Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau màu gặp khó

Rau màu gặp khó
Ngày đăng: 28/05/2015

Giá cả bấp bênh

Bàu Tròn được biết đến là vùng trồng rau chuyên canh lớn nhất của tỉnh. Ở đây được thiên nhiên ưu đãi bởi bãi đất bồi rộng mênh mông, hoa màu dễ phát triển. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều loại vật tư tăng giá, đặc biệt là chi phí điện tăng cao trong khi thời tiết trở nên khó lường khiến nhiều hộ nông dân ở đây gặp khó khăn. Gặp chúng tôi khi đang tưới nước cho mấy luống ớt chín đỏ rực nhưng không thu hoạch, ông Bùi Xuân Việt, trồng rau ở Bầu Tròn, giải thích: “Ớt rớt giá, thương lái ép, ghét quá không thèm hái, để vậy đó.

Cả bí đao cũng thế, 1 nghìn đồng/kg thì bán làm gì, để cho bò ăn sướng hơn”. Vừa nói ông Việt vừa chỉ tay qua những giàn bí đao trĩu quả đang để héo khô không thu hoạch. Đứng cạnh đó, bà Phạm Thị Xuân cho biết, nhà bà trồng 7,5 sào ớt. Ớt năm nay rớt giá, năng suất cũng giảm nhiều so với vụ này năm ngoái. Giá ớt ở thời điểm hiện tại là 5 - 7 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá năm ngoái là 12 - 14 nghìn/kg.

“Nhiều khi thương lái đang thu hoạch trên ruộng ớt, được nửa chừng thì dừng lại. Hỏi tại sao thì họ bảo: giá ớt lại tiếp tục rớt rồi, không mua với giá cũ nữa. Xót lắm! Nhưng giờ không bán thì lỗ nặng, tiền đâu tái đầu tư? Đành nhắm mắt cho họ ép giá, miễn là bán được…” - bà Xuân nói.

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến các ruộng hoa màu khô héo, đồng nghĩa với việc phải thường xuyên tưới nước để cây duy trì sức sống. “Nếu có xen lẫn được đôi trận mưa thì trung bình 1 tuần tưới nước 1 lần, nhưng trời nắng gay gắt cả nửa tháng nay nên khoảng 2 - 3 ngày chúng tôi phải tưới 1 lần để cây sinh trưởng tốt.

Nhưng giờ giá điện tăng rồi, bán ra không được mấy đồng mà tiền đầu tư vào thì nhiều quá chú ạ!” - ông Bùi Xuân Việt cho biết thêm. Nhà ông Việt đang trồng 1,5 sào dưa hấu, mỗi ngày phải dành 4 - 5 tiếng đồng hồ bơm nước vào ruộng dưa vừa xuống giống. Sau khi giá điện tăng thì mỗi tháng gia đình phải thêm 60 - 70 nghìn đồng tiền điện từ việc phục vụ nước tưới sản xuất hoa màu trên cánh đồng rau Bàu Tròn. “Biết làm không cho lời lãi bao nhiêu nhưng vẫn phải làm. Giờ không làm nông thì làm gì? Không làm thì đất sẽ trở thành của người khác, lấy gì ăn?”- ông Việt nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Đại An (đơn vị trực tiếp phụ trách việc cung cấp điện cho các hộ nông dân ở đây phục vụ tưới tiêu), vào thời gian cao điểm như những ngày vừa qua, gần 200 hộ dân ở Bàu Tròn tiêu thụ hơn 7.000 chữ điện.

Ngoài tiền điện theo giá quy định của Nhà nước ban hành, nông dân còn phải chịu thêm tiền phí dịch vụ cung cấp điện cho hợp tác xã. Ngoài tiền điện, nông dân còn phải gồng mình khi đồng loạt giá các vật tư đầu vào như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón “tăng đều đều” khiến nông dân đã khó lại thêm khổ.

Loay hoay tìm đầu ra

Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn tái diễn lâu nay đối với nghề trồng rau màu. Thời gian gần đây trong khi đậu phụng trúng lớn, có đầu ra ổn định thì ớt, bí đao, dưa hấu vẫn đang vật vã tìm lối ra. Tư thương luôn ép giá nông dân, nhiều khi họ ép ngay trên một nửa ruộng đang thu hoạch, như bà Phạm Thị Xuân nói thì một ruộng ớt được bán ra với hai giá khác nhau. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, thời gian qua huyện đã nỗ lực để tìm cách giải quyết đầu ra cho khu chuyên canh rau Bàu Tròn.

“Trước mắt, huyện đã xây dựng một nhà sơ chế rau và giao cho Hợp tác xã Đại An quản lý. Đây là nhà sơ chế giúp rau Bàu Tròn có được thương hiệu trên thị trường, qua đó thu hút được các đầu mối tiêu thụ ổn định cho vùng rau chuyên canh này” - ông Mẫn cho biết.

Hiện nay, chương trình sản xuất rau Bàu Tròn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được áp dụng cho 48 hộ nông dân ở Bàu Tròn. Những hộ dân này sẽ trồng rau theo quy chuẩn, quy định VietGAP để cung ứng cho những đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. “HTX đã hoàn thành mọi thủ tục về nhãn hiệu, thương hiệu rau VietGAp của Bàu Tròn, để khi người tiêu dùng sử dụng biết đó là rau của nơi nào sản xuất, tạo thương hiệu trên địa bàn” - ông Nguyễn Xuân Vũ nói.

Tuy nhiên, con số 48 hộ trên gần 200 hộ đang canh tác tại vùng rau Bàu Tròn tiếp xúc và tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP là còn quá ít. Lý giải về điều này, ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết, có tình trạng này là do người dân vẫn chưa mặn mà với cách sản xuất rau VietGAP bởi nó đòi hỏi nhiều quy trình khắt khe, đầu vào lại đắt hơn so với cách sản xuất truyền thống trong khi giá cả bán ra thị trường không chênh nhau là bao nhiêu. “Tuy nhiên, khi đã liên kết sản xuất rau sạch thì hợp tác xã sẽ có nhiệm vụ kết nối thị trường giúp họ, tiêu thụ rau với giá ổn định hơn. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ hơn về điều này” - ông Mẫn cho hay.


Có thể bạn quan tâm

Sử Dụng Thuốc Trừ Sâu Vô Tội Vạ Làm Bùng Phát Dịch Sử Dụng Thuốc Trừ Sâu Vô Tội Vạ Làm Bùng Phát Dịch

Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.

19/12/2011
Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng

Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

10/02/2012
Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lạc Xuân Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lạc Xuân

Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

15/07/2012
Giải Đáp Thắc Mắc Về Giống Lúa Lai B-TE1 Cho Vụ Mùa Giải Đáp Thắc Mắc Về Giống Lúa Lai B-TE1 Cho Vụ Mùa

Giống B-TE1 có xuất xứ từ đâu và được các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào?

16/07/2012
Khánh Hòa: Lúa Bị Ngộ Độc?! Khánh Hòa: Lúa Bị Ngộ Độc?!

Theo báo cáo của Phòng NN- PTNT huyện Vạn Ninh, bệnh xuất hiện đã 2 tháng nay, lúc đầu chỉ vài hecta, sau lan rất nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Thắng… Ngay từ khi diện tích lúa bị bệnh và có dấu hiệu lan rộng, UBND huyện đã kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm BVTV miền Trung tiến hành thu thập mẫu gửi giám định tại Chi cục Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II ở TPHCM và Viện BVTV ngoài Hà Nội.

17/07/2012