Quýt Đường Gặp Khó

Chưa năm nào người trồng quýt đường ở Hậu Giang gặp khó khăn như hiện nay: Giá cả giảm liên tục, thương lái ép giá, sâu bệnh hoành hành, giá cả phân bón, thuốc BVTV tăng cao…
Hiện tại, mùa quýt đường chính vụ đang cho thu hoạch rộ. Tuy năm nay nhà vườn phải đối mặt với sâu bệnh tấn công nhưng vụ quýt này sai quả, đạt năng suất khá cao.
Nhưng ngược lại, giá cả từ đầu vụ đến nay giảm liên tục, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, giá quýt ở đầu vụ từ 35.000- 38.000đ/kg, nay giảm xuống còn 16.000- 17.000đ/kg. Điều mà nhà vườn tỉnh này từ trước tới giờ chưa gặp phải là chỉ trong vòng chưa đến một tháng mà mỗi ký quýt giảm hơn 20.000đ. Dù giá đã giảm nhưng thương lái ngại thua mua, có mua thì số lượng nhỏ, lựa quả đẹp, loại quả lớn mới mua…
Anh Phạm Văn Phúc, ngụ ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, phân trần: Gần 1 ha quýt đã chín vàng mà nhiều ngày qua vẫn chưa bán được, vì giá quá thấp. “Gắn bó với cây quýt gần 10 năm nay nhưng chưa có vụ nào giá quýt giảm giá chóng mặt và khó bán như vụ này”, anh Phúc cho biết.
Theo các nhà vườn, hiện thương lái mua quýt loại 1 (tại vườn) chỉ có giá từ 16.000-17.000đ/kg, loại 2 từ 14.000-15.000đ/kg, giảm 8.000-10.000đ/kg so với cùng kỳ, còn so với thời điểm đầu vụ cách đây khoảng 1 tháng thì giảm đến 15.000-20.000đ/kg. Với giá quýt hiện tại, nhà vườn thua lỗ nặng, bởi chi phí đầu tư cây quýt vụ này tăng cao, cộng thêm giá cả thuốc BVTV, phân bón ngày một tăng.
Một số thương lái mua quýt cho biết, nguyên nhân giá quýt giảm là do đang vào mùa thu hoạch quýt chính vụ ở nhiều nơi, nhất là vùng quýt đường ở Sa Đéc (Đồng Tháp), từ đó nguồn cung dồi dào dẫn đến tình trạng dội chợ.
Nhằm cầm cự kéo dài chờ giá bình ổn trở lại với hy vọng không bị thua lỗ, nhiều nhà vườn chọn cách neo quả chín trên cây. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, vì loại quả này chín nhanh, khi quả chín, chậm thu hoạch chỉ 5-10 ngày thì đã rụng.
Hơn nữa, Hậu Giang đang vào cao điểm mùa mưa, mùa lũ tràn về, nên khó bảo quản diện tích quýt trong thời gian dài. Nhưng theo nhận định của thương lái, giá quýt đường khó tăng, bởi nhiều nơi đang vào cao điểm thu hoạch chính vụ, trúng mùa, sản lượng lớn, trong khi đó sức mua, tiêu thụ tại các chợ thì giảm.
Điều đáng nói ở đây, quýt đường Long Trị- Hậu Giang là một trong 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Tuy đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng nhưng việc liên kết, thành lập tổ sản xuất vẫn bị bỏ ngõ, đầu ra sản phẩm nông dân tự tìm.
Với cách sản xuất này, dẫn đến gần đây loại quýt đường Long Trị bị sa sút thương hiệu, chất lượng giảm, do nhiều nhà vườn chạy theo lợi nhuận, giá cả thị trường, cho lai tạo, ghép giống, kích thích cho quả trái vụ dẫn đến giảm vị ngọt, quả xấu, kém chất lượng.
Hậu Giang có khoảng 450ha quýt đường, tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ. Mùa thu hoạch quýt đường chính vụ nơi đây thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 (âm lịch). Mọi năm, giá quýt bình quân khoảng 25.000đ/kg, thời điểm thấp nhất cũng 22.000đ/kg; riêng năm nay giảm dưới mức 20.000đ/kg, đẩy hàng trăm hộ trồng quýt tỉnh này gặp nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

Cây chanh bông tím đã bén rễ cả chục năm nay trên đất Nhị Bình (Châu Thành - Tiền Giang) với diện tích vài chục ha. Người trồng ít một vài công đất, nhiều nhất cũng khoảng 7 - 8 công. Nhờ cây chanh bông tím mang lại lợi nhuận cao, giúp một số hộ dân thoát nghèo và tiến dần lên khá. Trong số này có anh Phạm Hoàng Minh (ấp Đông A).

Trong những năm gần đây xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đang có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, từ những mô hình kinh tế điển hình của các hộ dân trong xã mở ra hướng đi mới để thoát nghèo, trong đó có gia đình anh Đào Văn Thắm ở thôn 4.

Trong điều kiện bất lợi của thời tiết, nghề nuôi tôm sú bị thua lỗ hoặc chỉ có lãi ít, nhiều người đã chuyển sang nuôi cua xen trong ao nuôi tôm quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nhiều nông dân đã khấm khá nhờ nghề nuôi cua “nhướng”. Cua “nhướng” là tên gọi của người dân địa phương, vì lúc thả nuôi con cua còn rất nhỏ, người xem phải nhướng mắt lên thì mới nhìn thấy nó được.

Gia đình anh Phạm Văn Bình ở thôn Tân Lập (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Dak Lak) có 5 sào đất trồng cà phê. Qua tìm hiểu tư liệu thông tin và được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây cà phê do Hội Nông dân tổ chức, năm 2006, anh quyết định mua 30 cây bơ ghép về trồng thử nghiệm trên rẫy. Kết quả cây bơ lớn nhanh, đồng thời tạo điều kiện cho cây cà phê thêm xanh bởi cây bơ che bóng mát và giữ độ ẩm đất tốt, nhất là vào các tháng mùa khô.

Suốt 3 năm thử nghiệm mô hình nuôi cá chiên nơi nước tĩnh, ông Chu Đức Minh, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã thành công ngoài mong đợi...