Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ninh Sản Xuất Thành Công Giống Cá Song Chấm Nâu

Quảng Ninh Sản Xuất Thành Công Giống Cá Song Chấm Nâu
Ngày đăng: 22/07/2014

Với trên 21km bờ biển cùng với hàng ngàn ha bãi triều, Đầm Hà (Quảng Ninh) thực sự giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng hải sản, đặc biệt là những loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá song, cá vược, cua, ngao, tu hài... Tuy nhiên, hiện ở Đầm Hà vẫn chưa có cơ sở nào đáp ứng được nguồn giống hải sản cho các hộ nuôi, chủ yếu là nhập từ tỉnh ngoài hoặc khai thác từ tự nhiên...

Dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao đất tại huyện Đầm Hà” ra đời chính là để góp phần đáp ứng nhu cầu này của bà con nông dân...

Cá song chấm nâu là loài hải sản có giá trị kinh tế cao, hiện đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng do chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng.

Tuy nhiên mặt hàng này đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Từ thực tế đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thuỷ sản Bắc Việt (ở thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) đã đề xuất và được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao đất”.

Dự án được thực hiện từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2014 với tổng kinh phí là 7.096.982 ngàn đồng. (Trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 1.250.000 ngàn đồng, ngân sách địa phương là 2.114.525 ngàn đồng và nguồn khác là 3.732.457 ngàn đồng).

Với sự quan tâm giúp đỡ của Sở KH&CN, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thuỷ sản Bắc Việt đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các bước theo thuyết minh dự án. Cụ thể, Công ty đã tiếp nhận thành công công nghệ do Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I chuyển giao với các quy trình công nghệ sản xuất giống gồm: Quy trình nuôi vỗ cá bố mẹ; công nghệ cho cá bố mẹ đẻ trứng, thu trứng, tách trứng và ấp nở trứng; công nghệ ương cá song chấm nâu từ giai đoạn cá bột lên cá hương; công nghệ ương cá song chấm nâu từ cá hương lên cá giống; công nghệ phòng, trị bệnh cho cá song chấm nâu giai đoạn cá bột lên cá giống; công nghệ cường hoá thức ăn tươi sống làm thức ăn cho cá song giai đoạn cá bột lên cá hương và 2 quy trình công nghệ nuôi cá song chấm nâu thương phẩm trong ao đất…

Ông Ngô Vĩnh Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thuỷ sản Bắc Việt và là chủ nhiệm dự án này, cho biết, với tính tiên tiến của công nghệ đã áp dụng, tỷ lệ sống của cá giống tăng lên trung bình là 6,67 lần so với công nghệ cũ.

Và đặc biệt, “bước đột phá” trong công nghệ sản xuất giống nhân tạo loài cá song này là đã giải quyết được loại thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng thông qua kỹ thuật cường hoá thức ăn là luân trùng và artemia bằng DHA protein Selco, phù hợp với sự phát triển của ấu trùng cá song từ giai đoạn cá bột lên cá hương (tỷ lệ sống đạt 7,36-10,2%).

Về công nghệ nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I thì sau 14-16 tháng nuôi năng suất đạt 10 tấn/ha, nghĩa là gấp 2,5 lần so với công nghệ hiện nay tại địa phương...

Qua kết quả nghiệm thu dự án, có thể thấy mô hình sản xuất giống cá song chấm nâu trong ao là rất khả quan. Bà Lê Trường Yến, Trưởng phòng Quản lý khoa học cơ sở (Sở KH&CN) nhận xét: “Qua 6 đợt sản xuất trong 2 năm, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa nhiều, độ mặn giảm thấp trong tháng 6-2013), cá bố mẹ cho đẻ năm 2012 bị ảnh hưởng bởi quá trình vận chuyển, thay đổi điều kiện môi trường nuôi vỗ v.v.. nhưng việc triển khai mô hình sản xuất giống cá song chấm nâu vẫn đạt kết quả tốt với 210.120 con cá giống cỡ 4-6cm/con, vượt quy mô của mô hình đặt ra là 200.000 con (đạt 105,06% chỉ tiêu).

Toàn bộ số cá giống 50.040 con sản xuất từ năm 2012 đã được Công ty tiếp tục tổ chức ương nuôi để tạo ra 36.000 con cá giống cỡ 15-17cm/ con, phục vụ mô hình nuôi thương phẩm với quy mô 3ha được triển khai từ tháng 1-2013.

Ngoài ra, Công ty cũng đã xuất bán được 3,7 vạn con giống vượt đàn (cỡ 4-6cm) ở lần sinh sản đầu tiên (tháng 9-2013) và tiếp tục xuất bán ra ngoài thị trường, phục vụ nhu cầu con giống nuôi thương phẩm cho bà con nông dân trong và ngoài huyện…

Với những thành công ban đầu ấy, huyện Đầm Hà đang tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi cá song chấm nâu nhằm thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản của huyện phát triển mạnh hơn, góp phần giảm nghèo bền vững và mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Chẽm - Niềm Vui Nhân Đôi Nuôi Cá Chẽm - Niềm Vui Nhân Đôi

Trong khi các vùng triều trong tỉnh Quảng Ngãi, người nuôi tôm điêu đứng vì tôm dịch bệnh, nhiều hộ phải bỏ hồ hoang thì ở cánh đồng triều thuộc xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nông dân đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Hơn 3 năm cá chẽm đã sống thích nghi với nguồn nước đồng triều nơi này và giải quyết được cuộc sống khốn khó cho bà con. Riêng vụ mùa năm nay, bà con nuôi cá vừa được mùa, được giá nên niềm vui như nhân đôi.

15/06/2012
Nuôi Hươu, Nai Hiếu Liêm: Nhận Giấy Chứng Nhận Nhãn Hiệu Hàng Hóa Tập Thể Nuôi Hươu, Nai Hiếu Liêm: Nhận Giấy Chứng Nhận Nhãn Hiệu Hàng Hóa Tập Thể

Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

15/06/2012
Thách Thức Thanh Long VietGAP Thách Thức Thanh Long VietGAP

Sau khoảng 4 năm triển khai thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã có trên 5.300 ha/6.600 hộ được cấp giấy chứng nhận. Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp và đông đảo nông dân. Tuy nhiên, việc làm ý nghĩa này đang chứa đựng nhiều thách thức, đến từ phía người trồng thanh long…

16/06/2012
Rau Quả Xuất Khẩu Sang EU Bị Cảnh Báo Về Chất Lượng Rau Quả Xuất Khẩu Sang EU Bị Cảnh Báo Về Chất Lượng

Ngày 11.6, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cảnh báo số vụ rau quả vi phạm chất lượng xuất khẩu sang các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng gia tăng.

16/06/2012
Trồng Bí Đỏ Lấy Hạt Cho Thu Nhập Cao Trồng Bí Đỏ Lấy Hạt Cho Thu Nhập Cao

Trong thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã áp dụng mô hình trồng bí đỏ lấy hạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 6 lần so với trồng bắp.

17/06/2012