Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐBSCL định hướng phát triển nghề nuôi tôm bền vững

Quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐBSCL định hướng phát triển nghề nuôi tôm bền vững
Ngày đăng: 02/06/2015

Mục tiêu là phát triển nuôi tôm nước lợ ĐBSCL theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu; góp phần tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực trong thời gian tới.

Thực trạng và tiềm năng

Nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau với 2 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT). Đến năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng ĐBSCL đạt 604.954ha. Vùng ĐBSCL có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thuận lợi cho sự phát triển nuôi tôm nước lợ.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã tạo mọi điều kiện và quan tâm hỗ trợ cũng như quản lý ngày càng chặt chẽ nghề nuôi tôm. Bên cạnh đó, các quy hoạch, chương trình, đề án đã có những hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành tôm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất tôm giống, nuôi tôm sú, tôm thẻ của các cơ sở sản xuất, hộ dân đã được nâng lên. Hoạt động sản xuất giống trong khu vực ĐBSCL dần được xã hội hóa, cung cấp tôm giống chất lượng ra thị trường. Một số công ty có uy tín về sản xuất giống tôm nước lợ đã đầu tư các cơ sở sản xuất giống trong vùng như Tập đoàn tôm giống Việt Úc, Dương Hùng, Kim Sa, Thiên Phú, Khánh Hồng...

Song, thách thức lớn nhất của sản xuất tôm giống là chưa chủ động được nguồn tôm giống bố mẹ, phải nhập từ ngoài vùng. Mặt khác, việc quản lý chất lượng tôm giống chưa tốt nên vẫn còn tình trạng mua bán tôm giống trôi nổi làm ảnh hưởng đến người nuôi tôm.

Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc DNTN tôm giống Dương Hùng (huyện Đông Hải) cho biết: “Hiện nay, một số công ty, cơ sở tôm giống không sản xuất tôm giống. Họ chỉ thu mua và trộn tôm giống chất lượng và không chất lượng rồi bán trên thị trường. Việc làm này ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất tôm giống và người nuôi tôm”. Theo ông Hùng, khi quy hoạch nuôi tôm cần có sự liên kết trách nhiệm giữa các cơ sở bán tôm giống và người nuôi. Người nuôi tôm phải chọn các thương hiệu tôm giống chất lượng để mua nhằm tránh thiệt hại. Có như vậy, nghề nuôi tôm mới phát triển.

Mặt khác, tốc độ phát triển nuôi tôm nước lợ trong thời gian qua rất nhanh nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng giống bố mẹ, giống hậu bị, nghiên cứu dinh dưỡng, sản xuất thức ăn thủy sản, nghiên cứu bệnh thủy sản, thuốc kháng sinh, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh… còn hạn chế. Vì thế, thời gian tới cần sự quy hoạch “dài hơi” của ngành chức năng.

Định hướng phát triển bền vững

Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2020, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có hơn 600.000ha tôm nuôi nước lợ (diện tích nuôi tôm giảm so với năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng tôm thương phẩm). Trong đó, tôm sú khoảng 550.000ha, còn lại là TTCT. Tổng sản lượng gần 750.000 tấn; giá trị xuất khẩu khoảng 3,8 tỷ USD; tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Hội thảo đã đưa ra các giải pháp cho việc phát triển nuôi tôm nước lợ trong điều kiện ít được thuận lợi; phát triển nuôi tôm nước lợ trong điều kiện thuận lợi; quy hoạch cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần…

Khu vực ĐBSCL còn tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm nước lợ nhưng lại thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu cơ chế, chính sách để phát triển lĩnh vực này. Đồng thời chưa có các giải pháp về khoa học - công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế; thị trường và xúc tiến thương mại. Chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi tôm nước lợ khu vực ven biển ĐBSCL bị ô nhiễm hữu cơ và một số chất có hại khác tại các khu vực cống điều tiết nước mặn. Do vậy, cần xây dựng các vùng sản xuất tôm giống đạt chất lượng cao với số lượng lớn để cung cấp cho vùng nuôi tôm nước lợ, nhất là TTCT. Thực hiện việc bán tôm giống trực tiếp từ công ty cho người nuôi tôm để đảm bảo nguồn gốc tôm và giá cả có lợi cho người nuôi tôm….

