Quay cuồng chống nóng

7h sáng, cái nắng le lói khắp nơi, bỏng rát.
Khi chúng tôi đến, anh Nguyễn Huy Duy, chủ trại gà lớn nhất thôn Trại Mai Trang, xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đang chạy lăng xăng khắp nơi kiểm tra nước, nhiệt độ, độ ẩm.
Lấy tay quệt mồ hôi, anh Duy cho biết, năm nay, anh vào khoảng 3 vạn gà giống. Cách đây 10 ngày đã xuất được khoảng 1,6 vạn con. Gần chục năm nuôi gà, nhưng chưa năm nào thời tiết lại nắng nóng cao độ như năm nay.
“May mà tôi mới bán được già nửa lứa gà rồi chú ạ. Giàn nước thổi hơi, quạt thông gió hoạt động hết công suất mà vẫn không ăn thua. Nước chảy từ mái bờ rô xi măng xuống mà nóng như đun”.
Theo anh Duy, gà trắng không chịu được nhiệt độ cao. Nhiệt độ tốt nhất là từ 20 – 25oC. Nắng nóng như thế này, gà ít di chuyển, kém ăn hẳn. Ban đêm, anh thắp điện, cho gà ăn nhiều hơn thường lệ, bù đắp ban ngày. Đồng thời cho gà uống nhiều nước hơn. Vitamin C tổng hợp cũng được hòa vào nước. Mỗi đêm, gia đình anh Duy cắt cử 3 người trực, đề phòng sự cố điện nước.
“Cả tuần nay, đêm nào tôi cũng phải dậy kiểm tra điện, nước. Kiểm tra từng chuồng, từng chiếc quạt thông gió. Giống gà trắng này, chỉ cần mất điện vài phút là toi ngay. Không thể chủ quan được”. Góc trang trại, hai máy phát cỡ lớn luôn sẵn sàng chạy cung cấp điện cho hệ thống ánh sáng, máy bơm và quạt thông gió.
Dù trang trại được bao bọc xung quanh là hồ ao, xa khu dân cư, nhưng anh Đoàn Văn Thuyên, thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng) bảo, vẫn không ăn thua chú ạ.
Khi chúng tôi tìm đến, cửa nhà vắng tanh, tiếng lợn kêu eng éc đến chói tai. Thì ra, ông chủ Thuyên đang hùng hục bơm nước rồi tắm cho lợn. Trước đây, nuôi lợn nái không ăn thua, nay anh Thuyên chuyển hẳn sang nuôi lợn thịt.
Anh bảo, hai chục năm nay, từ khi biết nuôi con lợn, chưa năm nào mà cái nắng đến sớm và khủng khiếp như vậy. Quạt thông gió, giàn nước phun mưa hoạt động 24/24 mà trong chuồng vẫn nóng hầm hập. Mỗi chuồng, anh xây thêm một bể nước để lợn tắm… cho giải nhiệt. Biết thế là tốn kém, nhưng không vậy thì lợn cũng toi.
Như ngày 1/6, cả thôn Vĩnh Lại mất điện gần một tiếng đồng hồ. Đang ăn cơm, cả nhà anh phải vứt đũa, chạy như ma đuổi xuống bếp nổ máy phát.
“Xin lỗi chú chứ, lúc đó còn lo hơn cả bố chết. Ngoài trại lợn, tôi còn mấy chuồng gà. Thời tiết thế này, không nói là 10 phút, chỉ cần 2 phút thôi là chúng ngáp ngáp hết. Sơ sẩy 1 phút là toi ngay”, anh Thuyên tâm sự.
Đêm nóng, vợ chồng và hai đứa con nhà anh Thuyên thay nhau dậy kiểm tra chuồng trại. Rất may, chưa có thiệt hại nào xảy ra do nắng nóng. Anh Thuyên nhẩm tính, trung bình mỗi tháng, gia đình mất khoảng 50 triệu đồng tiền điện.
Có thể bạn quan tâm

Về Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) hỏi thăm anh Đồng Văn Chiêm (SN 1983) dân tộc Tày thì bà con ai cũng biết. Tuổi đời còn khá trẻ, nhưng anh Chiêm đang là chủ sở hữu đàn trâu, bò lên đến gần 50 con, trị giá tiền tỷ.

Tháng 9, đặt chân đến khối Trung Nghĩa và Dốc Cao, thuộc phường Quang Tiến, TX Thái Hòa, Nghệ An, hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng thán phục, bởi vụ bưởi hồng năm nay nhà nào cũng "hái" được hàng trăm triệu đồng.

Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Đặng Quang Hữu, thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã gây dựng nên cơ nghiệp trị giá cả tỷ đồng. Không những vậy, mỗi năm anh còn giúp đỡ hàng trăm hộ có công ăn việc làm, có thu nhập...

Nhờ nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp giống, mỗi tháng gia đình ông Hứa Công Lương (55 tuổi, ở thôn An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã ăn nên, làm ra, tạo được cuộc sống khấm khá.

Mải miết những ý tưởng mới trong sản xuất kinh doanh chè, anh Trịnh Xuân Thanh, chủ cơ sở sản xuất thương mại Duy Phát, thôn 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn đau đáu với mô hình sản xuất chè an toàn bằng phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hóa học…