Rằm Tháng Giêng, Gà Đẹp Vẫn Rẻ

Chuẩn bị cúng rằm tháng Giêng, nhiều bà nội trợ đi tìm mua hoặc đặt trước nhiều ngày với người kinh doanh loại gà làm lễ. Đón bắt tâm lý này, một số hộ chăn nuôi cung ứng ra thị trường lứa gà toàn trống, mã đẹp.
Tại xã Tiến Thắng (Yên Thế - Bắc Giang) từng có vài ba hộ trúng đậm dịp Tết năm ngoái với đàn "gà mào” hàng nghìn con. Do có kinh nghiệm chăn nuôi tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đàn gà đều con (khoảng 1,8 - 2 kg/con), mã đẹp, bảo đảm thời gian nuôi đủ ít nhất 4 tháng.
Năm nay, giá gà xuống thấp nên loại hàng "đặc chủng” này cũng chỉ bán được từ 50-55 nghìn đồng/kg tại vườn, bằng một nửa mức giá năm ngoái (cao hơn gà thương phẩm bình thường 7-10 nghìn đồng mỗi kg).
Theo anh Ngô Văn Long, cán bộ thú y xã Đồng Tâm (Yên Thế), năm 2012 và 2013 một số hộ dân tại đây đã đưa vào chăn nuôi giống gà mào có nguồn gốc Trung Quốc (thường gọi là Tàu mào, chíp Tàu, ri Tàu) để chớp thời điểm Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Gọi là "gà mào” vì gần 100% là gà trống, khi đạt 3-4 tháng chúng có mã rất bắt mắt với màu lông đỏ hoặc tía, mào nở to, đỏ rực, chân vàng óng, đuôi cong, cân nặng khoảng 1,7-1,8 kg/con. Ban đầu, mặt hàng này khá hút khách song không phải hộ nào cũng trúng.
Do nguồn giống nhập theo đường tiểu ngạch, không được kiểm soát chất lượng nên có trường hợp sau khi vào đàn bị chết quá nửa. Hơn nữa, năng suất thấp, chi phí thức ăn không ít hơn so với gà nội địa nhưng chỉ thu hoạch 1,5 tấn/đàn 1 nghìn con có tỷ lệ sống hơn 90% trong khi gà nội địa đạt từ 1,8 - 2 tấn.
Một điểm hạn chế nữa là khi bắt đầu lên mã, chúng thường cắn mổ nhau dữ dội. Vì thế sau một vài lứa nuôi, số hộ này đã quay trở lại với giống gà ri lai và mía lai trong nước.
Tại nhà anh Hà Văn Nghị, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm đang có đàn hơn 300 con trống mía lai đã được xuất chuồng. "Có lẽ do số đông người chăn nuôi cũng thiên về nuôi gà trống vì chúng khoẻ mạnh hơn, ưu thế về cân nặng khi trưởng thành. Trong khi đó, khẩu vị từng người khác nhau và nhất là khi chế biến món nướng thì thịt gà mái ít hao hơn. Thị trường thường đỏng đảnh, làm sao đón bắt được để không thua thiệt với người chăn nuôi vẫn là bài toán khó”- anh Nghị nói.
Trong khi người nuôi gặp khó thì người kinh doanh vẫn kiếm bộn. Chị L, một người chuyên kinh doanh gà ở chợ Ngô Quyền (TP Bắc Giang) cho biết, để có gà trống mã đẹp, cân nặng khoảng 2 kg, trước đó hàng tháng chị đã đặt mối với hộ chăn nuôi. Tùy giống gà và quy trình nuôi mà chị bán với các mức giá khác nhau, từ 90-150 nghìn đồng/kg gà lông ngay cả vào thời điểm giá gà đại trà xuống rất thấp.
Có thể bạn quan tâm

Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Ðến tháng 8.2015, Nhơn An đã thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường, và cũng là hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm ngoái, xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường ASEAN khá tốt, trong đó 3 thị trường XK lớn nhất trong khối là Thái Lan, Singapore và Philippines đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2015, XK cá tra sang khu vực này đã đảo chiều ngược lại và dự báo giá trị XK sang khu vực này cả năm 2015 giảm 3-5% so với năm 2014.

Những tháng đầu năm 2015, cá tra, tôm là hai mặt hàng XK chủ lực của ngành thủy sản đều sút giảm về kim ngạch. Theo dự báo, dần về cuối năm, XK thủy sản có khả năng khởi sắc.

“Trồng cây gì, nuôi con gì” là câu hỏi quan trọng nhất, thường xuyên nhất, đau đầu nhất với người làm công tác quy hoạch, chính sách.

Với hy vọng đổi đời, người dân xã biển bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng với cách nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật nên sau nhiều vụ nuôi thất bại, phải ôm nợ hàng trăm tỷ đồng…