Trong quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL, các tỉnh rất quan tâm việc xây dựng hạ tầng thủy lợi. Vì hiện nay, hạ tầng thủy lợi khu vực ĐBSCL chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp - thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, hầu hết các hộ nuôi đều không có ao lắng, ao xử lý thải, khu vực xử lý bùn đáy ao. Cho nên khi tôm bệnh, người nuôi xử lý không triệt để, hoặc xả thải nước ao nuôi trực tiếp ra môi trường làm dịch bệnh lây lan... Các bệnh chủ yếu trên tôm nước lợ thường gặp là hoại tử gan tụy, đốm trắng, đường ruột. Trong đó, mức độ thiệt hại cao nhất là khi tôm nhiễm bệnh gan tụy và đốm trắng. Vì vậy, vấn đề chọn lựa tôm giống thả nuôi rất quan trọng.

Xây dựng trung tâm giống

Việc xây dựng trung tâm cung cấp tôm giống chất lượng cho cả khu vực ĐBSCL là vấn đề bức xúc đang được người nuôi tôm quan tâm.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh cung cấp lượng tôm giống lớn nhất, nhì khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở sản xuất tôm giống; trong đó có nhiều tập đoàn, công ty, cơ sở sản xuất tôm giống lớn có thương hiệu, uy tín và chất lượng. Đơn cử như Tập đoàn Việt Úc là một trong những công ty sản xuất tôm giống lớn nhất, nhì trong cả nước. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Úc cho biết: “Tập đoàn Việt Úc sản xuất tôm giống chiếm hơn 22% thị phần tôm giống của cả nước. Với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng, công ty đã đi đầu trong việc sản xuất và cung cấp tôm giống tại Việt Nam cả về số lượng lẫn chất lượng. Việt Úc có hơn 1.000 đại lý với 8.500 khách hàng thường xuyên. Những năm gần đây, do nhu cầu giống TTCT trên thị trường tăng nên công ty sản xuất hơn 90% lượng giống TTCT. Bạc Liêu đang xây dựng trung tâm cung cấp tôm giống cho khu vực ĐBSCL và Công ty Việt Úc sẽ góp phần rất lớn trong việc cung cấp tôm giống chất lượng cho khu vực”.

Nhu cầu về tôm giống ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống ra đời. Là một trong những tỉnh trong khu vực ĐBSCL có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống, Bạc Liêu đã và đang xây dựng vùng sản xuất tôm giống trọng điểm cung cấp cho cả khu vực ĐBSCL. Bạc Liêu đã xây dựng quy hoạch tổng thể cho phát triển con tôm như quy hoạch vùng nuôi tôm sú, nuôi TTCT và nhà máy chế biến gắn với các vùng nuôi tôm… Đặc biệt là quy hoạch khu sản xuất tôm giống chất lượng cao.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Tỉnh đã quy hoạch 3 vùng tập trung sản xuất giống gồm: khu vực Nhà Mát (TP. Bạc Liêu), khu vực cống Cái Cùng (huyện Hòa Bình), khu vực xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Phấn đấu đảm bảo cung ứng 70% lượng tôm giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL. Đây cũng là định hướng trong tái cơ cấu ngành Thủy sản tỉnh”.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Nhờ Cây Sắn Thoát Nghèo Nhờ Cây Sắn

Nằm trong vùng "sừng hươu" của hồ Dầu Tiếng, xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh) từ lâu đã được coi là xã nghèo vì đường sá xa xôi, cách trở. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhờ cây sắn, đời sống cộng đồng người Chăm ở đây đã trở nên khấm khá hơn rất nhiều.

20/08/2013
Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra

Theo báo cáo của các tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi 4.314ha cá tra, diện tích thu hoạch 2.116ha, sản lượng đạt 545.718 tấn, năng suất trung bình đạt 260 tấn/ha. Nếu so với năm 2012, sản lượng cá giống tăng 13,3%; diện tích nuôi giảm 4,1%; sản lượng cá thu hoạch tăng 2,3%.

20/08/2013
“Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường “Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nhưng hiện nông dân ở “vựa tôm” phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi tôm nuôi liên tiếp bị thiệt hại, nợ tiền đại lý thức ăn, nợ ngân hàng, đẩy hàng loạt hộ vào cảnh khốn đốn.

21/08/2013
Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường

Bến Tre là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh, hàng ngàn hộ dân nông thôn trong tỉnh chọn nuôi gia súc là kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, tình trạng chất thải trong chăn nuôi hầu như không được xử lý ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ làm ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Gần đây phương pháp nuôi heo trên đệm lót sinh thái hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường được một số hộ dân trong tỉnh áp dụng thành công, mở ra một hướng mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

21/08/2013
Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông Chợ Gạo (Tiền Giang) đang thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Phục Nhứt.

21/08/2013