Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ninh Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Tu Hài Vân Đồn

Quảng Ninh Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Tu Hài Vân Đồn
Ngày đăng: 26/06/2014

Theo ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nghề nuôi trồng tu hài đã phát triển nhiều năm nay ở địa phương. Đến nay, Vân Đồn đã có khoảng 100 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp nuôi tu hài, thu hút một lượng lớn lao động và mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân trong vùng.

Hiện tu hài được nuôi nhiều ở các xã Bản Sen (209ha, sản lượng 233 tấn/năm), Minh Châu (150ha, sản lượng 105 tấn/năm), Vạn Yên (130ha với sản lượng 185 tấn/năm)... Quy mô nuôi tu hài đa dạng, từ 1.000 lồng đến 50 vạn lồng (Công ty TNHH Đỗ Tờ, xã Bản Sen); trung bình 5.000 lồng/hộ. Tu hài Vân Đồn có giá trị kinh tế cao, giá tu hài giống khoảng 300 đồng/con; tu hài thương phẩm từ 180-200 nghìn đồng/kg (12-15 con).

Tuy nhiên, việc sản phẩm tu hài Vân Đồn chưa có các dấu hiệu nhận dạng (bao bì, tem, nhãn mác...) đã hạn chế việc phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ; người tiêu dùng không phân biệt được tu hài Vân Đồn với các sản phẩm cùng loại khác (Hải Phòng, Khánh Hoà, Trung Quốc).

Bởi vậy, để phát triển nghề nuôi tu hài Vân Đồn một cách bền vững, Sở KH&CN đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) xây dựng và triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn cho sản phẩm tu hài của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”.

Nhãn hiệu chứng nhận là cơ sở hợp tác có lợi giữa các tác nhân trong ngành hàng tu hài, tăng khả năng nhận biết và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm.

Qua đó, sản phẩm tu hài được chứng nhận đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Người tiêu dùng được chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Nhãn hiệu chứng nhận chính là công cụ tiếp cận thị trường, nâng cao được giá trị của sản phẩm tu hài Vân Đồn.

Dự án được thực hiện từ tháng 4-2012 đến tháng 6-2014 với 3 nội dung chính: Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn; Quản lý nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn; Phát triển nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn. Các đối tượng tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án là những người sản xuất tu hài giống và tu hài thương phẩm quy mô nhỏ và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Dự án đã xây dựng xong bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tu hài của huyện Vân Đồn. Bên cạnh đó, hệ thống các công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận tu hài được thiết lập; tổ chức chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn được xây dựng, có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và thường xuyên chất lượng, quy trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở.

Để quản lý tốt nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn, Hội Sản xuất và Kinh doanh tu hài Vân Đồn được thành lập. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội cho biết: “Hội hoạt động theo điều lệ, phương án sản xuất và kinh doanh riêng, tạo điều kiện cho các thành viên trong Hội hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động của mình”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Vân Đồn cũng đã thống nhất với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tu hài Vân Đồn”; xây dựng và hoàn thiện các công cụ để đánh giá, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm tu hài Vân Đồn mang nhãn hiệu chứng nhận, nhằm giúp ích cho việc quản lý nhãn hiệu có hiệu quả hơn.

Hệ thống nhận diện sản phẩm tu hài Vân Đồn cũng đã được xây dựng gồm: Logo, poster, tờ rơi, hệ thống bao bì, nhãn mác… phù hợp và mang đặc điểm đặc trưng của vùng sản xuất.

Để phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tu hài Vân Đồn”, đơn vị tư vấn đã phối hợp với UBND huyện Vân Đồn xây dựng 4 mô hình: 2 mô hình nuôi tu hài giống và 2 mô hình nuôi tu hài thương phẩm ở thị trấn Cái Rồng và xã Bản Sen.

Ông Hoàng Văn Liên (khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) chia sẻ: “Xác định được nguồn lợi, giá trị kinh tế của tu hài Vân Đồn, gia đình tôi quyết định tham gia dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận tu hài Vân Đồn. Và để góp phần phát triển nhãn hiệu này, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 500 lồng bè để nuôi tu hài giống. Tôi rất yên tâm khi sản phẩm của gia đình có nhãn hiệu chứng nhận, sẽ dễ tiêu thụ và thị trường tiêu thụ cũng rộng mở hơn”.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của người dân, dự án cũng đã tổ chức các lớp đào tạo về quy trình kỹ thuật nuôi tu hài giống và thương phẩm, các kiến thức về sở hữu trí tuệ, kỹ năng kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ. Bà con còn được tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh thương mại do dự án xây dựng và phát triển; được sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm do dự án xây dựng...


Có thể bạn quan tâm

Nông sản rõ xuất xứ mới dễ đưa vào Hàn Quốc Nông sản rõ xuất xứ mới dễ đưa vào Hàn Quốc

Ngày 14.7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo “FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cập nhật những xu hướng và tình hình thị trường xuất nhập khẩu của Hàn Quốc để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu.

16/07/2015
Tăng cường sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam Tăng cường sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm là những yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam.

16/07/2015
Yến sào giá nào cũng có Yến sào giá nào cũng có

100 gram yến giá 99.000-120.000 đồng, thay vì 5-6 triệu đồng như thường lệ. Khách mua còn được tặng thêm nồi chưng và tai yến.

16/07/2015
Cần có giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng, khô hạn bất thường trong sản xuất vụ Mùa Cần có giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng, khô hạn bất thường trong sản xuất vụ Mùa

Đã gần trung tuần tháng 7, nhưng trời vẫn không có mưa. Nắng nóng, khô hạn đã gây thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất vụ mùa đang diễn ra trên diện rộng. Cần sớm có các giải pháp ứng phó để thúc đẩy sản xuất...

16/07/2015
Nâng chữ đường, nâng thu nhập Nâng chữ đường, nâng thu nhập

Trong sản xuất mía hiện nay, chữ đường (CCS) được xem là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đến giá mía và nguồn thu nhập của người dân. Do đó, với sự hỗ trợ tích cực từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện người trồng mía trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để cây mía đạt CCS tốt nhất đến ngày thu hoạch.

16/07/2015