Quy hoạch chăn nuôi cần tính đến cân đối nguồn nước phù hợp

Sự khác nhau về nhu cầu nước
Trước đây, ở cây trồng, các yếu tố quan trọng làm nên năng suất được xếp theo thứ tự: nước, phân, cần, giống. Còn ở chăn nuôi, sự sắp xếp có vẻ chung chung hơn: giống, thức ăn, thú y. Tuy nhiên, điều mà ai cũng biết với gia súc nếu không được uống nước, cái chết sẽ đến tính bằng giờ. Với động vật nhai lại như bò hay cừu, thời gian dẫn đến chết khi bị bỏ đói có thể đến ba tuần, nhưng nếu không cho uống nước thì chỉ cầm cự trong hai đến ba ngày.
Trong các loài gia súc, bò sữa cần nhiều nước uống nhất. Bò cao sản cho 30 - 40 lít sữa/ngày, có thể cần uống hơn một trăm lít nước/ngày. Các loại gia súc cho thịt tốn ít nước hơn, chỉ khoảng một phần ba hoặc một nửa so với loại vật nuôi lấy sữa. Nếu tính cả nước để tắm cho gia súc, vệ sinh chuồng trại thì bò sữa cũng tiêu tốn nhiều nước nhất. Đối với lợn, lượng nước uống cần cho lợn nái nuôi con cao hơn gấp đôi lợn thịt; lại nữa, nuôi lợn nào cũng vậy, ngoài nước ăn thì nước dùng cho vệ sinh chuồng trại cũng rất tốn. Nuôi dê cừu thì không tốn nhiều nước, chỉ khoảng 4 - 5 lít/ngày, tính chúng lại ưa khô nên không tốn nước cho vệ sinh chuồng trại.
Tuy vậy, lượng nước uống còn phụ thuộc vào mùa. Thí dụ, trong mùa hè nóng nực, lượng nước uống của gia súc có thể gấp nhiều lần so với mùa đông. Lượng nước uống còn phụ thuộc vào chất lượng nước trong lành, độ sạch, độ mặn. Kinh nghiệm cho thấy, việc nuôi các giống cao sản đòi hỏi lượng nước tốn hơn nhiều so với các giống thông thường, đó là do yêu cầu cao của công nghệ nuôi. Chưa kể, với các loài gia súc nhai lại, do đặc điểm sinh lý dạ cỏ, chúng cần một khối lượng cỏ lớn làm thức ăn hằng ngày, cũng có nghĩa là cần một lượng nước khổng lồ cho trồng cỏ! Ở đây không bàn đến đồng cỏ tự nhiên mà là chuyện cỏ trồng. Trồng cỏ thâm canh phải chăm tưới hằng ngày mới cho sinh khối cao, muốn thu hoạch 7 - 8 lứa/năm thì lượng nước cần cung cấp là khủng khiếp. Có chuyên gia đã ước tính, trồng cỏ cao sản thì cần lượng nước gấp sáu lần lúa nước...
Nước ngọt - yếu tố cần tính đến trong quy hoạch chăn nuôi
Đáng tiếc là không phải lúc nào, yếu tố nước ngọt cũng được chú ý thích đáng bởi các nhà làm quy hoạch chăn nuôi. Ở vùng khô hạn, chọn loại cây trồng chống chịu hạn là chuyện đương nhiên, nhưng đối với vật nuôi thì nhiều khi người ta lại quên. Vào những năm cuối của thế kỷ trước, khi phong trào nuôi bò sữa nổi lên rầm rộ trên cả nước, một vài người quản lý ở Ninh Thuận phân vân không biết có nên nuôi bò sữa không? Với một nơi hằng năm có đến chín tháng là mùa khô, lượng mưa chỉ bằng một phần ba trung bình của cả nước như Ninh Thuận thì điều này rất khó khả thi. Cứ xem khi vào mùa khô hạn, những con cừu phải ăn cả cây xương rồng vì không có cỏ mà ăn thì được ngay câu trả lời. Tương tự như vậy, ở Tây Nguyên bấy giờ, một số người cũng mang ý tưởng phát triển mạnh bò sữa, nhưng lợi ích của cây cà-phê đã thắng thế. Ai cũng biết quỹ nước là có hạn, kể cả nguồn nước ngầm, không thể làm mà không tính toán!
Vừa qua, đợt nóng hạn khốc liệt kéo dài ở miền trung càng thấy rõ sự cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong tình hình kinh tế hội nhập, vấn đề quy hoạch đòi hỏi phải tính toán cân đối tài nguyên, nhất là nguồn nước. Chọn đúng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, coi trọng lợi thế thị trường là bảo đảm cho thu nhập vững chắc của người nông dân. Vừa qua, các nhà lãnh đạo địa phương ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo có thể bớt trồng lúa, thay bằng cây chịu hạn, khuyến khích nuôi dê cừu -những con vật có nhu cầu nước thấp ở các vùng quá khô hạn.
