Ra Mắt Chuỗi Liên Kết Chăn Nuôi Thành Phố Hà Nội

Sáng 25/4, Trung tâm phát triển chăn nuôi, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi TP Hà Nội và khai trương hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm của Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội.
Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi, Công ty Green Food Hà Nội được thành lập với mục tiêu liên kết thành chuỗi sản xuất thực phẩm từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ thực phẩm. Mô hình này sẽ tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm Thủ đô với nguồn thực phẩm an toàn được truy xuất nguồn gốc.
Hiện, Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội đã hình thành chuỗi liên kết có năng lực sản xuất với 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 150.000 tấn/năm; 80 trang trại chăn nuôi; 1 nhà máy giết mổ lợn và chế biến thực phẩm công suất 600 con/ngày; 1 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm công suất 20.000 con/ngày.
Về hệ thống phân phối thực phẩm, trong tháng 4/2014 có 5 cửa hàng chính thức đi vào hoạt động và mạng lưới phân phối tới các bếp ăn tập thể. Đến cuối năm 2014 sẽ có 20 cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội. Hệ thống này sẽ được nhân rộng ra trên địa bàn các tỉnh, TP trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để thành công thì phải có sự chung tay góp sức của các nhà: Nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp, người chăn nuôi. Các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào chuỗi.
Ngoài ra, các tổ chức hội, hiệp hội chuyên môn và người tiêu dùng cũng cần tham gia tích cực vào chuỗi. Riêng với Cục Chăn nuôi, tới đây sẽ phối hợp cùng các ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm của các chuỗi.
Có thể bạn quan tâm

Cây mãng cầu Xiêm được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, địa phương đang quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh, chuyển giao kỹ thuật trồng, hình thành các tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Xiêm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông trên thị trường.

Từ kết quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX, mô hình canh tác sắn bền vững trên đất đồi đã được chuyển giao cho nông dân tỉnh Khánh Hòa thông qua dự án KH-CN giai đoạn 2013-2015…

Nhằm tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới và công nghệ cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, UBND tỉnh Đồng Tháp tập trung đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển về kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ.

2 năm qua, tỉnh Bình Định liên tục đưa giống lúa thuần VN 121 vào mô hình trình diễn với diện tích lớn.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Chatchai Sirikalya vừa cho hay Thái Lan sẽ bán cho Trung Quốc 1 triệu tấn gạo nhằm giảm bớt lượng gạo khổng lồ hiện đang dự trữ trong kho.