Quýt đường và dưa hấu ở Hậu Giang hút hàng, giá tăng cao

Cụ thể, giá quýt đường bán trên thị trường lên đến 50.000 đồng/kg, dưa hấu từ 8.000-10.000 đồng/kg; giá bán tại rẫy khoảng 6.000 đồng/kg, với giá này hai loại trái cây này tăng gần nhiều lần so với chính vụ.
Nhiều nhà vườn cho biết với mức giá này người trồng quýt đường cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha, còn đối người trồng dưa hấu sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 70 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, hiện nhà vườn không còn nhiều quả chín đế bán, do diện tích quýt đường trái vụ; còn diện tích dưa hấu giảm nhiều, vì những vụ trước sản xuất không lãi, nhà vườn chuyển sang trồng cây, con khác.
Khác hẳn với trước đây, tuy giá cả một số loại trái cây đang tăng cao từng ngày nhưng nhà vườn Hậu Giang không mấy quan tâm. Bởi theo họ, giá cả tăng-giảm là theo quy luật chung của thị trường, “khan hàng trúng giá, trúng mùa thất giá,” trong khi đó nhà vườn sản xuất luôn ở thế bị động, ít người đoán được thị trường, thu hoạch đúng vào thời điểm giá cao.
Một vấn đề mà nhà vườn tỉnh này dè dặt hơn là gần đây thị trường tiêu thụ hàng nông sản ở địa phương không ổn định, giá cả tăng giảm bất thường, người sản xuất thua lỗ nhiều hơn có lãi. Trong khi đó, vai trò chính quyền chưa có quy hoạch cụ thể, đầu ra không được liên kết, bao tiêu với doanh nghiệp, phần lớn nhà vườn sản xuất chạy theo phong trào, giá cả, đoán đầu thị trường, nhưng sai nhiều hơn trúng.
Trở lại giá quýt đường, dưa hấu tăng hiện nay, do diện tích quýt đường vào trái vụ. Bên cạnh đó, diện tích quýt đường của tỉnh này đang bị sâu bệnh hoành hành, đến nay có khoảng 50% diện tích quýt bị nhiễm bệnh, nhiều diện tích buộc tiêu hủy phòng ngừa lây lan ra diện rộng.
Điều lo lắng hơn, đối với bệnh trên cây quýt đường đến nay chưa có thuốc đặc trị, khi nhiễm bệnh phải tiêu hủy, nên người dân ngại đầu tư trồng mới, dẫn đến diện tích, sản lượng quýt đường, 1 trong 10 loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh này giảm mạnh.
Còn đối với người trồng dưa hấu, sau nhiều vụ giá rớt thê thảm, đôi lúc không bán được hàng, nên họ không dám sản xuất. Khi diện tích, sản lượng giảm, giá thị trường lại tăng, dù biết vậy nhưng họ vẫn sợ, bởi nhà nông sản xuất nhưng thị trường quyết định giá, người dân sản xuất như đánh cược “5 ăn 5 thua.”
Hậu Giang có diện tích quýt đường khoảng 450ha và 400ha dưa hấu, nhưng thời gian gần đây sâu bệnh tấn công trên cây quýt, giá dưa hấu bấp bênh, do đó diện tích, sản lượng hai loại trái cây này giảm mạnh, dẫn đến khan hàng, sốt giá làm xáo trộn thị trường nội địa.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết, đời sống của hơn 4.000 người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào SXNN. Tuy nhiên, trồng lúa chỉ giúp dân chủ động lương thực, chứ để làm giàu có thì rất khó. Sông Bứa chạy qua xã Quang Húc có độ dài khoảng 3 km, nguồn nước tương đối sạch.

Theo Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp), đến nay, số lượng thả nuôi tôm càng xanh chưa nhiều do nắng nóng kéo dài, đồng thời nhiều người đang phân vân chọn nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Tình hình này sẽ khiến cho việc cung ứng tôm giống thiếu cục bộ khi người nuôi có nhu cầu thả nuôi trong cùng một thời điểm...

Trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mua giống tiêu lạ ghép mới có gốc ghép giống với tiêu rừng (tiêu trầu) hay tiêu Nam Mỹ về trồng. Theo cơ quan chuyên môn thì giống tiêu này chưa từng được trồng khảo nghiệm tại địa phương.

Hơn 1 tháng qua, hàng loạt nông sản đang có giá cao đột nhiên giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 4, dừa khô liên tục được thương lái đẩy giá lên cao và đạt mức ngất ngưỡng 110.000 - 120.000 đồng/chục (tùy theo chục 12 hay 14 trái và tùy từng vùng). Nhưng từ tháng 5 đến nay, giá dừa “đảo chiều” nhanh chóng trong sự bất ngờ của nông dân và thương lái.

Tính đến hết tháng 4-2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đạt hơn 546 triệu USD, tăng 2% so cùng kỳ. Điểm nổi bật là xuất sang các thị trường như: Brazil tăng 36,7%, Mexico tăng 13%, các nước Asean tăng 11%, thị trường Trung Quốc tăng 25%... Tuy nhiên, 2 thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ lần lượt giảm 10% và 8,7% so cùng kỳ.