Bên cạnh việc cần chú ý tới yếu tố lượng nước khai thác, cũng cần quan tâm đến vấn đề cải thiện chất lượng nước. Thực tiễn cho thấy, chất thải chăn nuôi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là với nguồn nước. Hàng ngày, một lượng nước rất lớn đã phải dùng cho vệ sinh cơ thể vật nuôi, chuồng trại, không chỉ gây tốn nước mà còn gây ô nhiễm đất và tầng nước ngầm. Công nghệ biogas tuy đem lại một số lợi ích, nhưng ở các trang trại lớn, lượng phân là quá lớn, chất thải lỏng chưa kịp lên men đã bị thải ra môi trường. Do vậy, cần cải tiến công nghệ kết hợp với nâng cao ý thức cộng đồng để giữ gìn nguồn nước sạch quý giá cho xã hội.
Đối mặt với biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên, nước biển dâng, đất trồng bị co hẹp, tất cả các nước đang phải cân nhắc cẩn thận việc sử dụng hiệu quả mọi tài nguyên, trong đó có nguồn nước ngọt. Đô thị hóa kéo theo nhu cầu thức ăn, điện, nước tăng gấp bội do đòi hỏi của sinh hoạt dân cư, của công nghiệp. Và quá trình hiện đại hóa nông nghiệp cũng đang đòi hỏi khai thác, dự trữ thêm lượng nước ngọt ngày càng lớn.
Hiện nay đã dễ dàng nhận thấy sự tranh giành nguồn nước ngọt ngày một gay gắt giữa các nước với việc xây dựng các hồ đập thủy lợi trên thượng nguồn các dòng sông chung, đe dọa dẫn đến xung đột khu vực. Hơn lúc nào hết, mỗi nước phải biết quý và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt mới mong phát triển bền vững nền kinh tế, mang lại phúc lợi cho người dân, giữ gìn an ninh lương thực và an toàn cho thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Dù hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) được ký kết ngay từ đầu vụ nhưng đến khi thu hoạch, một trong hai bên có thể “bẻ kèo” khi giá lúa biến động nhiều. Để đảm bảo hợp đồng không bị phá vỡ, ngoài uy tín của DN, niềm tin của nông dân, vai trò điều tiết trung gian của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương rất quan trọng.

Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải thuê nhân công cắt tay, gom - tuốt lúa và phải chuẩn bị phương tiện vận chuyển đường thủy mang về nhà. Lại phải phơi khô lúa rồi đón ghe bán. Thời nay, đã có máy gặt đập liên hợp, thương lái đến tận đồng thu mua lúa tươi. Vì vậy, thu hoạch xong, nông dân chỉ việc chờ cân lúa và… đếm tiền.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang triển khai trồng mới, trồng lại chè. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới, trồng lại 1.600 ha chè, trong đó 1.500 ha được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); 100 ha được tỉnh hỗ trợ kinh phí.

Vụ hè thu này toàn tỉnh Trà Vinh có gần 800 ha trồng khoai lang tím nhật, tập trung chủ yếu ở Duyên Hải, Cầu Ngang và huyện Trà Cú, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích, số còn lại đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn không tìm được người mua.

Mô hình được thực hiện với diện tích 1ha trên chân đất vàn, tầng canh tác dày tại xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình chịu tránh nhiệm tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, với hình thức gieo mạ non trên nền đất cứng.