Quảng Tín Chọn Cây Trồng Chủ Lực Để Xóa Đói Giảm Nghèo

Rà soát lại lĩnh vực nông nghiệp gắn với mục tiêu phát triển bền vững các thôn, bon, trên cơ sở đó có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp là cách mà xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đang triển khai nhằm giúp nhân dân từng bước xóa đói giảm nghèo, làm giàu một cách bền vững.
Trên cơ sở, tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, từ năm 2011 đến nay, xã Quảng Tín đã tiến hành xác định lại cơ cấu cây trồng, trong đó chọn hai loại cây trồng chủ lực là cà phê và điều. Riêng đối với cây điều, xã vẫn khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh vì địa hình, đất đai, khí hậu của xã khá phù hợp.
Lí do khác là cây điều cơ bản thích ứng với khả năng, kỹ thuật canh tác của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, xã đưa ra chủ trương vận động nhân dân ở 4 bon đồng bào dân tộc và một số khu vực khác thực hiện chuyển đổi những diện tích điều quá già cỗi, nhiều sâu bệnh còn những diện tích còn lại thì tập trung đầu tư, tăng năng suất. Ở những khu vực còn lại có lợi thế về nguồn nước thì đầu tư thâm canh cà phê.
Từ chỗ xác định rõ hai loại cây trồng chủ lực, xã đã tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cà phê, điều; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp để xây dựng các mô hình, các cuộc hội thảo giúp bà con có cơ hội tiếp cận, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Vì thế, những năm gần đây, năng suất sản lượng cà phê, điều trên địa bàn đều tăng lên.
Chị Thị Hiền ở bon Ol Bu Tung cho biết: “Trước đây, tôi trồng điều nhưng hầu như không chăm sóc, bón phân gì cả. Nhưng hiện nay, nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn của xã về kỹ thuật chăm sóc cho cây điều mà tôi đã biết cách bón phân, phòng chống các bệnh như sâu đục thân, nấm cho khoảng 1.000 cây điều.
Chính vì thế năng suất cũng tăng bình quân từ 1- 1,5 tạ/ha. Nhờ có thu nhập khá ổn định từ vườn điều mà nhiều năm nay, chị Thị Hiền đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, các con chị cũng được chăm sóc, học hành tốt.
Cùng với việc giúp nông dân tăng thu nhập từ cây điều, biết cách phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh thì đối với cây cà phê, việc ổn định năng suất được xã coi trọng. Theo đó, những kỹ thuật về bón các loại phân hợp lý, cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách được địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp phổ biến rộng rãi tới người dân.
Theo ông Lê Văn Trung, ở thôn 3 thì ngoài việc trồng cà phê theo hướng bền vững, gia đình cũng đã chú trọng vào việc trồng mít để che bóng, làm hàng rào cản gió. Đồng thời, ông còn biết sử dụng các loại phân bón theo mùa nắng, mưa nên cà phê luôn đạt năng suất ổn định ở mức 4 tấn/ ha, cuộc sống gia đình luôn được đảm bảo.
Theo báo cáo của UBND xã Quảng Tín thì xã hiện có gần 2.700 ha cà phê kinh doanh và hơn 1.100 ha điều. Riêng năm 2013, sản lượng cà phê toàn xã đạt 8.175 tấn, tăng 273 tấn và sản lượng điều là 1.774 tấn, tăng 178 tấn so với năm 2013. Trong khi đó, diện tích hai loại cây này cơ bản ổn định, rất ít diện tích trồng mới trong mấy năm gần đây. Từ đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện giảm xuống chỉ còn 8,75%, giảm 1,35% so với năm 2012.
Nói về những định hướng lớn trong năm 2014 và những năm tiếp theo, ông Phan Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nếu cây điều cần ít nước thì cà phê lại phải có đủ nước. Do đó, xã sẽ chú trọng vào việc ưu tiên các nguồn vốn để cùng với đơn vị quản lý công trình thủy lợi sử dụng hiệu quả các công trình hồ, đập chứa nước hiện có trên địa bàn. Bên cạnh đó xã cũng xin chủ trương đầu tư xây dựng mới từ 1-2 công trình thủy lợi nữa để đảm bảo chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm

Vụ hè thu 2015, huyện Phước Sơn tổ chức sản xuất trên khoảng 40% diện tích so với tổng diện tích đông xuân 2014 - 2015. Tuy không bị áp lực cao bởi nắng hạn do vụ hè thu thường xuất hiện mưa dông, song do quản lý vận hành một số công trình thủy lợi, hồ chứa chưa tốt đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, bên cạnh việc các hợp tác xã (HTX) phát huy vai trò “bà đỡ” thì nông dân nhiều địa phương cũng rất năng động liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ngày đầu thành lập, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã thực sự trở thành “phao cứu sinh: đối với ngư dân. Ngay đầu năm 2015 đã có 2 gia đình ngư dân trong tỉnh nhận được nguồn hỗ trợ lớn để hiện thực hóa ước mơ đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển để làm ăn hiệu quả hơn.

Tuy mang lại hiệu quả lớn nhưng hiện giờ, việc liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống (DN) lại khó mở rộng diện tích vì nhiều lý do. Trong đó có chuyện nông dân và HTX chưa thực sự đặt niềm tin vào DN…

Mặc dù tình trạng nắng hạn đang diễn ra gay gắt những nhờ sự chủ động trong lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên nhiều loại cây trồng lấy củ, nông sản trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đều được mùa. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân chưa trọn vẹn khi phải đối mặt với tình trạng được mùa- mất giá.