Quýt Đường Gặp Khó

Chưa năm nào người trồng quýt đường ở Hậu Giang gặp khó khăn như hiện nay: Giá cả giảm liên tục, thương lái ép giá, sâu bệnh hoành hành, giá cả phân bón, thuốc BVTV tăng cao…
Hiện tại, mùa quýt đường chính vụ đang cho thu hoạch rộ. Tuy năm nay nhà vườn phải đối mặt với sâu bệnh tấn công nhưng vụ quýt này sai quả, đạt năng suất khá cao.
Nhưng ngược lại, giá cả từ đầu vụ đến nay giảm liên tục, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, giá quýt ở đầu vụ từ 35.000- 38.000đ/kg, nay giảm xuống còn 16.000- 17.000đ/kg. Điều mà nhà vườn tỉnh này từ trước tới giờ chưa gặp phải là chỉ trong vòng chưa đến một tháng mà mỗi ký quýt giảm hơn 20.000đ. Dù giá đã giảm nhưng thương lái ngại thua mua, có mua thì số lượng nhỏ, lựa quả đẹp, loại quả lớn mới mua…
Anh Phạm Văn Phúc, ngụ ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, phân trần: Gần 1 ha quýt đã chín vàng mà nhiều ngày qua vẫn chưa bán được, vì giá quá thấp. “Gắn bó với cây quýt gần 10 năm nay nhưng chưa có vụ nào giá quýt giảm giá chóng mặt và khó bán như vụ này”, anh Phúc cho biết.
Theo các nhà vườn, hiện thương lái mua quýt loại 1 (tại vườn) chỉ có giá từ 16.000-17.000đ/kg, loại 2 từ 14.000-15.000đ/kg, giảm 8.000-10.000đ/kg so với cùng kỳ, còn so với thời điểm đầu vụ cách đây khoảng 1 tháng thì giảm đến 15.000-20.000đ/kg. Với giá quýt hiện tại, nhà vườn thua lỗ nặng, bởi chi phí đầu tư cây quýt vụ này tăng cao, cộng thêm giá cả thuốc BVTV, phân bón ngày một tăng.
Một số thương lái mua quýt cho biết, nguyên nhân giá quýt giảm là do đang vào mùa thu hoạch quýt chính vụ ở nhiều nơi, nhất là vùng quýt đường ở Sa Đéc (Đồng Tháp), từ đó nguồn cung dồi dào dẫn đến tình trạng dội chợ.
Nhằm cầm cự kéo dài chờ giá bình ổn trở lại với hy vọng không bị thua lỗ, nhiều nhà vườn chọn cách neo quả chín trên cây. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, vì loại quả này chín nhanh, khi quả chín, chậm thu hoạch chỉ 5-10 ngày thì đã rụng.
Hơn nữa, Hậu Giang đang vào cao điểm mùa mưa, mùa lũ tràn về, nên khó bảo quản diện tích quýt trong thời gian dài. Nhưng theo nhận định của thương lái, giá quýt đường khó tăng, bởi nhiều nơi đang vào cao điểm thu hoạch chính vụ, trúng mùa, sản lượng lớn, trong khi đó sức mua, tiêu thụ tại các chợ thì giảm.
Điều đáng nói ở đây, quýt đường Long Trị- Hậu Giang là một trong 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Tuy đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng nhưng việc liên kết, thành lập tổ sản xuất vẫn bị bỏ ngõ, đầu ra sản phẩm nông dân tự tìm.
Với cách sản xuất này, dẫn đến gần đây loại quýt đường Long Trị bị sa sút thương hiệu, chất lượng giảm, do nhiều nhà vườn chạy theo lợi nhuận, giá cả thị trường, cho lai tạo, ghép giống, kích thích cho quả trái vụ dẫn đến giảm vị ngọt, quả xấu, kém chất lượng.
Hậu Giang có khoảng 450ha quýt đường, tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ. Mùa thu hoạch quýt đường chính vụ nơi đây thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 (âm lịch). Mọi năm, giá quýt bình quân khoảng 25.000đ/kg, thời điểm thấp nhất cũng 22.000đ/kg; riêng năm nay giảm dưới mức 20.000đ/kg, đẩy hàng trăm hộ trồng quýt tỉnh này gặp nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Vĩnh Long đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH De Heus– Hà Lan thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trại thực nghiệm thủy sản và thành lập chi nhánh R&D (Research & Development) Công ty TNHH De Heus tại ấp An Hương 1, xã Mỹ An (Mang Thít), với tổng vốn đầu tư 62 tỷ đồng, tương đương 3 triệu USD.

Những tháng cuối năm, trên địa bàn tỉnh ta, nhất là các huyện vùng cao thường có gió lạnh, sương mù kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn vật nuôi, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống đói rét tốt sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Là một người ham tìm tòi, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả để về áp dụng vào kinh tế gia đình, năm 2010, trong một lần tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, anh Tiển nhận thấy mô hình nuôi bồ câu Mỹ dễ áp dụng bởi không cần nhiều vốn đầu tư cũng như ít công chăm sóc mà lợi nhuận cao, nên anh quyết định áp dụng.

Hơn 90 ngàn con gà được nuôi trong những trại có không khí mát lạnh rộng 5ha, các khâu chăn nuôi đều theo quy trình tự động, cho ra hơn 5 tấn trứng sạch và an toàn mỗi ngày. Đó là những con gà của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng.

Hiện nay, nhiều gia đình không chỉ có nhu cầu tìm mua các loại rau an toàn (RAT) mà còn tự sản xuất để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, nhằm đảm bảo sức khỏe. Song, trở ngại lớn là vấn đề thiếu đất sản xuất, nhất là các hộ gia đình ở đô thị. Mô hình "sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình" đã và đang được Bình Thủy, TP Cần Thơ triển khai thực hiện, mở hướng cho các hộ gia đình phát triển sản xuất RAT mà không cần đất.