Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ninh Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Tu Hài Vân Đồn

Quảng Ninh Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Tu Hài Vân Đồn
Ngày đăng: 26/06/2014

Theo ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nghề nuôi trồng tu hài đã phát triển nhiều năm nay ở địa phương. Đến nay, Vân Đồn đã có khoảng 100 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp nuôi tu hài, thu hút một lượng lớn lao động và mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân trong vùng.

Hiện tu hài được nuôi nhiều ở các xã Bản Sen (209ha, sản lượng 233 tấn/năm), Minh Châu (150ha, sản lượng 105 tấn/năm), Vạn Yên (130ha với sản lượng 185 tấn/năm)... Quy mô nuôi tu hài đa dạng, từ 1.000 lồng đến 50 vạn lồng (Công ty TNHH Đỗ Tờ, xã Bản Sen); trung bình 5.000 lồng/hộ. Tu hài Vân Đồn có giá trị kinh tế cao, giá tu hài giống khoảng 300 đồng/con; tu hài thương phẩm từ 180-200 nghìn đồng/kg (12-15 con).

Tuy nhiên, việc sản phẩm tu hài Vân Đồn chưa có các dấu hiệu nhận dạng (bao bì, tem, nhãn mác...) đã hạn chế việc phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ; người tiêu dùng không phân biệt được tu hài Vân Đồn với các sản phẩm cùng loại khác (Hải Phòng, Khánh Hoà, Trung Quốc).

Bởi vậy, để phát triển nghề nuôi tu hài Vân Đồn một cách bền vững, Sở KH&CN đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) xây dựng và triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn cho sản phẩm tu hài của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”.

Nhãn hiệu chứng nhận là cơ sở hợp tác có lợi giữa các tác nhân trong ngành hàng tu hài, tăng khả năng nhận biết và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm.

Qua đó, sản phẩm tu hài được chứng nhận đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Người tiêu dùng được chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Nhãn hiệu chứng nhận chính là công cụ tiếp cận thị trường, nâng cao được giá trị của sản phẩm tu hài Vân Đồn.

Dự án được thực hiện từ tháng 4-2012 đến tháng 6-2014 với 3 nội dung chính: Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn; Quản lý nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn; Phát triển nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn. Các đối tượng tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án là những người sản xuất tu hài giống và tu hài thương phẩm quy mô nhỏ và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Dự án đã xây dựng xong bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tu hài của huyện Vân Đồn. Bên cạnh đó, hệ thống các công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận tu hài được thiết lập; tổ chức chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn được xây dựng, có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và thường xuyên chất lượng, quy trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở.

Để quản lý tốt nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn, Hội Sản xuất và Kinh doanh tu hài Vân Đồn được thành lập. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội cho biết: “Hội hoạt động theo điều lệ, phương án sản xuất và kinh doanh riêng, tạo điều kiện cho các thành viên trong Hội hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động của mình”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Vân Đồn cũng đã thống nhất với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tu hài Vân Đồn”; xây dựng và hoàn thiện các công cụ để đánh giá, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm tu hài Vân Đồn mang nhãn hiệu chứng nhận, nhằm giúp ích cho việc quản lý nhãn hiệu có hiệu quả hơn.

Hệ thống nhận diện sản phẩm tu hài Vân Đồn cũng đã được xây dựng gồm: Logo, poster, tờ rơi, hệ thống bao bì, nhãn mác… phù hợp và mang đặc điểm đặc trưng của vùng sản xuất.

Để phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tu hài Vân Đồn”, đơn vị tư vấn đã phối hợp với UBND huyện Vân Đồn xây dựng 4 mô hình: 2 mô hình nuôi tu hài giống và 2 mô hình nuôi tu hài thương phẩm ở thị trấn Cái Rồng và xã Bản Sen.

Ông Hoàng Văn Liên (khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) chia sẻ: “Xác định được nguồn lợi, giá trị kinh tế của tu hài Vân Đồn, gia đình tôi quyết định tham gia dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn. Và để góp phần phát triển nhãn hiệu này, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 500 lồng bè để nuôi tu hài giống. Tôi rất yên tâm khi sản phẩm của gia đình có nhãn hiệu chứng nhận, sẽ dễ tiêu thụ và thị trường tiêu thụ cũng rộng mở hơn”.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của người dân, dự án cũng đã tổ chức các lớp đào tạo về quy trình kỹ thuật nuôi tu hài giống và thương phẩm, các kiến thức về sở hữu trí tuệ, kỹ năng kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ. Bà con còn được tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh thương mại do dự án xây dựng và phát triển; được sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm do dự án xây dựng...


Có thể bạn quan tâm

Đến hẹn lại rớt giá Đến hẹn lại rớt giá

Bà con trồng thanh long lâu năm đã quen với điệp khúc... “đến hẹn lại rớt giá”. Năm 2014, cũng thời điểm tháng 8, thanh long rớt giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí phải đổ cho bò ăn, nhưng vẫn khan hiếm thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu sang thị trường khó tính.

07/09/2015
Giá trị xuất khẩu tiêu giảm nhẹ dù giá vẫn tăng Giá trị xuất khẩu tiêu giảm nhẹ dù giá vẫn tăng

7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiêu tăng 1,9% (dù lượng giảm hơn 20%) so với cùng kỳ năm trước nhưng tính tới hết 8 tháng, xuất khẩu tiêu lại có sự đổi thay khi giảm cả lượng lẫn giá trị, với mức giảm lần lượt là giảm 21,7% về khối lượng và giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

07/09/2015
Hạn hán gây thiệt hại 185.451 ha diện tích trồng lúa Hạn hán gây thiệt hại 185.451 ha diện tích trồng lúa

Thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuống giống trên diện tích 185.451 ha đất lúa tại Campuchia, tờ Khmer Times dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia cho biết.

07/09/2015
Liên kết làm giàu nuôi heo không lo đầu ra Liên kết làm giàu nuôi heo không lo đầu ra

Nhờ liên kết với doanh nghiệp, trang trại heo của gia đình ông Nguyễn Đình Thông (47 tuổi, ở xã Vạn Bình, H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao và không phải lo lắng về chất lượng giống, thức ăn, đặc biệt là đầu ra.

07/09/2015
Giá cà phê trong nước ngày 05/09/2015 tiếp tục tăng thêm 200 ngàn đồng/tấn Giá cà phê trong nước ngày 05/09/2015 tiếp tục tăng thêm 200 ngàn đồng/tấn

Ngày 05/09, giá cà phê tại thị trường Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ, trong khi đó giá cà phê thế giới trên hai sàn ICE và Liffe diễn biến trái chiều nhau. Trong phiên giao dịch đêm hôm qua, giá cà phê robusta trên sàn Liffe kỳ hạn 09/15 tăng nhẹ 4 USD/tấn hay +0,25% lên mức 1.589 USD/tấn, các kỳ hạn khác cũng tăng từ 5 - 9 USD/tấn. Giá cà phê arabica trên sàn ICE kỳ hạn 09/15 giảm 0,35 cent/lb hay -0,30% xuống còn 115,85 cent/lb, các kỳ hạn khác cũng giảm 0,40 - 0,45 cent/lb. Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm 200 ngàn đồng/tấn lên mức 35,0 - 35,5 triệu đồng/ tấn.

07/09/2015