Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng con giống

Quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng con giống
Ngày đăng: 03/06/2015

Đầu tư hạ tầng thủy lợi

Hiện nay, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi chưa thật sự đáp ứng nhu cầu người nuôi tôm. Hệ thống thủy lợi ĐBSCL phục vụ nuôi trồng thủy sản hiện vẫn dựa trên hệ thống thủy lợi xây dựng cho sản xuất lúa trước đây, do vậy không đảm bảo cung cấp đủ lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, tình trạng tranh chấp nước mặn - ngọt vẫn còn xảy ra giữa nuôi tôm và trồng lúa. Các địa phương gặp không ít khó khăn trong việc điều tiết nước hài hòa để phục vụ cây lúa và con tôm. Tình trạng thiếu nước mặn vẫn còn xảy ra ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Bộ NN&PTNT quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL là rất cần thiết. Song, để phát triển bền vững, lâu dài, trước hết cần đầu tư và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm. Tránh tình trạng hàng năm diễn ra việc tranh chấp mặn - ngọt giữa người trồng lúa và người nuôi tôm”.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL rất cần được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện đồng bộ để vừa đảm bảo nước phục vụ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng: “Hiện nay, hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản khu vực ĐBSCL chưa được đảm bảo nên người nuôi tôm chưa thật sự an tâm trong sản xuất. Do vậy, Nhà nước cần tăng cường đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi…”.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, tổng nhu cầu nguồn vốn theo quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi khu vực ĐBSCL trên 19.000 tỷ đồng. Trong thời điểm này, do khó khăn về vốn nên Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã sắp xếp, tập trung đầu tư các dự án, công trình thủy lợi cấp thiết ở các tỉnh ven biển ĐBSCL từ nay đến năm 2020 khoảng 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, ưu tiên đầu tư 12 dự án thủy lợi phục vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến, thâm canh - bán thâm canh ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.

Cũng theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, các tỉnh khu vực ĐBSCL đang lúng túng trong việc xử lý môi trường nuôi tôm. Một số nơi tôm chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài. Trong khi đó, ngành chức năng dự báo dịch bệnh trên tôm lại chưa chính xác. Vì vậy, người nuôi tôm không chủ động được việc phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

Nâng cao chất lượng con giống

Khu vực ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước và cũng là nơi có rất nhiều cơ sở sản xuất tôm giống, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu về con giống. Đa số doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở khu vực ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các trại tôm giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, không đạt tiêu chuẩn… Mặt khác, giống tôm sú tại ĐBSCL chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ tự nhiên, chất lượng không đồng đều. Trong khi đó, nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ lại phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu nên ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và chất lượng con giống.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, đánh giá: “Nguồn cung ứng tôm giống nội vùng ĐBSCL chưa đủ cho nhu cầu sản xuất. ĐBSCL vẫn phải nhập giống từ các tỉnh Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận và Nha Trang. Việc phải nhập giống với số lượng lớn, nguồn giống nhập đa dạng gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát chất lượng con giống và quản lý dịch bệnh”. Các tỉnh hiện có năng lực sản xuất tôm giống lớn nhất ở ĐBSCL là Bạc Liêu, Cà Mau. Và Bạc Liêu đang quy hoạch xây dựng trung tâm sản xuất và cung cấp tôm giống cho cả vùng ĐBSCL.

Nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi tôm. Vì vậy, tôm nuôi bị thiệt hại ở khu vực ĐBSCL ngày càng tăng. Ông Võ Hồng Ngoãn, “vua” nuôi tôm tại Bạc Liêu bức xúc nói: “Trong nuôi tôm thì chất lượng con giống là quan trọng nhất. Bởi, dù môi trường ao nuôi được xử lý tốt mà chất lượng con giống không đảm bảo thì cũng khó thành công. Theo tôi, cần phải có sự liên kết giữa cơ sở sản xuất giống và người nuôi tôm để chia sẻ một phần rủi ro cho người nuôi tôm khi có thiệt hại xảy ra”.

Việc liên kết giữa cơ sở sản xuất giống và người nuôi tôm còn giúp tránh được tình trạng mua con giống kém chất lượng. Tiến sĩ Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đề xuất: “Các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ở các tỉnh ĐBSCL cần liên kết thông qua việc thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để cùng nhau phát triển. Từ sự liên kết này, nông dân mới có thể xây dựng vùng tôm nguyên liệu đảm bảo chất lượng VietGAP và xuất khẩu…”.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL trước tiên cần nâng cao chất lượng tôm giống. Ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm dịch giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ, đặc biệt là kiểm dịch con giống. Song, để chất lượng con tôm Việt Nam ngày càng đáp ứng thị trường xuất khẩu thì người nuôi tôm không nên lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm… Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, có chính sách ưu tiên về vay vốn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cho người nuôi tôm trước tình hình biến đổi khí hậu. Như vậy, khi quy hoạch lại việc nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL, diện tích nuôi tôm không tăng, nhưng sản lượng và chất lượng tôm nuôi sẽ được nâng lên.


Có thể bạn quan tâm

Bà Rịa - Vũng Tàu tập huấn bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm chân trắng theo VietGAP Bà Rịa - Vũng Tàu tập huấn bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm chân trắng theo VietGAP

Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 8 năm 2015, tại thị trấn Phước Bửu – Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm chân trắng theo VietGAP” cho 30 học viên là cộng tác viên khuyến nông, chủ trang trại và bà con nuôi tôm trong tỉnh.

14/08/2015
Giảm lãi suất cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ Giảm lãi suất cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ

Ngày (12/8), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 6039 về việc giảm lãi suất cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

15/08/2015
Công bố hết dịch hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi tại Móng Cái (Quảng Ninh) Công bố hết dịch hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi tại Móng Cái (Quảng Ninh)

Ngày 11/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định về việc công bố hết dịch bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi tại Móng Cái.

15/08/2015
Giải quyết khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ Giải quyết khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ

Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, tình hình xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu thấp cộng với dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Bộ trưởng NN và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị giải quyết khó khăn đối với ngành hàng này.

15/08/2015
Huyền tích cá vược Huyền tích cá vược

Cư dân vùng sông nước xem cá vược như loài ngư tinh với bao huyền tích. Vượt qua những quan niệm lạc hậu, ngư dân đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đã mạnh dạn “mang” loài cá này vào nuôi thương phẩm để trở thành một đặc sản giá trị.

15/08/2015