường không được dồi dào so với cách trồng truyền thống có sử dụng hóa chất. Nhưng bù lại, công ty Qna Safe sẽ chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm toàn bộ cho các hộ nông dân với giá cao hơn so với thị trường từ 2 - 3 nghìn đồng/kg.
Vào thời điểm đó, sau một thời gian làm theo kỹ thuật trồng rau sạch và thấy được lợi ích của nó về chất lượng rau cũng như lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng đã hồ hởi đăng ký tham gia. Mô hình trồng rau sạch được đón nhận nồng nhiệt ở thời điểm đầu, khiến cho ai cũng kỳ vọng sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
“Tôi tin rằng giữa biển rau bẩn, không an toàn trên thị trường thì rau sạch dù đắt hơn nhưng vẫn sẽ được người tiêu dùng tin chọn” - ông Trần Ngọc Âu - Chủ tịch HĐQT Công ty Qna Safe tự tin chia sẻ vào thời điểm khởi đầu mô hình.
…nhưng thất vọng khi đưa ra thị trường
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nhưng qua 1 năm hoạt động, mô hình trồng và kinh doanh rau sạch của công ty Qna Safe và nhiều hộ nông dân khác đang vấp phải khó khăn trong việc tiêu thụ. Từ 10 hộ nông dân và nhiều hộ khác sẵn sàng tham gia mô hình trồng rau sạch thì đến nay, chỉ còn 2 - 3 hộ trụ lại với mô hình này.
Ông Nguyễn Hữu Sáu ngụ ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng là 1 trong số 3 hộ còn trụ lại đến thời điểm này, chia sẻ: “Lúc đầu việc tiêu thụ rất tốt, chúng tôi chỉ cần làm đúng kỹ thuật và thu hoạch bán hết cho công ty. Đầu ra không cần phải lo nghĩ. Tuy nhiên, đến giờ tôi chỉ còn trồng đúng 1 sào rau theo tiêu chuẩn thì vẫn không tiêu thụ nổi, phải bán ra ngoài. Nhưng lại bán theo giá chung trên thị trường nên tính ra lại mất công và lỗ nặng”. Việc tiêu thụ rau sạch kém đã khiến nhiều hộ quay đầu trở lại với kỹ thuật trồng rau sử dụng hóa chất vì theo họ “rau bình thường lại bán chạy hơn rau sạch”.
Về phía công ty Qna Safe, dù đã mở 2 của hàng rau sạch cùng với việc không ngừng tuyên truyền, quảng bá rau sạch trên thị trường nhưng doanh thu vẫn không thể bù lại vốn đầu tư đã bỏ ra. Ông Trần Ngọc Âu chia sẻ: Chúng tôi đã mời chào bán rau sạch ở rất nhiều trường tiểu học, mầm non tổ chức dạy, học bán trú. Lúc đầu được lãnh đạo nhà trường chào đón, nhưng sau lại không chịu hợp tác nữa.
Lý do mà các trường đưa ra là giá rau đắt hơn giá trên thị trường. Mặt khác, hình thức sản phẩm rau sạch không được xanh mướt và đẹp như rau ngoài chợ, vì trong quá trình trồng phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt và không sử dụng chất bảo quản. Đây cũng là tâm lý chung của người tiêu dùng khi không chọn lựa rau sạch, rau an toàn. Điều này đã khiến cho rau sạch, rau an toàn ngày càng không có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Võ Văn Kỹ - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho hay: Chúng tôi luôn tích cực hỗ trợ các mô hình rau sạch giúp người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng nguồn rau sạch để bảo vệ sức khỏe, nhưng mức độ tiếp cận rau sạch vẫn chưa cao.
“Người tiêu dùng phải hết sức tỉnh táo, nhận biết rằng rau sử dụng hóa chất thì hình thức rau rất mướt, bẻ giòn, non, bóng nhầy… Ngược lại, rau an toàn không có được độ non mướt, nhìn xấu hơn và chỉ để được 1 - 2 ngày sẽ héo, vì không sử dụng chất bảo quản”- ông Kỹ khuyến cao.
Có thể bạn quan tâm

Trước thông tin một số hộ nông dân cho rằng mùa thắp đèn thanh long này sẽ gặp khó khăn. Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận khẳng định mọi chính sách về điện đối với bà con trồng thanh long không có gì thay đổi so với năm trước.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, xã Nghĩa Hương vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM tháng 4-2014. Trong năm nay, huyện phấn đấu thêm bốn xã: Sài Sơn, Phượng Cách, Thạch Thán, Phú Cát cán đích. Các xã còn lại đều thuộc nhóm khá đạt từ 9 đến 13 tiêu chí (TC).

Theo ước tính ban đầu của ngành chức năng, đến hết ngày 20/8 trên địa bàn huyện đã có khoảng gần 1.000 tấn ngao sắp thu hoạch bị chết, thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng.

Trên đường cùng chúng tôi đến trang trại của ông Đoàn Quang Ngọc ở khu Tân Lập (phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh), anh Lưu Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Phương Đông, giới thiệu: Ông Ngọc là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế trang trại, cũng là người tiên phong nuôi lợn rừng thương phẩm tập trung với quy mô lớn nhất, nhì của thành phố.

Khoảng 13 giờ ngày 22/8, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), đã xảy ra trận mưa đá với mật độ dày đặc, làm hư hại nhiều diện tích rau màu và dâu tây của người dân.